LTS: Nền kinh tế Việt Nam đã và đang tham gia ngày càng sâu hơn vào trao đổi thương mại toàn cầu thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do quan trọng có mức độ cam kết cao như EVFTA, RCEP, CPTPP,… Do đó, sự va chạm với lợi ích của các ngành sản xuất trong nước của các thị trường nhập khẩu là không thể tránh khỏi. Vì vậy, những vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp thực sự quan tâm và chỉ khi xảy ra những vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá với sản phẩm của mình thì mới bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Trước thực tế đó, Báo điện tử Dân Việt (Danviet.vn) triển khai tuyến bài "Nâng cao nhận thức phòng vệ thương mại" với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng hiểu đúng về tầm quan trọng của lĩnh vực này.
Trong thời gian qua, xu thế điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại có dấu hiệu gia tăng. Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, việc hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ này đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu tăng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng xuất khẩu, số vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng hóa Việt Nam cũng đang gia tăng. Nếu như giai đoạn 2005 - 2010 mới chỉ có 21 vụ việc thì đến giai đoạn 2016 tới tháng 11/2020 là 99 vụ.
Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên. Nguyên nhân là do một số nước nhập khẩu cho rằng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Tôm xuất khẩu là một trong số các mặt hàng tiêu biểu liên quan đến vụ kiện phòng vệ thương mại thời gian qua |
Điển hình, các sản phẩm như thép, nhôm, thậm chí là tôm dính đến nhiều "nghi án" phòng vệ thương mại thời gian qua. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do xuất khẩu của nước ta tăng nhanh trong thời gian qua.
Trong đó, tác động tích cực từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế do Việt Nam tham gia các FTA. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, các chuyên gia đưa ra cảnh báo, doanh nghiệp (DN) Việt cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Cụ thể, DN không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, bất hợp pháp. Đây cũng là biện pháp an toàn hiệu quả nhất mà doanh nghiệp có thể tham gia để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Bà Phan Mai Quỳnh, Phó Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và Tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại khẳng định, DN không nên e ngại mà nên chủ động tham gia vào các vụ việc PVTM bởi nó sẽ đem lại nhiều lợi ích.
Chủ động tham gia trả lời các câu hỏi của bên điều tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu theo đúng yêu cầu, chuẩn bị thời gian, luật sư phiên dịch… Chính sự chủ động hợp tác, tham gia của DN quyết định đến 90% kết quả của vụ điều tra.
Bên cạnh đó, rất cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ và rõ ràng. DN phải có bộ phận pháp chế, nghiên cứu các quy định về thương mại, PVTM quốc tế hoặc cân nhắc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế khi cần thiết.
Bổ sung thêm về cách phòng tránh các vụ kiện tụng Phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, DN cần đẩy mạnh những nhóm hàng Việt Nam chủ động nguồn cung và có giá trị gia tăng cao.
Qua đó, tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh như nông sản - thực phẩm, thủy sản, thiết bị y tế… Đồng thời, cũng phải đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng, chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền chế biến sâu, gia tăng giá trị cho sản phẩm…
Thanh Phong - báo danviet.vn xuất bản ngày 25/02/2021