Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 25/9 - 1/10/2018 với chủ đề "Làm cho Liên hợp quốc gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận. Dự kiến, 81 nguyên thủ, 51 lãnh đạo chính phủ và 47 bộ trưởng sẽ tham dự phiên thảo luận chung.
Ảnh TTXVN |
Chia sẻ với báo chí trước khi lên đường dự Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đến với kỳ họp năm nay với một vinh dự và trách nhiệm hết sức to lớn là ứng cử viên không chỉ của ASEAN mà còn của cả nhóm châu Á - Thái Bình Dương, gồm 54 nước vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã vinh dự gánh vác trọng trách này trong nhiệm kỳ 2008 - 2009 và có đóng góp quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
"Với kinh nghiệm đã đúc kết được, trên tinh thần hợp tác tích cực, chân thành và sự ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc, chúng ta tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Liên hợp quốc đã tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những quốc gia sớm hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).
Hơn 30 năm qua, Liên hợp quốc dành hơn 2 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực thiết yếu như phát triển kinh tế, xây dựng thể chế, pháp luật, giải quyết nhiều vấn đề xã hội... Hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên hợp quốc, cũng như vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.
Việc Nhóm châu Á-Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cứ viên duy nhất của nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an, thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên hợp quốc ở các khu vực khác trong thời gian tới.
Tháng 7 vừa qua, Việt Nam và Liên hợp quốc đã ký Kế hoạch chiến lược chung mới cho giai đoạn 2017 - 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030.
Tham dự phiên thảo luận lần này còn là cơ hội để Việt Nam quảng bá những thành tựu trong phát triển kinh tế, phát triển con người hướng đến mục tiêu bao trùm và bền vững. Đồng thời, thể hiện rõ thông điệp Việt Nam muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu, chia sẻ trách nhiệm; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tổ để Liên hợp quốc trở nên mạnh mẽ, dân chủ, hiệu quả hơn. Cùng với đó, bảo đảm nguồn lực đầy đủ cho các hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là hỗ trợ các nước đang phát triển.
Ngày 25/5/2018, tại cuộc họp của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc, các nước nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. |