Cùng tham dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội và lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có mục tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị |
Là công cụ nòng cốt triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trong 17 năm qua.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết hiện nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 31/8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
Với gần 11.000 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và gần 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% thôn, ấp, bản, làng, NHCSXH đã thực hiện vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Trong giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động (trên 17.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo.
“Có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân", theo ông Dương Quyết Thắng.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH tại thời điểm 31/8/2019 còn 0,75% (nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,33%).
Tuy nhiên, theo ông Dương Quyết Thắng, hoạt động của tín dụng chính sách xã hội thời gian qua vẫn còn những khó khăn, thách thức, đó là: Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, tại một số vùng, địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn cao. Đối tượng thụ hưởng một số chương trình tín dụng như cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định, các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận.
Cũng theo ông Thắng, tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyên lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
Tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tín dụng chính sách sẽ tập trung thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang NHCSXH; phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.
Tại Hội nghị này, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương và các cán bộ tín dụng chính sách sẽ tập trung đi sâu, thảo luận và đánh giá việc thực hiện tín dụng chính sách trong thời gian qua và đặt ra các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, trong đó có tính tới việc áp dụng chính sách đối với từng vùng, khu vực nhằm góp phần thay đổi tư duy về sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập của người nghèo và rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo của đất nước.