Thứ tư 04/12/2024 15:35

Quản lý bán hàng đa cấp: Mạnh tay xoá sổ các doanh nghiệp vi phạm pháp luật

Nhờ sự mạnh tay trong công tác quản lý, hoạt động kinh doanh đa cấp đã đi vào ổn định. Hiện cả nước chỉ còn 19 doanh nghiệp có phép được hoạt động.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hoạt động kinh doanh đa cấp đã xuất hiện tại Việt Nam vào đầu thập niên 2000, nhưng đến giai đoạn 2006 - 2010, mô hình này mới được nhiều người biết đến khi có sự tham gia của các công ty đa cấp nước ngoài như: Amway, Herbalife và Oriflame. Thời điểm ấy, bán hàng đa cấp nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo người tham gia nhờ hứa hẹn về cơ hội làm giàu nhanh chóng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2015 - 2016, mô hình này bùng nổ mạnh mẽ, tạo ra mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước và mang lại thu nhập cao cho những người tham gia ở vị trí cao trong hệ thống.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, nhiều vấn đề tiêu cực cũng bắt đầu nổi lên. Một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình đa cấp để thực hiện các hành vi lừa đảo, tập trung vào việc tuyển dụng ồ ạt hơn là bán sản phẩm.

Phiên tòa xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt. Ảnh: Huy Hoàng

Điển hình như vụ việc của Công ty Liên Kết Việt vào năm 2015 bị phát hiện lừa đảo hơn 60.000 người tại 27 tỉnh, thành, với tổng số tiền lên đến 2.000 tỷ đồng. Sự kiện này đã gây chấn động dư luận, cơ quan quản lý sau đó đã phải tăng cường giám sát và kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp.

Sau những vụ lừa đảo đình đám và sự can thiệp quyết liệt từ phía cơ quan chức năng, hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam dần ổn định. Từ năm 2016 đến hết năm 2023, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, đã kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp và một người tham gia bán hàng đa cấp với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng.

Trên thực tế, số doanh nghiệp đa cấp bị “xóa sổ” vẫn chưa dừng lại. Cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) có quyết định xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Phong Cách Sống Kim Cương Việt Nam - DLC Việt Nam (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh).

Công ty này bị phạt 305 triệu đồng vì những vi phạm như chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện, cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng và lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp.

Bên cạnh đó, DLC Việt Nam còn không niêm yết công khai tại trụ sở chính của công ty các tài liệu về hoạt động và hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp. Không thực hiện thông báo với Sở Công Thương địa phương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo thuộc trường hợp phải thông báo theo quy định...

Bên cạnh những doanh nghiệp vi phạm pháp luật đến mức bị thu hồi giấy phép, nhiều doanh nghiệp khác cũng phải chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại các địa phương do không đáp ứng được yêu cầu của pháp luật.

Đơn cử, hồi tháng 6, Công ty TNHH Thương mại Lô Hội đã thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại 19 địa phương do chưa đáp ứng được điều kiện đăng ký sửa đổi, bổ sung hoạt động bán hàng đa cấp.

Trước đó 1 tháng, doanh nghiệp này còn bị phạt 220 triệu đồng do không cập nhật giấy phép, hoạt động bán hàng đa cấp chưa được Sở Công Thương xác nhận, không báo cáo đầy đủ và vi phạm quy tắc xuất hóa đơn theo quy định...

Như vậy, nhờ sự mạnh tay trong công tác quản lý, tổng số doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép và doanh nghiệp dừng hoạt động trong lĩnh vực này đã giảm mạnh, từ hơn 67 doanh nghiệp vào năm 2016 về còn 19 doanh nghiệp vào thời điểm này.

Nhằm tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp, thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung vào 2 nhóm đối tượng chính: Đối với các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương tiếp tục phát huy các giải pháp quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, tích cực thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, phát hiện và xử lý kịp thời các doanh nghiệp hoạt động biến tướng.

Đối với các hình thức biến tướng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, Bộ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng; đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là cơ quan công an, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.

Hiện cả nước có 19 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động, gồm:

1. Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam

2. Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam

3. Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt

4. Công ty TNHH GCOOP Việt Nam

5. Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam

6. Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội

7. Công ty TNHH Best World Việt Nam

8. Công ty TNHH Elken International Việt Nam

9. Công ty TNHH Người Lái xe Mặt Trời Việt Nam

10. Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam

11. Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam

12. Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam

13. Công ty TNHH Amway Việt Nam

14. Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam

15. Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi

16. Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam

17. Công ty TNHH Seacret

18. Công ty TNHH Oriflame Việt Nam

19. Công ty TNHH Perfect Global Việt Nam

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Bán hàng đa cấp

Tin cùng chuyên mục

AEON Việt Nam kích cầu tiêu dùng với đa dạng ưu đãi cuối năm

Hà Nội: Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa

Hà Nội: Hội chợ ‘Ngày hội khuyến mại tháng 11’ từ 26/11 - 30/11

3 doanh nghiệp điện tử bị xử phạt 600 triệu đồng vì quảng cáo ‘lố’

Black Friday là ngày gì và rơi vào ngày nào trong năm 2024?

Đa cấp Sen Việt Group chấm dứt hoạt động, rút tiền ký quỹ

Khám phá 7 quyền lợi khi mua sắm tại shop giày dép Timan

Kia K5 và Kia Sorento ưu đãi đặc biệt gần nửa tỷ đồng

Tăng trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong ngăn chặn hàng giả, hàng lậu

Bột ngọt Meizan từng bước khẳng định vị thế trên thị trường

Người tiêu dùng Việt sẽ tăng chi tiêu trong năm 2025?

Cục An toàn thông tin: Người dân thận trọng xác minh website thương mại điện tử trước khi thanh toán

Shopee 11.11: Chuỗi livestream 'khủng' nhất năm cùng cơ hội trúng 100 xe máy VinFast

Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất ASEAN, vượt trội chi tiêu ở nước ngoài

Xuất hiện tình trạng lừa đảo, mạo danh sàn thương mại điện tử Amazon

Home Credit mở rộng Home PayLater trên siêu ứng dụng BE, người dùng có thêm phương thức “Mua trước, trả sau”

Vì sao lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng?

Thương mại trực tuyến qua livestream bùng nổ khi người tiêu dùng Việt tìm kiếm trải nghiệm mua sắm

Hàng hóa Nga mở rộng thị trường tiêu dùng tại Việt Nam

WinCommerce đã có lãi ròng sau thuế dương trong quý 3 năm 2024