Không quân Nga nhận thêm máy bay Su-57 và Su-34, Anh thử nghiệm vũ khí chế áp điện tử “sát thủ UAV”… là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Không quân Nga nhận thêm máy bay Su-57 và Su-34
Theo thông tin chính thức từ Tổ hợp chế tạo hàng không Thống nhất thuộc Tập đoàn nhà nước Rostec, lô máy bay Su-57 và Su-34 mới vừa được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Nga.
Giám đốc điều hành Rostec, Sergei Chemezov cho biết: “Các máy bay Su-57 và Su-34 được chuyển giao hôm nay sẽ sớm được đưa vào sử dụng”. Ông Chemezov gọi tiêm kích Su-57 là “vua bầu trời”, “cỗ máy tối thượng trong dòng máy bay tác chiến - chiến thuật”. Ông cũng lưu ý rằng, Su-34 được các phi công đánh giá cao nhờ đặc tính chiến thuật, kỹ thuật và chiến đấu cao.
Máy bay chiến đấu Su-57. Ảnh: Rian |
Đánh giá về máy bay Su-57, ông Chemezov nhấn mạnh: “Khả năng tàng hình của Su-57 cho phép nó tiêu diệt kẻ thù ngay cả khi đối mặt với sự đe dọa của các hệ thống phòng không hiện đại”.
Trong khi đó, Su-34 được thiết kế để phá hủy các cơ sở hạ tầng nằm ở khoảng cách đáng kể so với tiến tuyến và kể cả khi chúng được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không.
Phillipines xem xét mua hệ thống tên lửa tấn công cơ động Typhoon của Mỹ
Hãng tin quân sự Defense News đăng tải, quân đội Philippines có ý định mua các bệ phóng tên lửa di động trên mặt đất Typhon do Mỹ phát triển để đảm bảo bảo vệ lợi ích của nước này.
Theo Trung tướng quân đội Philippines Roy Galido: “Chúng tôi dự định tiếp nhận chúng vì thấy thực tế và hữu dụng trong việc triển khai các hệ thống phòng thủ cho quần đảo của chúng tôi”.
Cơ cấu xe phóng của hệ thống Typhoon. Ảnh: Getty |
Ông Roy Galido lưu ý rằng, nguồn tài chính được phân bổ sẽ quyết định số lượng hệ thống Typhoon Manila có thể mua. Ông này nói thêm, thông thường phải mất ít nhất hai năm để Philippines có thể mua vũ khí mới và quỹ dành cho Typhoon vẫn chưa được phân bổ ngân sách cho năm tài chính 2025.
Năm 2024, Mỹ đã triển khai cơ sở lắp đặt Typhoon tới Philippines như một phần của cuộc tập trận quân sự hàng năm giữa Mỹ và Philippines. Kết quả là Bộ chỉ huy Mỹ quyết định để lại số vũ khí này ở Philippines.
Hệ thống tên lửa tấn công Typhoon được thiết kế để phóng tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn lên tới 1.800 km và tên lửa đánh chặn SM-6 có tầm bắn lên tới 500km trong cấu hình hiện tại.
Anh thử nghiệm vũ khí chế áp điện tử “sát thủ UAV”
Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố đã thử nghiệm thành công đầu tiên một loại vũ khí năng lượng định hướng bằng tần số vô tuyến có thể trở thành "sát thủ máy bay không người lái - UAV".
“Lần đầu tiên, binh sĩ Anh đã thử nghiệm thành công một loại vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi, có thể tiêu diệt một đàn UAV bằng sóng vô tuyến với chi phí thấp hơn một gói bánh nướng nhân thịt”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh xác nhận.
Nguyên mẫu của hệ thống vũ khí năng lượng cao RFDEW. Ảnh: Lenta |
Hệ thống vũ khí năng lượng định hướng tần số vô tuyến (RFDEW) có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1km và tốn 10 pence cho mỗi lần bắn. Điều đáng lưu ý là vũ khí mới sử dụng sóng tần số cao để phá hủy hoặc làm hư hại các linh kiện điện tử bên trong UAV. RFDEW có thể tấn công các mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển.
Vũ khí tần số vô tuyến được phát triển bởi một tập đoàn do Thales UK đứng đầu. Sản phẩm có mức độ tự động hóa cao, cho phép một người điều khiển hoạt động của RFDEW.
Bộ Quốc phòng nhấn mạnh chương trình thử nghiệm sẽ tiếp tục. Điều này sẽ cho phép hình thành một hệ thống RFDEW thế hệ mới được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.
Đầu tháng 12, quân đội Anh đã thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí laser năng lượng cao (HELWS) được sửa đổi để tiêu diệt UAV.
Hải quân Thụy Điển sẽ trang bị tên lửa chống hạm mới
Hãng chế tạo Saab đã ký hợp đồng với Cơ quan Mua sắm Quốc phòng Thụy Điển để nâng cấp các bệ phóng tên lửa chống hạm di động RBS-15 lên phiên bản Mk4. Theo trang tin Naval News, tổng chi phí của đơn đặt hàng là 800 triệu Kronor Thụy Điển (khoảng 70 triệu Euro), việc giao đạn dược mới sẽ bắt đầu vào năm 2026.
Hiện, lực lượng bảo vệ bờ biển của Hải quân Thụy Điển đang sử dụng tên lửa chống hạm RBS-15 phiên bản Mk2 được đưa vào sử dụng từ năm 2016.
“Hải quân Thụy Điển sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ bằng cách sở hữu một tên lửa chống hạm với đầu dẫn tiên tiến hơn, tầm bắn xa hơn và đầu đạn mạnh hơn. RBS-15 được thiết kế đặc biệt cho điều kiện thời tiết khó khăn của Biển Baltic” - Görgen Johansson, Giám đốc bộ phận kinh doanh đạn dược tại Saab - cho biết.
Hệ thống tên lửa đối hạm RBS-15 (Robotsystem 15). Ảnh: Defense News |
RBS-15 (Robotsystem 15) là tên lửa chống hạm đất đối đất và không đối đất có khả năng bắn và quên. Hệ thống này được phát triển và sản xuất bởi Saab phối hợp với đối tác Đức Diehl Defense Mk1 thế hệ đầu tiên được đưa vào sử dụng trong Hải quân Thụy Điển vào giữa những năm 1980. Tầm bắn của tên lửa khoảng 70km.
Tên lửa RBS-15 Mk2 hiện được Hải quân Thụy Điển sử dụng có tầm bắn tương tự nhưng được trang bị hệ thống dẫn đường cải tiến sử dụng dẫn đường quán tính, GPS và radar chủ động. Sản xuất của nó bắt đầu vào năm 1998. Phiên bản mới hơn là Mk3, được quân đội Đức và Ba Lan sử dụng. Nó có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất và mặt nước ở cự ly hơn 200km.
Thụy Điển sẽ nâng cấp trực tiếp từ Mk2 lên biến thể Mk4 mới nhất (còn được gọi là Gungnir). Theo hãng chế đạo Saab, phiên bản Mk4 có tầm bắn xa hơn. Hệ thống cảm biến trên tên lửa cũng đã được cải tiến và trọng lượng của đạn đã giảm xuống. Theo kế hoạch, các tàu hộ tống lớp Visby của Thụy Điển và máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen sẽ được trang bị loại tên lửa mới này.
Nhiều phiên bản khác nhau của tên lửa chống hạm RBS-15 đã được đưa vào sử dụng ở Croatia, Phần Lan, Thái Lan và Algeria.