Các thành viên cam kết sẽ tích cực thúc đẩy sự phát triển của KH&CN ASEAN.
CôngThương - ASEAN - khu vực phát triển KH&CN năng động nhất Châu Á
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá các kết quả về triển khai chương trình hợp tác về KH&CN giữa các nước ASEAN kể từ Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN không chính thức lần thứ 6 được tổ chức vào tháng 12/2010 tại Krabi, Thái Lan.
Cũng tại hội nghị, Ủy ban KH&CN ASEAN đã thông qua tầm nhìn và lộ trình thực hiện các chương trình ưu tiên phát triển của ASEAN bao gồm các vấn đề về an ninh lương thực (đến năm 2013), hệ thống cảnh báo sớm nhằm giảm nhẹ thiên tai, nhiên liệu sinh học, ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở, biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2015. Các nước thành viên ASEAN đã nhất trí việc xây dựng Kế hoạch hành động KH&CN của ASEAN giai đoạn 2012-2017, bắt đầu triển khai từ quý I của năm 2011 và đang tích cực triển khai sáng kiến Krabi “Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo vì một ASEAN cạnh tranh, bền vững và hội nhập”.
Hội nghị đã đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sau khi Việt Nam đã thể hiện thành công vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2010. Đồng thời, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban KH&CN ASEAN nhiệm kỳ 2011-2012, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tốt việc hợp tác KH&CN giữa các nước thành viên trong bối cảnh ASEAN đang ngày càng đẩy mạnh tiến trình hội nhập trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội và KH&CN.
Đánh giá về sự phát triển KH&CN của các nước ASEAN, ông Nguyễn Quân - Bộ Trưởng Bộ KH&CN Việt Nam nhận định, khu vực ASEAN được đánh giá là khu vực có sự phát triển KH&CN năng động nhất trong khu vực Châu Á cũng như đối với thế giới. Trong những năm qua, các nước ASEAN đã có sự đầu tư phát triển KH&CN cao bằng các hành động thiết thực như: lập Quỹ khoa học ASEAN để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH&CN của các nước thành viên, hợp tác với các nước đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc để mở rộng phạm vi hợp tác công nghệ…
“Chúng tôi cho rằng triển vọng phát triển về KH&CN ASEAN là rất lớn và chúng ta phải cố gắng rất nhiều để xứng với tiềm năng như mong muốn của cộng đồng các nước thành viên”, ông Quân nói.
Tận dụng tốt các thế mạnh để phát triển KH&CN tại Việt Nam
Ngay từ năm 1995, Việt Nam đã tham gia hợp tác về KH&CN với các nước ASEAN. Được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia về lĩnh vực hợp tác này, Bộ KH&CN đã thành lập Ủy ban KH&CN ASEAN của Việt Nam, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành (Viện KH&CN Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường,…), các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước.
Qua thời gian gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác về KH&CN của ASEAN như: Tham gia Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN; tham gia Ủy ban KH&CN ASEAN - COST, các Ủy ban hỗn hợp, Tiểu ban, Nhóm công tác trực thuộc COST; tích cực tham gia các dự án hợp tác của ASEAN về công nghệ sinh học, năng lượng mới và năng lượng tái sinh, công nghệ viễn thám, khoa học biển, công nghệ thông tin và vi điện tử.
Đồng thời, Việt Nam đã hoàn thành tốt nghĩa vụ của một nước thành viên, đóng góp kinh phí cho Quỹ Khoa học ASEAN (ASF). Tính đến tháng 3/2011, quy mô của Quỹ ASF là khoảng 10.5 triệu đôla Mỹ, trong đó Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ với số tiền đóng góp là 1 triệu đôla Mỹ.
Đánh giá về vị trí của Việt Nam trong sự phát triển KH&CN so với các nước ASEAN, ông Nguyễn Quân cho rằng, khoa học công nghệ của Việt Nam đang đứng ở bậc giữa các các nước ASEAN, chúng ta có đội ngũ cán bộ khoa học đông và có trình độ tương đối cao, được đào tạo bài bản ở các nước phát triển. Tuy nhiên do trình độ kinh tế của Việt Nam còn tương đối thấp nên phát triển KH&CN của Việt Nam còn khiêm tốn, chưa đạt trình độ cao so với một vài nước như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Mặc dù vậy so với một số nước khác trong khu vực thì nền KH&CN của Việt Nam lại ở mức cao hơn. Đây là lợi thế để chúng ta hợp tác với các nước khác trong khu vực nhằm học hỏi các nước đi trước và hỗ trợ các nước đi sau mình cùng phát triển KH&CN.
Ngoài ra, để khuyến khích sự phát triển của KH&CN, các trường ĐH, Viện nghiên cứu tại Việt Nam đều được Nhà nước đầu tư cán bộ khoa học, phòng thí nghiệm tương đối tốt, có những phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn thế giới và hỗ trợ kinh phí cho các đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp bộ...