Thứ hai 18/11/2024 00:22

Phát triển hạ tầng phụ trợ thương mại điện tử tương xứng

Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển và tăng trưởng nhanh, Bộ Công Thương cho rằng, hệ thống các hạ tầng phụ trợ cho TMĐT cũng cần phải được phát triển song song và tương xứng.  

Kết quả khảo sát 3.000 doanh nghiệp về thương mại điện tử trên cả nước, do Bộ Công Thương thực hiện năm 2017 cho thấy, 100% đã trang bị máy tính phục vụ sản xuất, kinh doanh; 61% trang bị các loại thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng phục vụ công việc; 99% sử dụng thư điện tử; 43% đã xây dựng và vận hành website riêng; hoạt động đặt hàng và nhận đơn hàng qua thư điện tử khá phổ biến với tỷ lệ chiếm 79%; doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử trong giao dịch với đối tác chiếm khoảng 60%; các phần mềm doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất hiện nay là phần mềm kế toán tài chính (85%), tiếp đến quản lý nhân sự (53%), quan hệ khách hàng (28%), quản lý hệ thống cung ứng (22%) và phần mềm lập kế hoạch nguồn lực chiếm khoảng 13%.

Việt Nam được đánh giá là một thị trường có tiềm năng phát triển TMĐT.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo, TMĐT Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 25%-30%. Website TMĐT là hình thức được lựa chọn nhiều nhất khi mua sắm trực tuyến (chiếm 68%), tiếp đến qua diễn đàn, mạng xã hội (51%), qua ứng dụng trên thiết bị di động chiếm khoảng 41%... Một số hàng hóa, dịch vụ được quan tâm, mua sắm nhiều nhất là quần áo, thời trang, giày dép, mỹ phẩm (chiếm 59%); đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình (47%)...

Tuy nhiên, các hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT hiện nay như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics... còn thiếu đồng bộ và thiếu tính kết nối. Đặc biệt, hạ tầng logistics chưa hoàn thiện, thiếu vắng các nhà cung cấp chuyên nghiệp dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng cho TMĐT, giá thành dịch vụ cao chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, 40% khách hàng tham gia TMĐT trả lời khâu vận chuyển và giao hàng còn chậm, không chuyên nghiệp.

Để hỗ trợ cho các giao dịch TMĐT, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị hữu quan triển khai hệ thống thanh toán TMĐT Keypay phù hợp đặc thù doanh nghiệp Việt Nam, qua đó đã hỗ trợ xử lý hàng chục nghìn giao dịch, hiện đang chuẩn bị triển khai thêm một số tiện ích gia tăng như dịch vụ thanh toán đảm bảo nhằm tăng niềm tin trong các giao dịch trực tuyến.

Để đáp ứng xu thế phát triển của TMĐT, Bộ Công Thương cho rằng, các hạ tầng phụ trợ liên quan cần phải được phát triển song song, tương xứng. Trong đó, hạ tầng pháp lý về TMĐT cần liên tục cập nhật để điều chỉnh một cách toàn diện, theo kịp thực tiễn các mô hình và hoạt động TMĐT khác nhau. Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia cần hoàn thiện, tích hợp các giải pháp thanh toán đảm bảo sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), Chính phủ - người dân (G2C), Chính phủ - doanh nghiệp (G2B).

Hạ tầng chứng từ điện tử là một yếu tố còn thiếu của nền tảng TMĐT hiện nay, vì vậy cần xây dựng để hỗ trợ việc trao đổi, lưu trữ, tra soát trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan quản lý, thanh tra liên ngành khác nhằm thuận lợi hóa hoạt động lưu thông hàng hóa.

Đối với hạ tầng chuyển phát/logistic, do TMĐT có những đặc thù riêng, các doanh nghiệp chuyển phát phải giải quyết bài toán tối ưu hóa khác rất nhiều so với mô hình logistic truyền thống. Trong đó, bao gồm việc ứng dụng công nghệ và giải quyết tính cá thể hóa của các đơn hàng nhỏ lẻ chứ không chỉ là độ phủ hoặc khả năng lưu chuyển khối lượng hàng hóa lớn. Hạ tầng chuyển phát cho TMĐT phải chú trọng giải quyết được yếu tố thời gian, quy trình đóng gói, bảo đảm mẫu mã và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là khả năng giải quyết khâu hậu cần hoàn tất đơn hàng cho các nhà sản xuất với xu hướng nhà sản xuất sẽ trực tiếp bán và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, hạ tầng an toàn, an ninh cho TMĐT cũng cần củng cố với việc thiết lập các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch TMĐT; đánh giá tín nhiệm các website TMĐT và chứng thực chứng từ điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT…/.

Ngọc Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: công nghệ số

Tin cùng chuyên mục

Tổng cục Hải quan chỉ đạo quản lý hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Bộ Công Thương ra 'tối hậu thư' với sàn thương mại điện tử Temu, Shein

Online Friday 2024: Khuấy động thị trường thương mại điện tử cuối năm

Doanh nghiệp Việt mang xu hướng tiêu dùng xanh lên sàn thương mại điện tử

Ngành thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng 18%

Thương mại điện tử thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp

Thu gần 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, xem xét việc dùng AI kiểm soát doanh thu sàn thương mại điện tử

Xuất hiện tình trạng lừa đảo, mạo danh sàn thương mại điện tử Amazon

Thương mại điện tử không chỉ phát triển mạnh ở thành phố lớn mà đã vươn tới vùng sâu, vùng xa

Nền tảng hợp cộng thương mại truyền thống và thương mại điện tử: Giải pháp HKDO cho hộ kinh doanh Việt Nam

Ngày 21/11 diễn ra sự kiện ‘Thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024’

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt ShopeePay 25 triệu đồng

Sơn La hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Sẽ chặn sàn Temu bằng biện pháp kỹ thuật nếu không tuân thủ qui định của pháp luật Việt Nam

Bộ Công Thương: Tuyệt đối không giao dịch với các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký

Nông sản Gia Lai bùng nổ, sau 2 ngày livestream thu về 12,7 nghìn đơn hàng

Thấy gì đằng sau mức giá 'rẻ bất ngờ' của sàn thương mại điện tử Temu?

Bị nghi ngờ chất lượng sản phẩm, Temu khó chiếm lĩnh thị trường dù hạ giá ‘sập sàn’

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Kiểm soát chặt nguồn gốc và chất lượng hàng hoá trên sàn thương mại điện tử Temu

Trước sức ép hàng giá rẻ từ Temu, doanh nghiệp Việt làm gì để giữ 'sân nhà'?