Nhóm ngành cà phê đã thu hút nhiều đối tác tham gia |
Chuyển đổi mô hình theo liên kết chuỗi
PPP trong nông nghiệp gồm 8 nhóm ngành hàng: Cà phê, chè, gia vị và hồ tiêu, rau, quả, thủy sản, gạo, hóa chất nông nghiệp và tài chính nông nghiệp. Nhóm công tác sẽ kết nối các DN đầu tàu với một số địa phương thí điểm để tạo đột phá về chính sách và thể chế nhằm thu hút đầu tư tư nhân và tái cơ cấu nông nghiệp.
Sau hơn 8 năm triển khai, đã có một số ngành hàng, mô hình bước đầu đạt kết quả. Cụ thể, với nhóm ngành cà phê, đã thu hút sự tham gia của nhiều đối tác như: Công ty Nestlé Việt Nam, GCP, IDH, Yara, Bayer, EDE, ACOM… Hiện, đã có trên 80.000 hộ nông dân tham gia với 97.000 ha cà phê. Bà Lê Thị Hoài Thương - Trưởng Phòng Quan hệ đối ngoại (Công ty Nestlé Việt Nam) - chia sẻ: Năm 2016, nhóm tập trung vào triển khai các mô hình mẫu; năm 2017, chuyển đổi mô hình theo liên kết chuỗi để gia tăng giá trị cà phê Việt Nam với tham vọng Việt Nam thành điểm tham chiếu của thế giới về cà phê robusta toàn cầu. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngành hàng cà phê sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Liên kết các dự án phát triển để giải quyết những vấn đề của ngành; chuyên nghiệp hóa quy trình chia sẻ và chuyển giao kiến thức thực địa; ứng dụng kỹ thuật trong truyền thông và kết nối.
Đối với ngành hàng chè, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam - cho hay: Đến nay, nhóm đã xây dựng được Bộ tài liệu Hướng dẫn sản xuất chè bền vững áp dụng cho 6 vùng sản xuất; tập huấn 1.207 nhóm trưởng, từ đó đưa kỹ thuật canh tác chè bền vững tới 22.817 hộ nông dân… Đã có 29 DN Việt Nam tham gia và triển khai các mô hình PPP trong ngành hàng chè. Về phía DN nước ngoài, Công ty Unilever Việt Nam đã cam kết thu mua hơn 33,8 nghìn tấn chè tại Việt Nam.
Thiếu sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các nhóm ngành hàng theo hình thức PPPvẫn còn nhiều thách thức. Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho rằng: Hiện nay, xuất khẩu của các DN hồ tiêu chủ yếu theo hình thức thu gom và đang thiếu vùng trồng an toàn. Do đó, bên cạnh việc thu hút các DN FDI, Bộ NN&PTNT cũng đang thúc đẩy các DN Việt Nam đầu tư với vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, việc kêu gọi các DN Việt đang gặp khó khăn do chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. DN vẫn phải tự tìm hiểu để rồi tự liên kết với nông dân.Rau, quả được đánh giá là ngành hàng có tiềm năng với giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - thừa nhận, số lượng thành viên nhóm này rất hạn chế và hoạt động ở quy mô nhỏ, mới chỉ tập trung ở khoai tây, ngô mà chưa mở rộng ra các sản phẩm khác. Để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau, quả Việt Nam, ông Lê Văn Đức đề xuất, huy động thêm DN và nhà đầu tư trong nước, đặc biệt các đối tác liên quan tới sản xuất và chế biến trái cây, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: Việc thành lập nhóm ngành hàng hoạt động theo mô hình PPP nhằm thu hút sự tham gia của DN trong chuỗi sản xuất nông sản là cần thiết. Tuy nhiên, một số nhóm hoạt động còn lúng túng, nặng hình thức. Do đó, các nhóm cần tiếp tục cải tiến cách thức, cơ chế phối hợp để hoạt động hiệu quả hơn. |