Phát triển kinh tế - xã hội: Nửa nhiệm kỳ nhìn lại!
Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và không thể dự báo.
Đại dịch Covid-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, mới đây lại có thêm xung đột Israel - Hamas; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu chậm lại trong khi lạm phát, lãi suất và rủi ro tài chính phức tạp hơn; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống diễn ra với tần suất cao hơn, gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, khu vực.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát |
Trong nước, Việt Nam phải thực hiện đa mục tiêu, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và tự chủ, tự cường gắn với hội nhập quốc tế. Các tác động rất tiêu cực từ bên ngoài và các khó khăn nội tại của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam vẫn cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 8,02%.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016; năm 2022 tăng 3,15%, đều thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (khoảng 4%). 9 tháng đầu năm 2023, CPI bình quân tăng 3,16% so với cùng kỳ, tiếp tục có xu hướng giảm ; ước cả năm 2023 khoảng 3,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (khoảng 4,5%)
Cơ cấu thu ngân sách tiếp tục được củng cố. Tỷ trọng thu nội địa duy trì ở mức 83- 84% tổng thu ngân sách nhà nước, tỷ trọng thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng nhẹ do tác động tăng giá trên thị trường thế giới. Tỷ trọng thu NSĐP bình quân 03 năm ước chiếm khoảng 50% tổng thu ngân sách nhà nước; bội chi giai đoạn 03 năm ước ở mức 3,6% GDP.
Các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Dự kiến đến hết năm 2023, dư nợ công là 39-40%GDP, dư nợ Chính phủ là 36-37%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37-38%GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội.
Giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình năm 2021, 2022 đạt khoảng 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó năm 2021 đạt 95,7%, năm 2022 đạt 91,42%. Hết tháng 9 đầu năm 2023 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 5% (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn gần 110 nghìn tỷ đồng.
Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt.
Đáng chú ý, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Mức thặng dư xuất, nhập khẩu hàng hoá năm 2021 là 3,2 tỷ USD, năm 2022 là 12,4 tỷ USD; ước cả năm 2023 xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tích cực; năng lực cạnh tranh được cải thiện. Trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường tăng 6 bậc, từ vị trí thứ 90 lên vị trí thứ 84. Chỉ số thành phần Tự do kinh doanh tăng điểm mạnh với mức tăng 8,4 điểm (từ 65,2 lên 73,6 điểm).
Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc (UN) duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện. Về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), xếp hạng của Việt Nam năm 2022 ở vị trí thứ 48 , duy trì vị trí thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả tốt. Năm 2021, tổng vốn đăng ký đạt mức tăng trưởng 25,2%; năm 2022 thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, tăng khoảng 13,5% so với năm 2021, khẳng định xu hướng phục hồi và khả năng thu hút, sử dụng vốn đầu tư của nền kinh tế.
Nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ. Công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật được đẩy mạnh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt. Vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.
Hoạt động đối ngoại tiếp tục được nâng cao. Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và mang lại nhiều động lực quan trọng cho nền kinh tế, nhất là trong hợp tác chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh và chuyển đổi số. Công tác ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao vắc-xin đạt kết quả tích cực.
Còn những "điểm nghẽn" nào?
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 4,36-4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016-2018, năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế còn nhiều hạn chế.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó; phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị bước đầu có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn bất cập, một số tỉnh, thành phố vẫn phát triển theo tư duy kinh tế cục bộ, địa phương; cơ chế điều phối, hợp tác phát triển vùng chưa mang lại nhiều kết quả.
Chất lượng thu ngân sách nhà nước còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, so với dự toán, thu từ dầu thô năm 2021 vượt 21,4 nghìn tỷ đồng, năm 2022 vượt 49,8 nghìn tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất năm 2021 và năm 2022 đều vượt khoảng 74 nghìn tỷ đồng. Thu hút FDI mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. Giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Thể chế cho những vấn đề mới, mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh cần được báo cáo rõ hơn.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch không đạt được các mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết số 61/2022/QH15. Việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 còn lúng túng, vướng mắc; một số địa phương phản ánh việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho khu, cụm công nghiệp chưa phù hợp.
Các doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch, cácbon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường… từ thị trường nhập khẩu; cộng thêm ngày càng nhiều yêu cầu ngặt nghèo với hàng nhập khẩu từ các thị trường truyền thống.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại còn chậm, nhất là giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng tại các đô thị lớn. Triển khai các dự án quan trọng quốc gia còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, khó hoàn thành kế hoạch. Quá trình triển khai đầu tư, chuẩn bị đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị rất chậm; bên cạnh đoạn tuyến Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào sử dụng, tiến độ triển khai, dự kiến thời gian đưa vào sử dụng của các tuyến còn lại cũng cần được báo cáo.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 có thời điểm còn bị động, lúng túng, nhất là giai đoạn đầu khi biến chủng Delta bùng phát mạnh. Công tác quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch còn bất cập, còn tình trạng tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc, ảnh hưởng đến lòng tin trong nhân dân. Kết quả thực hiện một số chính sách Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Mặt khác, chưa có nhiệm vụ, sản phẩm khoa học, công nghệ có tính đột phá, tính liên vùng để có thể triển khai ở quy mô lớn. Hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ tại các địa phương vẫn chưa được thể hiện rõ nét. Việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhất là việc xác định phạm vi tài sản trang bị cần xử lý.
Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững, còn nợ đọng xây dựng cơ bản; cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình còn rất hạn chế, huy động nguồn vốn xã hội còn khó khăn.
Nhiều khu công nghiệp vẫn chưa có công trình xử lý nước thải tập trung, thiếu hệ thống quan trắc nước thải tự động...; một số lưu vực sông còn ô nhiễm nặng. Công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nói chung và kiểm kê khí nhà kính nói riêng còn tồn tại một số hạn chế.