Thứ bảy 28/12/2024 00:40
Phát triển xe điện vì nền kinh tế xanh và thực hiện COP26:

Phát triển xe điện: Bài 1- Cam kết quốc tế và kịch bản hai trong một

Phát triển xe điện vì một nền kinh tế xanh và thực hiện cam kết COP26 đang là đòi hỏi bức thiết đặt ra hiện nay. Loạt bài này nêu ra thực trạng và giải pháp.

Xe điện - “xanh” và “kinh tế”

Hiện nay xu thế sử dụng xe điện thay thế xe động cơ đốt trong trên thế giới đang phát triển mạnh, các hãng xe lớn đều đang tích cực chuyển đổi sang sản xuất xe điện, sự thay đổi này sẽ là một cuộc cách mạng giao thông xanh. Cuộc cách mạng ấy đang lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam và thị trường xe điện Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tương lai của xe điện rõ ràng không chỉ là câu chuyện xa vời của thế giới mà hiện hữu ngay với người dùng Việt.

Tương lai của xe điện rõ ràng không chỉ là câu chuyện xa vời của thế giới mà hiện hữu ngay với người dùng Việt

Với nhiều ưu điểm vượt trội so với xe sử dụng động cơ đốt trong, xe điện chính là niềm hi vọng của con người trong việc biến ô tô trở thành phương tiện đại trà, đồng thời khắc phục những vấn đề về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, tiết kiệm điện.

Theo Hiệp hội Giao thông và môi trường (T&E) niềm hy vọng vào xe điện được coi là chìa khóa trong cuộc cách mạng xanh. Cơ chế khác biệt của xe điện, hoạt động dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ, thay vì quá trình đốt cháy nhiên liệu như động cơ đốt trong khiến ôtô điện hoàn toàn xóa bỏ được những ống xả đen.

Ngay cả khi tính toán toàn bộ vòng đời cả một chiếc xe điện, bao gồm cả quá trình sản xuất điện, nghiên cứu của Hiệp hội Giao thông và môi trường đã chỉ ra, xe điện sản sinh ra lượng CO2 ít hơn những mẫu xe sử dụng xăng, dầu tới 64%.

Theo đó xe điện không chỉ là chìa khóa cho một cuộc sống xanh, bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp kinh tế tối ưu so với những chiếc xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Có chung niềm tin này, chuyên gia ô tô Trần Huy Đồng nêu thêm thực tế, Việt Nam hiện có lớp người trẻ nhận thức tốt, được làm quen với những sản phẩm xanh từ sớm. "Chỉ trong một vài năm nữa, những phương tiện thân thiện với môi trường chắc chắn không chỉ là thói quen mà sẽ trở thành một phần của văn hóa giao thông", ông nói và chỉ ra, xu hướng “xanh hóa” phương tiện giao thông hiện nay đang bùng nổ trên thế giới và chắc chắn sẽ là hướng đi chủ đạo của tương lai. Nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách cho xe điện phát triển, trong đó có lộ trình cấm xe sử dụng động cơ đốt trong.

Phân tích kỹ hơn, chuyên gia ô tô Trần Huy Đồng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, các nước cũng như Việt Nam hướng đến sử dụng hợp lý tài nguyên năng lượng sạch, sử dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, đặc biệt hướng tới giảm mức đầu tư, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng.

Có thể khẳng định, phát triển xe điện tại thời điểm này rõ ràng là sự lựa chọn 2 trong 1, “xanh” và “kinh tế”.

Đồng tình với xu hướng này, Bộ Công Thương cho rằng, thúc đẩy phát triển xanh là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất, thúc đẩy sử dụng các loại xe công nghệ xanh, thân thiện với môi trường của Việt Nam đòi hỏi phải có chính sách phù hợp đối với ô tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường.

Chính phủ cũng như Bộ Công Thương luôn ủng hộ việc doanh nghiệp sản xuất và giới thiệu các mẫu xe thân thiện với môi trường ở Việt Nam. Định hướng này đã được thể hiện rất rõ trong Chiến lược và quy hoạch ngành ôtô cũng như các chính sách có liên quan khác. Hiện nay, các hãng xe ôtô đều từng bước chuyển đổi sang các dòng xe thân thiện với môi trường”, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết.

Lộ trình “mở lối”- thực hiện cam kết COP26

Câu chuyện phát triển xe điện thân thiện với môi trường luôn là nhiệm vụ trọng tâm kể cả khi chưa có lộ trình thực hiện cam kết COP26 đã được Đảng và Nhà nước quan tâm thấu đáo.

Theo đó, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ xanh, công nghệ thân thiện môi trường trong lĩnh vực công nghiệp nặng, với mục tiêu đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu được vạch ra. Đơn cử như Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ: Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện... đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phát triển ngành công nghiệp ôtô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông.

Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/1/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông; thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Hay như Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 quy định: Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững đã đề ra giải pháp: “Đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu sạch đối với phương tiện giao thông cơ giới”.

Bên cạnh Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ: “Khẩn trương xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện trình Thủ tướng Chính phủ”.

Gần đây nhất để hướng tới lộ trình sử dụng 100% xe điện tại Việt Nam, ngày 22/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.

Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với giao thông đến năm 2050 mục tiêu 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã từng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về đề xuất nghiên cứu chiến lược ngành công nghiệp ô tô theo văn bản đề xuất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) gửi Phó Thủ tướng về việc đề xuất Chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo xu hướng thế giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Theo kịch bản của VAMA nêu cụ thể, VAMA sẽ hướng tới mục tiêu 100% xe điện vào năm 2050, lộ trình chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu từ năm 2021 - 2030; giai đoạn tăng trưởng nhanh từ năm 2030 - 2040. Sau đó, tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2040 - 2045 và hợp nhất ngành công nghiệp từ năm 2045 - 2050.

“Việc phát triển các dòng xe ô tô sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ từng bước góp phần hướng đến cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, đại diện VAMA bày tỏ quan điểm.

Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam

Các chuyên gia dự báo, đến năm 2030, lượng xe điện toàn cầu (không bao gồm xe hai/ba bánh) sẽ đạt gần 145 triệu xe và sẽ chiếm 7% đội xe toàn cầu, dự báo có thể "tham vọng" hơn với việc 30% tất cả các loại xe sẽ chạy bằng điện vào năm 2030.

Sự bùng nổ của xu hướng ô tô điện là nhờ ảnh hưởng của nhiều yếu tố như giá bán và chi phí vận hành, chính sách về môi trường khi mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó sự hỗ trợ từ chính phủ thực hiện mục tiêu tại COP26, khiến các nhà sản xuất cũng thay đổi chiến lược... Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí toàn cầu khiến nhiều quốc gia phải siết chặt các tiêu chuẩn về khí thải của các phương tiện cơ giới, trong đó có xe ô tô. Để “lấy lại” bầu trời xanh, nhiều nước như Anh, Pháp, Trung Quốc, Na Uy... đã sử dụng một loạt biện pháp mạnh tay với những loại xe chạy bằng xăng, dầu, bao gồm cả việc cấm bán xe mới từ năm 2030.

Vì vậy, các quốc gia đã có kế hoạch “khai tử” các dòng xe hơi sử dụng động cơ đốt trong và khuyến khích việc sản xuất, sử dụng xe không phát thải như ô tô điện.

Hiện tại, một số nước trên thế giới như các nước thành viên EU, Trung Quốc, Na Uy, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đang có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hãng sản xuất và người mua xe điện.

Báo cáo về hiện trạng và xu hướng phát triển xe điện trên thế giới của Bộ Công Thương đã chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển xe điện thế giới. Đơn cử như tại Thái Lan, từ năm 2016 Chính phủ nước này đã đưa ra lộ trình chung để phát triển xe điện và phê duyệt kế hoạch ưu đãi thuế đối với sản xuất xe điện. Đến năm 2036, Thái Lan đặt mục tiêu tăng số lượng ô tô điện lên 1,2 triệu chiếc và có 690 trạm sạc hoạt động trên cả nước.

Đáng chú ý, Chính phủ Thái Lan đã thông qua gói chính sách trợ giá và giảm thuế cho xe điện trong giai đoạn 2022-2025 do Ủy ban Chính sách xe điện quốc gia Thái Lan đề xuất. Đây là một phần trong nỗ lực của Thái Lan nhằm thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực xe điện, đưa đất nước vươn lên trở thành trung tâm sản xuất xe năng lượng sạch ở Đông Nam Á. “Các biện pháp do Ủy ban chính sách xe điện quốc gia Thái Lan đề xuất bao gồm cả các biện pháp thuế và phi thuế để thu hút người tiêu dùng mua xe điện và tăng cường đầu tư vào sản xuất xe điện”- báo cáo của Bộ Công Thương đã nêu cụ thể những chính sách đột phá của Thái Lan về phát triển xe điện.

Với sự phát triển của xe điện trên toàn thế giới như một xu hướng tất yếu, Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc

Là thị trường xe điện lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, chính phủ các nước châu Âu đã đề xuất các chính sách khác nhau để thúc đẩy phát triển xe điện. Có thể kể đến chính sách miễn thuế mua hàng, thuế giá trị gia tăng và giảm 80% thuế đăng ký xe của Chính phủ Na Uy. Các chính sách này đã giúp giảm chi phí mua xe điện lên đến 50%.

Ngoài ra, Chính phủ Na Uy cũng cung cấp đủ cơ sở hạ tầng cho xe điện với khoảng 1.800 trạm sạc tiêu chuẩn và 70 trạm sạc nhanh được xây dựng từ năm 2011. Sự hỗ trợ của Chính phủ Na Uy đã làm tăng doanh số bán xe điện từ 730 chiếc vào năm 2010 lên 10.400 chiếc vào năm 2013. Bên cạnh đó, một số nước OECD như Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đưa ra các khoản trợ cấp trực tiếp để tăng khả năng thâm nhập thị trường của xe điện.

Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô cũng chia sẻ, các nước trên thế giới đều ủng hộ người dân sử dụng xe điện bằng cách giảm thuế, bù chi phí. Vị chuyên gia này cũng cho hay, nhiều nước trên thế giới như các nước thành viên EU, Trung Quốc, Na Uy, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đang có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hãng sản xuất và người tiêu dùng mua xe điện. Các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế môi trường, phí đường bộ, trợ cấp tín dụng thuế hay áp dụng các đặc quyền như cho phép xe hơi điện sử dụng làn đường dành cho xe buýt, đậu xe miễn phí... khiến giá xe điện ngày càng cạnh tranh so với xe truyền thống.

Với sự phát triển của xe điện trên toàn thế giới như một xu hướng tất yếu, đương nhiên Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc”- vị chuyên gia này khẳng định.

Thị trường xe điện toàn cầu đã có một bước tiến nhảy vọt trong thập kỷ qua khi chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc về số lượng xe điện trên toàn thế giới, nhưng với thông điệp tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) yêu cầu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cho thấy trong 10 năm tới thị trường xe điện sẽ "lên ngôi" trên toàn cầu.

Còn tiếp...

Bài 2: Doanh nghiệp ô tô “nội” nhập cuộc tìm hướng đi mới

Việt Anh- Thùy Linh
Bài viết cùng chủ đề: Xe điện Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân thành phố Đà Nẵng

Bình Thuận hướng đến mục tiêu trung tâm năng lượng quốc gia như thế nào?

Vượt khủng hoảng lớn nhất lịch sử, Petrovietnam tăng trưởng ngoạn mục

Các vụ lừa đảo, mạo danh điện lực tại miền Trung – Tây Nguyên tăng

Bộ Công Thương: Sẽ thu hồi các khoản giá FIT ưu đãi đối với dự án điện hưởng không đúng quy định

Thi công dự án trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối

Tổng công ty Đông Bắc 30 năm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Thủ tục hành chính rườm rà gây khó cho doanh nghiệp năng lượng vào thị trường carbon

Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai: Ưu tiên đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống dịp lễ, Tết

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: 7 nhóm giải pháp chiến lược từ PGS.TS. Vũ Trọng Lâm

Tập trung nguồn lực cho dự án sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Nga mong muốn trở thành quốc gia dẫn đầu trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Mô hình kho LNG trung tâm: Giải pháp chống lãng phí đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia

Hiện thực hóa 4 quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Đóng điện Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống

EVNNPT đóng điện đường dây 220kV Rạch Giá 2 - Kiên Bình mạch 2

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực theo Luật Điện lực

EVNNPT đóng điện Trạm biến áp 220kV Nam Cấm

70 năm ngành điện Việt Nam và sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chung tay tìm giải pháp đẩy nhanh các dự án điện khí LNG