Quốc hội bàn cơ chế đặc thù phát triển kinh tế tư nhân Phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ chiến lược, không chỉ là khẩu hiệu |
Phải thiết lập thể chế đồng bộ và nền tảng số quốc gia
Các đại biểu cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân không thể chỉ là khẩu hiệu mà phải thể chế hóa bằng những hành lang pháp lý, chính sách cụ thể, đủ mạnh, đủ dài hơi và mang tính đột phá.
Đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) nhận định, chính sách hỗ trợ đất đai hiện nay chưa đủ minh bạch và linh hoạt để tạo đột phá cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, linh hoạt và đổi mới sáng tạo. Đây là những lực lượng dễ bị tổn thương trong môi trường thể chế bất ổn và khó tiên liệu.
![]() |
Đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai). Ảnh: VPQH |
Theo bà Hà, chính sách đất đai phải dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi. Một là, phải đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai, tránh tình trạng để dành đất nhưng không thể sử dụng. Hai là, cần công khai thông tin đất đai qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, có kết nối với hạ tầng số và hệ thống đăng ký doanh nghiệp. Ba là, cần phân định rõ giữa ưu đãi và hỗ trợ có điều kiện, để tránh bị lợi dụng chính sách, đặc biệt là trong xác lập giá thuê đất và tài sản công.
Bà Hà nhấn mạnh: “Chính sách đất đai không chỉ là công cụ mà phải được xem là một cấu phần của thể chế quản lý tài nguyên công hiệu quả và minh bạch”. Bà kiến nghị thiết lập cơ chế điều phối, phân cấp và nền tảng số quốc gia dùng chung để liên thông dữ liệu giữa các ngành như tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo vốn đang phân mảnh trong nhiều luật chuyên ngành.
Thuế phải trở thành “cánh tay đồng hành” của doanh nghiệp
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhận định: trong số các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, miễn giảm thuế là công cụ có tác động nhanh nhất, hiệu quả nhất, không phải qua nhiều thủ tục như các ưu đãi tín dụng hay tiếp cận đất đai.
![]() |
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh). Ảnh: VPQH |
Tuy nhiên, bà đề xuất cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo thay vì thời hạn ngắn như trong dự thảo. Theo bà Vân, chu kỳ phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường kéo dài từ 5 đến 7 năm, nhiều doanh nghiệp không có lãi trong giai đoạn đầu nên chính sách thuế ngắn hạn như hiện tại là chưa đủ mạnh để thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, bà kiến nghị miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm cho chuyên gia, nhà khoa học đang làm việc trong doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây là nhóm lực lượng quan trọng, nhưng cũng chịu áp lực thu nhập lớn khi tham gia vào môi trường rủi ro như khởi nghiệp.
Chính sách phải có tính thực tiễn, đồng hành và không máy móc
Làm rõ thêm các đề xuất của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định dự thảo Nghị quyết đang thể chế hóa đầy đủ các nội dung Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều nội dung mang tính vượt trội đã được đưa vào dự thảo, nhất là với nhóm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tập đoàn tư nhân quy mô khu vực, quốc tế.
Về chính sách thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết đang được xây dựng theo nguyên tắc “nuôi dưỡng nguồn thu”. Trong ngắn hạn có thể làm giảm thu ngân sách, nhưng về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp có dư địa tài chính, đóng góp lớn hơn và bền vững hơn. Riêng với quy định bỏ thuế khoán từ ngày 01/01/2026, Bộ trưởng cho rằng đây là hướng đi đúng, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tạo sân chơi công bằng và bền vững hơn.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VPQH |
Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang chỉ đạo ngành thuế tăng cường ứng dụng công nghệ, giảm chi phí tuân thủ, hỗ trợ hộ kinh doanh đăng ký và kê khai thuận tiện hơn.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết quy định sau 2 năm nếu khu công nghiệp chưa có doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê đất thì chủ đầu tư được phép cho doanh nghiệp khác thuê. Đồng thời, Nhà nước sẽ hỗ trợ ngược lại bằng cách khấu trừ tiền thuê đất cho chủ đầu tư làm hạ tầng.
Về thanh kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh chỉ được thực hiện một lần/năm với doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Điều này không làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước mà giúp giảm cản trở, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính thực tiễn, khả thi và thống nhất với các quy định hiện hành”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng kết luận.
3 đề xuất đáng chú ý của đại biểu Quốc hội: Miễn thuế 5 năm và giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thiết lập nền tảng số quốc gia liên thông đất đai, doanh nghiệp và dữ liệu sản xuất; miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm cho chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong startup. |