Thứ sáu 29/11/2024 14:54

Phó Chủ tịch UB TWMTTQ Tô Thị Bích Châu: Bộ Công Thương giữ vai trò nòng cốt thực hiện Cuộc vận động

Phó Chủ tịch Uỷ ban TWMTTQ Tô Thị Bích Châu đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bộ Công Thương đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Cuộc vận động

Tại Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động sáng 12/11, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu phát biểu tại Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Thời điểm đó, để khuyến khích, động viên các nhà sản xuất hàng nội địa và tăng cường thông tin, quảng bá đến người tiêu dùng; đồng thời, xuất phát từ thực tiễn một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sính hàng ngoại, sử dụng hàng nhập khẩu. Trong khi ở trong nước nhiều mặt hàng có chất lượng, giá cả tương đương đã được sản xuất nhưng người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm. Hằng năm, một lượng lớn nguồn tiền nội địa bị chuyển sang nước ngoài để phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; điều này dẫn đến các ngành sản xuất nội địa gặp rất nhiều khó khăn, làm giảm sức mạnh nguồn lực tài chính quốc gia.

Mục tiêu của Cuộc vận động là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khẳng định vai trò, năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh các giải pháp kích cầu để góp phần định hướng, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra trên diện rộng cũng như tạo thế và lực cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Cuộc vận động được triển khai phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, ý Đảng đã gặp lòng Dân nên được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng, sự phối hợp từ các ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở tạo nên một hiệu ứng sâu rộng, lâu bền cho đến nay.

Trong 15 năm qua, Bộ Công Thương đã rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều đổi mới trong quá trình triển khai thực hiện; phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền đồng bộ, sâu rộng Cuộc vận động trong các đơn vị, địa phương. Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị trực thuộc Bộ đã tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đã xây dựng được mạng lưới rộng khắp trên cả nước và tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt đến ngày hôm nay.

“Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng trong thực hiện Cuộc vận động suốt thời gian qua, để hôm nay, chúng ta được nhìn thấy những chỉ số tăng trưởng, phát triển rất ấn tượng, đầy tự hào của nền kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực sản xuất hàng hóa nội địa nói riêng” – Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu ghi nhận sự sáng tạo, tinh thần không ngại khó khăn, nỗ lực hết mình của Bộ Công Thương nói riêng và toàn hệ thống Ban Chỉ đạo Cuộc vận động nói chung. Người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài đã ngày càng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Doanh nghiệp ngành Công Thương không ngừng cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động tạo mối liên kết hữu cơ trong cộng đồng doanh nghiệp, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm Việt Nam.

Quyết liệt thay đổi phương thức triển khai thực hiện Cuộc vận động

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, Chương trình Gala 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương là dịp để chúng ta cùng tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng, triển khai. Cũng thông qua Chương trình này, chúng ta tiếp tục có các kiến nghị với Đảng, Nhà nước, với Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” những chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả của Cuộc vận động trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh hiện nay và những dự báo cho thời gian tới, chúng ta cần thực sự mạnh dạn, quyết liệt thay đổi phương thức triển khai thực hiện để Cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn nữa, thiết thực hơn nữa gắn với tình hình mới của đất nước và xu thế phát triển của toàn cầu. Theo đó, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu đề nghị:

Thứ nhất, các sàn giao dịch điện tử đã và đang trở nên rất phổ biến và đã giảm thiểu các khâu trung gian trong quá trình phân phối hàng hóa. Trong xu thế phát triển rất mạnh mẽ của thế giới, nhất là về khoa học kỹ thuật và công nghệ, đòi hỏi ngành Công Thương, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần làm tốt công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng thông qua các nền tảng số, vừa chuyển tải thông điệp “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vừa quan tâm tới công tác bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Đặc biệt là hỗ trợ người dân nâng cao ý thức trong sử dụng thương mại điện tử, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt; chủ động nắm bắt, đi tắt, đón đầu xu thế của thế giới; tuyệt đối không để tụt hậu về công nghệ.

Thứ hai, một trong những vấn đề mấu chốt, có ý nghĩa quyết định là cộng đồng doanh nghiệp và các nhà sản xuất phải tiếp tục quan tâm cải tiến về kỹ thuật, năng lực sản xuất, đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, công nghệ xanh để hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, gia cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dùng cũng như đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại.

Thứ ba, cần hoàn thiện hơn nữa các cơ chế pháp lý, chính sách quản lý để tạo môi trường thông thoáng, sản xuất, kinh doanh công bằng và lành mạnh; vừa bảo đảm những quy định của các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương mà Việt Nam đã và đang tham gia để hàng hóa, dịch vụ ngày càng được lan tỏa đến tận tay người tiêu dùng, cũng như đến bạn bè các nước trên thế giới. Rà soát, nghiên cứu tình hình thực tiễn và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.

Thứ tư, phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, qua đó, nắm bắt tình hình thực tiễn, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu... Kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng trong khắc phục bất cập, tồn tại. Thường xuyên, chủ động công khai thông tin về các thương hiệu quốc gia, các nhãn hiệu sản phẩm đăng ký bản quyền, có chất lượng để người dân hiểu và sử dụng hiệu quả. Tổ chức và khai thác tốt các hội chợ, triển lãm ở các cấp độ khác nhau nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu đến người dùng trong nước và quốc tế.

“Từ thực tiễn 15 năm qua chúng ta tin tưởng rằng, ngành Công Thương sẽ có những bước phát triển đột phá hơn nữa, để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng cá thể của xã hội” – Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Lan Hạnh - Cấn Dũng
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Longform | Từ chuyện ‘sức nước ngàn năm’ đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hoá Việt – Bài 4

Sắp diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024

Longform | Từ chuyện ‘sức nước ngàn năm’ đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hoá Việt – Bài 3

Longform | Từ chuyện ‘sức nước ngàn năm’ đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hoá Việt – Bài 2

Chinh phục người tiêu dùng Việt: Bài học từ những thương hiệu thời trang ‘biến mất’

Đảng bộ EVNCPC triển khai hiệu quả Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Longform | Từ chuyện ‘sức nước ngàn năm’ đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hoá Việt - Bài 1

Hà Nội - Hà Giang kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản tiêu biểu

Bộ Công Thương hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đưa thương hiệu Việt vươn xa

Hàng Việt và giải pháp đối mặt với những ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử

Bình Thuận đưa hàng Việt về vùng núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đà Nẵng: Lan tỏa hàng Việt gắn với du lịch - nhìn từ chợ Hàn

Bắc Kạn: Mở rộng thị trường gắn với Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' giúp ‘kết nối’ sản phẩm DRC đến nhiều doanh nghiệp

Hàng Việt, thương hiệu Việt trong hành trình 'vươn vai vạn dặm'

Ổn định nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh

Nâng cao vai trò CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Gia Lai: Nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Ngành Công Thương có nhiều nỗ lực, sáng tạo, triển khai bài bản Cuộc vận động

Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'