Cà phê - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam |
Chưa tạo được chuyển biến rõ rệt
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về TCC nông nghiệp diễn ra mới đây, Thứ trưởng NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Sau 3 năm thực hiện đề án, cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường; việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật được đẩy mạnh; liên kết theo chuỗi được phát triển. Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng khá, trung bình tăng 2,6%/năm. Xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm; 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 7,5 tỷ USD. Hiện, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm trở lên, gồm: Gạo 2,8 tỷ USD, cao su 1,53 tỷ USD, cà phê 2,67 tỷ USD, hạt điều 2,4 tỷ USD, hạt tiêu 1,26 tỷ USD, rau quả 1,84 tỷ USD, sắn và sản phẩm từ sắn 1,3 tỷ USD.
TCC ngành chăn nuôi đã có bước chuyển biến rõ nét về chất lượng đàn giống vật nuôi, chất lượng sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát tốt hơn; giá trị sản xuất tăng trung bình 4,1%/năm, thị trường và giá các sản phẩm chăn nuôi ổn định, bảo đảm thu nhập cho người chăn nuôi. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cơ bản đã kiểm soát được khó khăn về dịch bệnh, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá da trơn, nhuyễn thể… với biện pháp thâm canh cao, có bước phát triển vượt bậc. Tổng sản lượng thủy sản năm 2015 đạt gần 6,6 triệu tấn, tăng gần 9% so với năm 2013.
Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả TCC nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trên thực tế. Tăng trưởng của ngành chưa bền vững. Triển khai TCC chưa đồng bộ và không đồng đều ở các địa phương. Nhiều mô hình tổ chức sản xuất đổi mới còn chậm, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang ngày càng bộc lộ hạn chế, yếu kém. Ngoài ra, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số loại nông sản còn thấp…
Tái cơ cấu gắn với phát triển thị trường
Để thực hiện hiệu quả TCC nông nghiệp trong giai đoạn mới, ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - cho rằng, cần phải lựa chọn các giải pháp trọng tâm để đầu tư nhân lực và tập trung vốn thực hiện tốt. Theo đó, cần tập trung vào làm quy hoạch, thực hiện quyết liệt từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng đến quy hoạch sản phẩm cây con chủ lực. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển các bộ giống chất lượng, đầu tư khoa học - công nghệ nhiều hơn nữa. Ông Môn cũng đề nghị, Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch để tránh xảy ra tình trạng quy hoạch chồng chéo, chồng lấn, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch ở các địa phương.
Ở khía cạnh khác, TS. Đặng Kim Sơn - chuyên gia nông nghiệp - cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh phát triển các mặt hàng chủ lực bằng các chính sách thu hút, liên kết các doanh nghiệp có thực lực vào cùng đầu tư phát triển nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Hình thành các vùng sản xuất tập trung ở địa phương, tạo thành sức mạnh ở địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm như Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, phát triển khoa học - công nghệ cần có bước đột phá để áp dụng được trong thực tế, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để đẩy mạnh thực hiện TCC nông nghiệp trong giai đoạn tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần hình thành 3 trục phát triển. Thứ nhất, cấp quốc gia lựa chọn 10 sản phẩm có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường quốc tế; thứ hai, sản phẩm cấp tỉnh có tính chất đặc thù địa phương, cần tính toán đến thị trường nội địa và xuất khẩu; thứ ba, sản phẩm quy mô cấp địa phương, nhưng phải có công nghệ tiên tiến, có thị trường tại chỗ và xuất khẩu, làm theo hướng mỗi làng một sản phẩm. Phải coi thị trường là động lực sản xuất. Trong tổ chức sản xuất, doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột trên cả 3 trục sản phẩm. Trục sản phẩm quốc gia, sẽ tập trung các chính sách ưu tiên doanh nghiệp lớn; trục sản phẩm tỉnh, tập trung các doanh nghiệp vừa. Bên cạnh đó, cần thiết kế khung chính sách để đáp ứng yêu cầu 3 trục phát triển, từ quy hoạch, ưu đãi, chính sách làm sao thúc đẩy doanh nghiệp trở thành đối tượng chủ lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Quá trình TCC nông nghiệp trong thời gian tới phải gắn với phát triển thị trường, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường; đồng thời, phải gắn với việc sắp xếp ngành nghề nông nghiệp - nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới. |