Trên tài khoản mạng xã hội của Việt Tân vừa xuất hiện cái gọi là “diễn đàn hội luận” về kinh tế thị trường ở Việt Nam ngay sau diễn biến Hoa Kỳ tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Họ đã “hội” những gì, “luận” những gì?
Trước hết những nhân vật tham gia vào cái diễn đàn được Việt Tân “mau lẹ” tổ chức này không phải là những chuyên gia kinh tế có uy tín mà vẫn là những gương mặt quen thuộc chuyên nghề chống phá, chuyên dán những cái mác “độc tài, thiếu dân chủ” cho hình ảnh của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mỗi khi có dịp.
Những nhân vật tham gia cái “hội luận” trên lợi dụng diễn biến này để tiếp tục nhân danh phát triển kinh tế thị trường hòng tiếp tục tự cho mình cái quyền tung ra các luận điệu đi ngược lại tình hình đất nước, xuyên tạc thô bạo, trắng trợn các đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong phát triển đất nước gắn với hội nhập quốc tế, đặc biệt là phát triển kinh tế.
Những ai am hiểu bộ mặt thật lâu nay của tổ chức Việt Tân không lấy làm lạ về những nội dung được tung ra trong “hội luận” nêu trên. Vẫn là những “đòi hỏi phải có dân chủ thì mới phát triển” khi mà "Việt Nam còn nhiều ngăn cản, kìm kẹp người dân phát triển kinh tế”. Đi cùng đó, các “diễn giả” này còn cãi chày cãi cối cho khẳng định rằng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là kinh tế thị trường; mô hình này càng ngày càng mất đi sự hiệu quả”.
Rằng “Việt Nam là nơi trung chuyển hàng hoá từ Trung Quốc để trốn thuế của Hoa Kỳ”, “đấu đá nội bộ của Việt Nam làm chậm từ việc phê duyệt dự án đến phát triển kinh tế”. Đi xa hơn những diễn giả này còn dự cảm “khủng hoảng tài chính có thể sẽ xảy ra ở Việt Nam” để ngang nhiên nói rằng “Việt Nam có thực sự muốn phát triển kinh tế thị trường hay không?”.
Các “diễn giả” của Việt Tân đã cố tình lờ đi, xem như không cần biết đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế cũng như thực hiện các cam kết quốc tế trong các định chế thương mại song phương và đa phương, trong đó có những định chế có sự tham gia của Hoa Kỳ và các đối tác của họ. Trong số này cũng có cả các đối tác của Việt Nam.
Việt Nam luôn kiên trì, kiên định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. |
Ngay sau diễn biến Hoa Kỳ tiếp tục công nhận Việt Nam như một nền kinh tế phi thị trường, Bộ Công Thương nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nêu rõ quan điểm, nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand…
Hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá…
Những thay đổi này đã được làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường.
“Các bản lập luận mà Bộ Công Thương cung cấp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng chứng minh một cách đầy đủ, nhất quán về mức độ thực hiện sáu tiêu chí này của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, căn cứ theo các tiêu chí cụ thể của luật pháp Hoa Kỳ, việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là thực tế khách quan và công bằng”, Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định.
Chia sẻ điểm nhìn này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rõ quan điểm, trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện cam kết về việc phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Mỹ bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Cần khẳng định rõ một điều, kinh tế thị trường là một thành tựu chung trong phát triển của nhân loại mà ở đó việc lựa chọn những thành tựu, kinh nghiệm phù hợp với thực tế, khả năng của nền kinh tế là quyền của mỗi quốc gia phù hợp với sự lựa chọn thể chế phát triển.
Việt Nam từ nhiều nay năm luôn kiên định con đường xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Việt Nam cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.
Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đó là mục tiêu, định hướng phấn đấu của mô hình kinh tế - xã hội định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đã và đang kiên trì, kiên định hướng tới. Đó cũng là những mục tiêu mà các thể chế chính trị trên thế giới ngày nay cho dẫu khoác những chiếc mũ đại diện nào cũng không thể chối bỏ, không thể không thừa nhận. Càng không thể bị xuyên tạc thô bạo hay cố tình đánh tráo khái niệm để làm nền cho việc tiếp tục “đánh lận con đen” đi đến chỗ phủ nhận thành tựu phát triển ở Việt Nam mà những luận điệu của tổ chức phản động Việt Tân đang ra sức níu kéo.