Thứ ba 26/11/2024 01:04
Đảng bộ Sở Công Thương Thái Nguyên:

Phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, quyết liệt thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành

Là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với chức năng quản lý Nhà nước trong rất nhiều lĩnh vực trọng yếu, Ban lãnh đạo, đặc biệt là Ban chấp hành Đảng bộ Sở Công Thương Thái Nguyên luôn xác định, việc chỉ đạo thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh mà còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Gắn công tác Đảng với hoạt động chuyên môn

“Nhiệm vụ rất nặng nề, song, chỉ với 77 đảng viên, trong đó có 75 đảng viên chính thức, 2 đảng viên dự bị, được biên chế thành 9 Chi bộ, Đảng bộ Sở Công Thương luôn xác định, việc nêu cao vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, Đảng viên, thực hiện nghiêm, có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước và chỉ đạo của Bộ Công Thương và của địa phương là yếu tố then chốt quyết định thành công của cả đơn vị” - Đồng chí Nguyễn Ngô Quyết - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên – cho biết.

Đồng chí Nguyên Ngô Quyết: Đảng bộ Sở Công Thương Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp với phương châm phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương

Theo đó, trong những năm qua, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Nghị quyết Đại hội II của Đảng bộ Bộ Công Thương; các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 khóa XII của Đảng; các Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XIX về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… Đảng bộ Sở Công Thương Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực với phương châm phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, nâng cao chất lượng chi bộ về mọi mặt và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương.

“Ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương theo Quyết định số 1147/QĐ-BCT ngày 18/12/2014, Sở Công Thương Thái Nguyên đã xin chủ trương UBND tỉnh tại Chương trình công tác ngành Công Thương Thái Nguyên năm 2015 thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có xây dựng “Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020” và “Chương trình phát triển thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”. Trong đó có nội dung về tái cơ cấu ngành công nghiệp và thương mại với trong tâm là là công tác rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ về công nghệ, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin môi trường đầu tư và thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế; đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới…

Phát triển thương mại gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất của tỉnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết hợp hài hòa giữa phát triển thương mại với thế mạnh của tỉnh, trong nước và thương mại quốc tế, giữa mục tiêu phát huy lợi thế so sánh với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng nội địa hóa, giá trị gia tăng cao; phát triển hài hòa, đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện các hoạt động thương mại…

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 740.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15% và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 50.100 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 20%.

Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, Đảng Bộ Sở Công Thương Thái Nguyên xác định, yếu tố con người là then chốt. Vì vậy, công tác kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng; có tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của nhà nước và của ngành Công Thương; có trách nhiệm và ý thức kỷ luật cao; tự chủ, năng động và sáng tạo trong công việc; có kiến thức trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; sẵn sàng tiếp cận với kiến thức và công nghệ mới. Cùng đó, “vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn được thống nhất, quyết liệt và đổi mới” – Đồng chí Nguyễn Ngô Quyết nói và cho biết những giải pháp cụ thể, Đảng Bộ Sở đã tập trung đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng", chú trọng đối mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp uỷ và chi bộ, coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, đảm bảo nguyên tắc quy định của Điều lệ Đảng về chế độ sinh hoạt, phát huy tinh thần dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, nâng cao vai trò và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

Hàng năm, tổ chức kiểm điểm, đánh giá chất lượng các chi bộ đảng và đảng viên, trong đó đã cụ thể hóa những tiêu chuẩn phù hợp với tình hình, đặc điểm và chức năng, nhiệm vụ của các chi bộ và từng đảng viên, không có hiện tượng chạy theo thành tích. Qua kiểm điểm đã làm rõ được ưu điểm, tồn tại và phương hướng khắc phục của tổ chức đảng và đảng viên trong thời gian tới, chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề của chi bộ đã được đổi mới nhằm nêu cáo tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Các Chi bộ cũng đã xây dựng được quy chế làm việc, tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chính trị tư tưởng; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh. Các đảng viên đều phát huy tính tiên phong gương mẫu có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống giản dị, trung thực, hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XII “về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; các Đề án, Kế hoạch của Tỉnh ủy Thái Nguyên về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong những năm qua, cùng với công tác chuyên môn, Đảng bộ Sở Công Thương Thái Nguyên đã quyết liệt thực hiện công tác tinh giản bộ máy, biên chế với những giải pháp hết sức sáng tạo. Cụ thể, Sở đã sáp nhập các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng “một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hoặc một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm”.

Hạ tầng công nghiệp, thương mại của địa phương đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên, ông Phan Bá Trường cho biết: “Việc sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị và tinh giản biên chế được thực hiện một cách thận trọng, phù hợp với thực tiễn của từng đơn vị. Đi kèm với đó là các cơ chế, chính sách cụ thể để tránh giảm “cơ học” mà quan trọng là hướng tới nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả”.

Đặc biệt, trong tháng 10/2019, Sở đã hoàn thành Đề án: “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn” nhằm tiếp tục tinh giản đầu mối, biên chế, giảm cấp trung gian và cơ cấu lại tổ chức với mục tiêu đến năm 2021, giảm 25% số lượng phòng chuyên môn so với năm 2019 và giảm tối thiểu 10% biên chế theo lộ trình so với biên chế được giao năm 2015; phấn đấu đến năm 2025, 50% đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện đảm bảo tự chủ về tài chính, giảm 50% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Cũng trong nỗ lực thực hiện công tác cải cách hành chính, Sở Công Thương đã và sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi đến làm việc.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC nhanh, gọn, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành một cách hiệu quả, Ban Giám đốc Sở Công Thương xác định cần phải hiện đại hóa trong quản lý hành chính công. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa thiết bị máy móc và phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng trong quản lý văn bản hành chính. Hiện tại, cơ bản hoạt động trao đổi công việc trong nội bộ Sở đều thông qua phần mềm quản lý văn bản, sử dụng mạng LAN. Sở cũng vận hành thường xuyên, hiệu quả Cổng thông tin điện tử của ngành. Ngoài niêm yết TTHC thuộc thẩm quyền công khai tại bộ phận “một cửa”, Sở còn niêm yết trên Cổng thông tin điện tử để giúp các tổ chức, cá nhân tiện theo dõi, tra cứu thông tin một cách nhanh chóng, từ đó chủ động liên hệ giải quyết, tiết kiệm chi phí không cần thiết, đồng thời duy trì và ngày càng nâng cao hiệu quả triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào giải quyết công việc hành chính…

“Kết quả, công tác cải cách hành chính của Sở Công Thương đã đóng góp phần quan trọng vào việc cải thiện Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX), theo đó, năm 2018 tỉnh Thái Nguyên xếp vị trí thứ 18 với tổng số 78,78 điểm, tăng 12 bậc so với năm 2017” – Đồng chí Nguyễn Ngô Quyết nói và cho biết những chỉ số tăng trưởng cụ thể, nếu năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 5,7 nghìn tỷ đồng và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên 28 nghìn tỷ đồng thì đến hết 9 tháng năm 2019, con số tương ứng là trên 7,4 nghìn tỷ đồng và gần 36 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu hiện nay của tỉnh liên tục tăng trưởng, nếu cả năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 19 tỷ USD thì đến hết 9 tháng năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 20,7 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 11.000 cơ sở sản xuất công nghiệp. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh đã từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại với 6 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại cũng phát triển mạnh, nhiều loại hình, cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện đại và truyền thống được triển khai đầu tư.

Trước xu thế hội nhập hiện nay, ngành Công Thương đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Để chủ động thích ứng với điều kiện mới, ngành Công Thương đã tham mưu cho tỉnh xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, trong đó, đề xuất nhiều giải pháp mang tính căn cơ, bền vững, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của tỉnh đến năm 2020 được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX.
Hoàng Châu
Bài viết cùng chủ đề: Cải cách hành chính

Tin cùng chuyên mục

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Kỳ 2: Nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Kỳ 1: Nhận diện về những biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Lai Châu: Nhận diện những thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm xâm phạm an ninh quốc gia

“Tuần lễ Vàng” – dấu ấn của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Di chúc của Bác mãi mãi đồng hành cùng dân tộc

Cán bộ, đảng viên thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng: Soi chiếu từ Quy định số 144-QĐ/TW

Giải pháp phòng, chống hoạt động ‘xâm lăng văn hóa’ đối với nước ta

Lan tỏa tinh thần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bộ mặt thật của Việt Tân từ cái gọi là 'hội luận kinh tế thị trường ở Việt Nam'

Bài 5: Đạo pháp bất ly thế gian pháp

Bài 4: Tư cách của tín đồ phải đứng sau nghĩa vụ công dân

Bài 3: Quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về Phật giáo

Bài 2: Họ xa rời Phật pháp chân chính, trái đời ngược đạo

Chấn chỉnh những sai lệch để Phật giáo tốt đời đẹp đạo: Bài 1: Khi thuyết giảng xuyên tạc phá hoại đức tin

Đoàn kết tôn giáo xây dựng đất nước phát triển bền vững

Không công khai do sợ sai

Tổng Bí thư Trần Phú: Tấm gương ngời sáng về sự kiên trung, tận hiến cho sự nghiệp cách mạng

Bài 3: Hướng tới một nền kinh tế cạnh tranh minh bạch, hiệu quả