Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh
Chương trình hội thảo do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức đã thu hút 100 khách mời là lãnh đạo và các chuyên viên đến từ các cơ quan Chính phủ như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các viện nghiên cứu, chuyên gia từ các trường đại học hàng đầu Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô - xe máy đang hoạt động tại Việt Nam …
Hướng tới ngành công nghiệp phương tiện không phát thải
Phát biểu tại hội thảo thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, hiện nay, trên thế giới, năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ. Các nước đang phát triển như Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng 5-10 năm và cần tăng tốc ở giai đoạn sau để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Để từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải với những mục tiêu, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực; trong đó giao thông vận tải đường bộ với việc phát triển phương tiện điện được xác định là trọng tâm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Thị trường xe điện thế giới trong những năm qua đã có những bước nhảy vọt. Năm 2021 số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8/2022 cả nước đã có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.
Việt Nam là nước đang phát triển, tiến trình công nghiệp hóa mới chỉ bắt đầu trong hơn ba thập kỷ qua và đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ tới. Với mục tiêu tăng GDP 6,5%-7% mỗi năm, các ngành và lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo để phát triển kinh tế đang là những ngành có mức độ phát thải khí nhà kính cao, việc đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải mạnh mẽ tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 có thể sẽ dẫn đến những thách thức to lớn đối với tăng trưởng kinh tế và điều tiết hài hòa giữa các ngành kinh tế.
Do đó, các chính sách và sáng kiến trong tương lai của Việt Nam về chuyển đổi sớm năng lượng xanh sẽ giúp ngành công nghiệp về phương tiện không phát thải phát triển nhanh và mạnh mẽ tại thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp phương tiện, trang thiết bị không phát thải còn khá non trẻ tại Việt Nam.
Ngoài những lợi ích trên, thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện còn góp phần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao sức khoẻ người dân…
Nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy giao thông đường bộ sử dụng điện
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, việc phát triển ngành công nghiệp xe điện cần phải lồng ghép và tận dụng năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong thông thường.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo |
Cụ thể, chiến lược ô tô điện đã được phê duyệt từ năm 2014, hiện mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, chính sách nhà nước hỗ trợ cho ngành ô tô trongnuwocs cũng tương đương Thái Lan, Malaysia, Indonesia, mới chỉ tập trung vào thuế (như thuế tiêu thụ đặc biệt, trước bạ).
“Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đề xuất sửa đổi Quyết định 1168/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để đảm bảo chiến lược này phù hợp với sự phát triển hiện nay. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô điện hóa Việt Nam giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, với một trong các trọng tâm là phát triển các dòng ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường”- lãnh đạo Cục Công nghiệp thông tin.
Nêu giải pháp, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng chính sách thuế xuất nhâp khẩu, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ô tô xanh có rất nhiều loại và mỗi loại sẽ có những chính sách ưu đãi riêng. Gần đây, Nghị định 57 cũng được ban hành để hỗ trợ phát triển ngành ô tô, bao gồm cả xe điện. Trong đó quy định, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế đáp ứng điều kiện có dây chuyền sản xuất lắp ráp, sản xuất xe điện và đáp ứng một sản lượng nhất định (thấp hơn so với xe xăng) sẽ được nhập khẩu linh kiện với mức thuế 0% (áp dụng với linh kiện trong nước chưa sản xuất được).
Cơ bản trong bộ linh kiện của xe điện nhập khẩu về đều được áp mức thuế 0%, trong khi, nếu ô tô xăng nhập khẩu nguyên chiếc, mức thuế áp dụng thông thường là 70%. Như vậy, sản xuất, lắp ráp xe điện trong nước đang được khuyến khích rất nhiều.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, xe xăng kết hợp năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học và trong đó tỷ trọng xăng sử dụng trong tổng năng lượng tiêu thụ chiếm không quá 70% sẽ được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe chạy xăng, dầu.
Gần đây, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện theo các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã trình, ban hành những văn bản trong đó giảm đáng kể mức tiêu thụ đặc biệt của ô tô chạy pin so với xe chạy xăng, dầu. Cụ thể, từ 1/3/2022 – 28/2/2027, thuế suất thuế TTĐB đối với xe chạy pin, tuỳ theo chỗ ngồi sẽ là 1 - 2 - 3% và từ năm 2027 trở đi sẽ là 4 - 7 - 11%, tương ứng với số chỗ ngồi khác nhau. Trong khi đó, xe xăng sẽ là 15-150%, cao hơn rất nhiều.
Về lệ phí trước bạ, xe điện cũng có ưu đãi rất cao, theo Nghị định 10 mới trình thì quy định lệ phí trước bạ đối với xe chạy pin giảm 100% đối với 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.
“Với những chính sách trên, tôi tin rằng sẽ góp phần lớn khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều về chính sách thuế, phí”- bà Trần Thị Bích Ngọc khẳng định.
Góp ý tại hội thảo, ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VINFAST bày tỏ, trong quá trình xây dựng trạm sạc doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Khoa học và công nghệ có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, đơn vị đã phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.
"Hiện nay, chúng tôi đang tập trung vào sản xuất trạm sạc cho ô tô điện. Với xe máy, việc sạc tại nhà đơn giản nên chưa tích hợp chung với ô tô. Trong tương lai, VINFAST sẽ phát triển trạm sạc để có thể tích hợp cả xe ô tô và xe máy điện"- ông Thắng nêu.
Ông Tô Nam Toàn- Trưởng phòng Khoa học công nghệ & Hợp tác Quốc tế, Cục đường bộ Việt Nam cho biết, hiện Bộ Giao thông Vân tải đã được Chính phủ phê duyệt quyết định 1454 về mạng lưới đường bộ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 và tiếp tục thực hiện Luật quy hoạch.
“Để triển khai phê duyệt mạng lưới đường bộ theo Quyết định 1454, chúng tôi đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là 1 kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc”- ông Toàn cho hay.
Theo kinh nghiệm quốc tế, đối với quốc lộ, xe có thể dễ dàng tiếp cận 2 bên đường còn trên đường cao tốc thì không dễ, chỉ có thể tiếp cận ở hai trạm dừng nghỉ.
Dự kiến tháng 9/2023, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.