Thứ bảy 28/12/2024 04:50

Quản lý thị trường: Khẳng định vai trò chủ công theo mô hình mới

Sau hơn 2 năm vận hành theo mô hình ngành dọc, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ổn định, kiện toàn tổ chức cán bộ, tinh giản 45% số đội QLTT so với ban đầu. Tuy nhiên, việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, mà còn giúp lực lượng ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp, đủ sức “đánh” vào những tổ chức, trung tâm đầu nậu, trọng điểm về buôn lậu hàng gian, hàng giả.

Nhân kỷ niệm 70 ngày truyền thống ngành Công Thương, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT – đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về kết quả đạt được của lực lượng QLTT, đặc biệt là sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong điều hành, quản lý, hiệu quả kiểm tra, kiểm soát sau khi chuyển đổi sang mô hình ngành dọc.

Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT

Ngay từ đầu thành lập mô hình theo ngành dọc, Tổng cục QLTT đã xác định tập trung vào năm nhiệm vụ chính là ổn định, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin và công tác thông tin truyền thông. Xin ông cho biết kết quả đạt được từ những nhiệm vụ vừa nêu lên cho tới thời điểm hiện nay?

Sau 2 năm 6 tháng chính thức vận hành theo mô hình ngành dọc, đây là thời điểm tương đối phù hợp để chúng tôi nhìn nhận lại những hiệu quả hoạt động theo mô hình mới này. Ngay từ khi thành lập, Tổng cục xác định xây dựng nội bộ lực lượng là quan trọng nhất. Do vậy, ổn định kiện toàn tổ chức cán bộ, nâng cao đội ngũ cán bộ là việc ưu tiên số 1 và số 2.

Đến thời điểm này, về cơ bản, ổn định và kiện toàn tổ chức cán bộ của Tổng cục đã được thực hiện tốt. Thực tế, khi thay đổi mô hình dẫn đến việc xáo trộn toàn bộ cơ cấu hệ thống tổ chức, cũng như tất cả các vị trí. Từ cấp đội phó, đội trưởng; trưởng, phó phòng; Cục trưởng, Cục phó; Tổng cục đều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm và hệ số phụ cấp. Tất cả các vị trí trong lực lượng đều phải được bổ nhiệm lại. Chưa kể có những đồng chí trước đây là chi cục đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng sau khi thành lập Tổng cục, không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn được bổ nhiệm, Tổng cục phải sắp xếp công tác tư tưởng để các đồng chí này chấp hành những vị trí thấp hơn.

Mặc dù công tác kiện toàn tổ chức cán bộ tiến hành rất khó khăn, nhưng đã tạo sự ủng hộ, đồng thuận của toàn bộ lực lượng. Hiện nay, Tổng cục đã bổ nhiệm xong 1 Tổng cục trưởng, 4 Phó Tổng cục trưởng, 63 cục trưởng, quyền cục trưởng và các cục phó, đội trưởng, đội phó.

Một thành công nữa phải kể đến đó là tinh giản bộ máy. Tổng cục là đơn vị duy nhất thực hiện công tác tinh giản bộ máy rất tốt. Thực tế, khi nhận bàn giao, cả lực lượng có 675 đội QLTT, nhưng đến hết năm 2020, chỉ còn giữ lại 376 đội, đã giảm 45% số đội QLTT. Từ chỗ, mỗi huyện có một đội nhưng hiện nay, hầu hết các đội phụ trách từ 2 - 3 huyện, thậm chí là có đội phụ trách 4 huyện. Rất mừng là sự tinh giản này không bị ảnh hưởng đến chất lượng công việc và tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ.

Nhiệm vụ thứ hai là nâng cao chất lượng đội ngũ. Trong suốt thời gian dài, cán bộ QLTT bị người dân, doanh nghiệp phản ánh về năng lực khi kiểm tra địa bàn, hay về đạo đức công vụ. Vì vậy, Tổng cục xác định muốn lực lượng tiến lên “Chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại” phải quan tâm đến nâng cao chất lượng của kiểm soát viên thị trường, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể, Tổng cục QLTT thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo trong nội bộ lực lượng, cử đi học lớp nâng ngạch kiểm soát. Bên cạnh đó, phối hợp với các hãng nước ngoài và doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực chuyên môn đối với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể. Đặc biệt, để đào tạo chính quy lực lượng, Tổng cục kết hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân đào tạo bậc đại học về QLTT từ năm 2021.

Thứ ba liên quan đến xây dựng thể chế. Tổng cục được Chính phủ và Bộ Công Thương giao soạn thảo, trình ban hành 6 nghị định của Chính phủ và rất nhiều thông tư liên quan đến quy trình kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đơn cử như: Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Đây là những văn bản pháp luật rất quan trọng để tạo hành lang pháp lý giúp QLTT triển khai công việc.

Thứ tư là ứng dụng công nghệ thông tin. Tổng cục đã có hệ thống quản lý bằng phần mềm rất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu cũng như tính thực tiễn.

Thứ năm là công tác thông tin truyền thông. Thời gian qua, Tổng cục đã đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, một mặt để người dân và xã hội biết được những công việc mà lực lượng QLTT đang làm, kể cả những việc tốt và chưa tốt. Đây là kênh giám sát để giúp QLTT hoàn thiện hơn. Mặt khác, thông tin truyền thông cũng giúp cho người dân và doanh nghiệp nâng cao ý thức và cảnh báo về những hành vi gian lận thương mại.

Với 5 nhiệm vụ chính đó, trong hơn 2 năm rưỡi thành lập, Tổng cục đã cơ bản hoàn thành, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn 5 năm tiếp theo.

QLTT đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Thực tế, sau khi tổ chức lại hệ thống các cơ quan QLTT theo ngành dọc, lần đầu tiên, lực lượng đã có những chiến dịch, có đề án mang tính tổng thể, toàn diện, đấu tranh đánh trực diện vào những trung tâm đầu nậu, trọng điểm về hàng lậu, hàng giả… được dư luận xã hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Ông có thể chia sẻ thêm về những “trận đánh” về buôn lậu, hàng giả của lực lượng QLTT trong thời gian qua?

Trong những năm vừa qua, nền kinh tế ngày càng phát triển, hội nhập sâu và rộng. Chính sự phát triển này dẫn đến các hành vi gian lận thương mại càng gia tăng và theo chiều hướng tinh vi, tìm mọi cách luồn lách, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Về nguyên tắc, ở đâu có giao dịch thương mại, mua bán diễn ra thì ở đó phải có bóng dáng của lực lượng QLTT, kể cả những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo đều có đội QLTT thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường. Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát hàng ngày, chúng tôi cũng tiến hành theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra báo trước, kiểm tra chuyên đề, đặc biệt là đẩy mạnh kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo những lĩnh vực, ngành hàng cụ thể, như xăng dầu, phân bón, hóa chất, mũ bảo hiểm, xe đạp, xe máy… Tuy nhiên, việc kiểm tra những sự việc nhỏ lẻ như vậy chỉ mang tính phần ngọn. Để tập trung triệt phá, có tác động lớn thì cần phải tấn công vào tụ điểm, đường dây. Chẳng hạn những đường dây chuyên buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là về thương mại điện tử.

Thực tế, từ khi thành lập, Tổng cục rất quan tâm đến công tác nắm bắt địa bàn, trinh sát, phối hợp với các lực lượng chức năng khác như hải quan, công an, cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế, thanh tra chuyên ngành. Đơn cử như năm 2019, Tổng cục phối hợp cùng các lực lượng như biên phòng, công an, tấn công vào một trong những điểm buôn lậu hàng xâm phạm quyền trí tuệ rất lớn ở Móng Cái, Quảng Ninh. Đây là hai trung tâm bán hàng nhập lậu và rất nhiều hàng giả công khai, ngang nhiên. Đây là vụ việc rất lớn, chúng tôi đã làm rất thành công. Đến năm 2020, tiếp tục tấn công một kho hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới ở Lào Cai. Vụ việc này cho thấy mức độ, quy mô vi phạm khác trước rất nhiều, những mô hình này chủ yếu kinh doanh trên mạng, còn kho ở một nơi rất xa trung tâm. Sang năm 2021, QLTT cũng tiến hành những vụ việc lớn khác, như đối với lĩnh vực phân bón, QLTT cùng với Cục cảnh sát kinh tế C03 Bộ Công an lần đầu tiên bắt giữ và khởi tố hình sự những đối tượng sản xuất phân bón ở Đồng Nai và Lâm Đồng.

Hay cách đây 3 tuần, QLTT đã chỉ đạo tấn công vào một tụ điểm bán trên mạng với hàng nghìn sản phẩm giả mạo các hãng thời trang nổi tiếng như Hemes tại Nam Định, Ninh Bình. Gần đây nhất, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã phát hiện 2 cơ sở sản xuất khối lượng lớn nước giặt giả mạo thương hiệu của Thái Lan. Qua những vụ việc trên cho thấy, việc kiểm tra, kiểm soát hàng ngày chỉ là phần ngọn, còn chúng tôi phải cố gắng làm sao có đủ thông tin trinh sát tốt, phối hợp các lực lượng để tấn công vào những sào huyệt, ổ nhóm như thế thì mới triệt được tận gốc.

Thưa ông, mặc dù đạt kết quả nhất định, tuy nhiên, với địa bàn rộng, nhiệm vụ lớn, điều này gây không ít khó khăn cho lực lượng QLTT?

Việc tinh giản bộ máy giúp tinh gọn, linh hoạt hơn, nhưng đi kèm với đó là nhiệm vụ quản lý sẽ vất vả hơn rất nhiều. Bởi trước đây, mỗi đội chỉ phụ trách một huyện nhưng bây giờ một đội phụ trách ít nhất 2-3 địa bàn, có đội còn phụ trách 4 địa bàn. Như Hà Nội, một đội có khoảng 15 người, nếu phụ trách 1 quận như Hoàn Kiếm hay Ba Đình, trong khi một quận có đến 40.000-50.000 cơ sở kinh doanh.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của lực lượng QLTT rất nghèo nàn, thiếu thốn so với các lực lượng khác. Hiện nay, có đội chưa đủ một ô tô, hay tỷ lệ một kiểm soát viên có một máy tính cũng chưa đạt, rất nhiều Cục QLTT chưa có trụ sở chính thức, phải đi thuê, mượn trụ sở của UBND tỉnh.

Ngoài tính phức tạp của địa bàn thị trường ngày càng lớn, lực lượng QLTT địa phương không chỉ chịu sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục mà còn thực hiện cả nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội. Trong 2 năm vừa qua, lực lượng phải phục vụ công tác chính trị xã hội rất nhiều. Ví dụ năm 2019 với dịch tả lợn châu Phi, QLTT đã cùng các lực lượng địa phương hỗ trợ bà con nông dân. Lúc đó, đều phải cử người trực 24/24 trước cửa các chốt để đảm bảo kiểm soát không được vận chuyển động vật, gia súc, gia cầm, cụ thể là sản phẩm từ lợn trái phép và đến bây giờ vẫn chưa chấm dứt.

Đến năm 2020, khi có dịch Covid-19 hoành hành, lực lượng đã tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch, đôi khi làm cả những việc ngoài chức năng, nhiệm vụ mình. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội mà đất nước, Chính phủ, các tỉnh giao phó, nên lực lượng QLTT vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Tuy nhiên, với cơ sở vật chất thiếu thốn, lực lượng mỏng, địa bàn rộng lớn, dẫn đến tình trạng nhiều khi do người ít nên làm không hết việc hoặc sót việc... Trước thực trạng trên, Tổng cục xác định phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao trình độ cho cán bộ kiểm soát thị trường, đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ để làm việc 1 cách hiện đại, thông minh hơn, như thế mới đáp ứng được yêu cầu công việc hiện nay.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ rất "bận rộn" trong công tác đấu tranh ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu. Với bối cảnh mới, lực lượng QLTT không đơn thuần tập trung vào các nhiệm vụ ở thị trường nội địa mà còn liên quan chặt chẽ đến hội nhập, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hợp lực cùng các lực lượng chức năng chống buôn lậu qua biên giới. Xin ông chia sẻ những kế hoạch thời gian tới của lực lượng, đặc biệt là mục tiêu xây dựng lực lượng “chính quy – chuyên nghiệp - hiện đại”?

Năm 2021 là năm lực lượng QLTT bước vào giai đoạn mới, thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội của đất nước. QLTT đã lên lộ trình phát triển lực lượng cũng như đáp ứng đòi hỏi, nhu cầu phát triển kinh tế thương mại trong nội địa. Đây là nhiệm vụ, sứ mạng của lực lượng.

Giai đoạn này, Tổng cục vẫn tiếp tục ưu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ. Bởi trước những diễn biến, phương thức, thủ đoạn tinh vi hiện nay, nếu không ngừng nâng cao trình độ của kiểm soát viên thì khó lòng đáp ứng được nhu cầu của thị trường, công việc. Thực tế, lực lượng QLTT là lực lượng duy nhất chưa được đào tạo một cách chính quy. Nếu so với các lực lượng khác như biên phòng, hải quan, công an, thuế,… đều có đào tạo chính quy, bài bản ở cấp độ đại học. Duy nhất QLTT là các cán bộ tuyển vào từ các ngành khác và tự học lẫn nhau. Bên cạnh việc tự đào tạo, tập huấn thì năm 2021, Tổng cục cùng với Trường Đại học Kinh tế quốc dân mở chuyên ngành đào tạo cử nhân về chuyên ngành quản lý thị trường. Kỳ vọng đây sẽ là cán bộ trong tương lai được đào tạo một cách bài bản, tổng thể.

Thứ hai là sẽ tiến hành kiểm tra, sát hạch trình độ cán bộ, nếu đạt được theo quy định thì mới tiếp tục sử dụng, còn không, sẽ phải điều động, luân chuyển. Kiên quyết ở địa bàn nóng, nếu để xảy ra sai phạm thì sẽ điều động, luân chuyển người đứng đầu là Cục trưởng, đội trưởng, để tránh tình trạng “làm lâu năm sẽ nảy sinh ra hiện tượng bảo kê”.

Còn về công tác chuyên môn sẽ phải chuyển dần hình thức kiểm tra, kiểm soát đi bắt giữ, thu giữ ở ngoài đường. Trong bối cảnh nền kinh tế số có dấu hiệu phổ biến, thay thế dần thương mại truyền thống nên Tổng cục QLTT đang chuẩn bị lực lượng, trình độ chuyên môn để phòng chống những hành vi gian lận thương mại mới, nhất là gian lận thuế xuất xứ hàng hóa, đặc biệt, gian lận thương mại trên các nền tảng mạng xã hội…. Hầu hết các vụ việc lớn kiểm tra, bắt giữ được là do nguồn tin báo từ cơ sở, doanh nghiệp bị xâm phạm, hay người dân mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Vì vậy làm sao để tạo ra mạng lưới cộng tác viên, người dân, khi có bất kể hành vi gian lận gì, họ sẽ thông báo chúng tôi. Từ đó tạo ra niềm tin với cả người dân, doanh nghiệp.

Đây là những việc mà Tổng cục QLTT sẽ tập trung vào giải quyết để phát triển lực lượng theo hướng “Chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại”, đáp ứng đòi hỏi của người dân, xã hội cũng như nhiệm vụ mà Chính phủ, Bộ Công Thương giao cho.

Xin cảm ơn ông!

Thu Phương thực hiện
Bài viết cùng chủ đề: Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Ngành Công Thương: Đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, phát huy truyền thống 70 năm vẻ vang

Ngành Công Thương Việt Nam- Mãnh liệt một niềm tin!

Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh gửi thư chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương

Bộ Công Thương hoãn tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống

Chủ động hạn chế rủi ro từ các vụ kiện phòng vệ thương mại

Petrolimex Thanh Hóa: Sáng ngời gương người tốt, việc tốt

Ngành Công Thương Tuyên Quang: Chung sức đưa địa phương hội nhập

Ngành Công Thương Bắc Ninh: Mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao

Dấu ấn của lực lượng quản lý thị trường trên mặt trận chống buôn lậu

Cục Hóa chất: Hoàn thiện chính sách, góp phần phát triển ngành công nghiệp hóa chất

Cục Quản lý thị trường Hòa Bình: Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo: Tham mưu, quản lý năng lượng hiệu quả

Ngành Công Thương Cao Bằng: Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương

Ngành Công Thương Hòa Bình: Động lực phát triển kinh tế địa phương

EVNGENCO 3: Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương

Ngành Công Thương Hải Phòng: Khẳng định vị thế cực tăng trưởng vùng kinh tế động lực phía Bắc

Quản lý thị trường Lai Châu: Kiểm tra trọng tâm, trọng điểm

Giải Báo chí 70 năm ngành Công Thương: Tôn vinh các tác phẩm, nhóm tác phẩm và tập thể xuất sắc