Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050: Có 4 trụ cột kinh tế chính Quảng Bình: Phát hiện thêm 22 hang động mới |
Theo đó, thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã chủ động, tích cực phối hợp tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo đồng bộ và hiệu quả. Các phong trào thực hiện công tác giảm nghèo thu hút đông đảo sự quan tâm, giúp đỡ của cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội với hàng tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt là sự đóng góp, chung tay của người dân tại cộng đồng dân cư nơi sinh sống, góp phần quan trọng trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Quảng Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng về công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thành lập Tổ công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Đường bê tông trải dài về từng thôn, bản tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh |
Các ngành, địa phương đã tổ chức truyền thông trực tiếp tại các điểm là thôn, bản, xã nghèo, đặc biệt khó khăn và xã không thuộc xã nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp với trình độ tiếp cận của từng vùng, đặc biệt nêu cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của bản thân người nghèo, hộ nghèo, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, chăm chỉ làm việc vươn lên thoát nghèo bền vững. Biên soạn, in ấn và phát hành tờ gấp, tờ rơi pháp luật về trợ giúp pháp lý... góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý, hệ thống tổ chức thực hiện, người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng để họ dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý.
Cùng với đó, các cấp, các ngành và địa phương cũng nghiêm túc thực hiện khảo sát đúng, phù hợp thực trạng đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương, cơ sở; rà soát phân tích, phân loại hộ nghèo cụ thể theo nhóm nguyên nhân nghèo, từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm hộ nghèo.
Bà con ở cã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch canh tác hoa màu |
Năm 2022, Quảng Bình đã tổ chức 16 lớp tập huấn về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình cho 1.021 người là thành viên Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp huyện, cấp xã và các rà soát viên trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh đã cấp cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số và người dân đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước, hỗ trợ tiền điện cho 16.684 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, tặng quà Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 17,796 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh 16,649 tỷ đồng; ngân sách huyện 266,9 tỷ đồng; từ nguồn xã hội hóa 880,2 triệu đồng.
Tỉnh Quảng Bình cũng lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương với chương trình giảm nghèo, đồng thời huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi lợi thế sẵn có của địa phương để có giải pháp giảm nghèo bền vững. Từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 57.229 triệu; nguồn ngân sách địa phương đối ứng 8.238 triệu đồng, tỉnh đã phân bổ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ cho 8 huyện, thị xã, thành phố có hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nguồn vốn đúng kế hoạch, tiến độ. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cùng với đó, các cấp, các ngành và địa phương sẽ phát triển của cộng đồng dân cư gắn liền với sự vươn lên của hộ nghèo; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nước sạch...) tại các khu dân cư, đặc biệt tại vùng nghèo, xã nghèo nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về tiếp cận các dịch vụ cơ bản giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.