Phản ứng linh hoạt với rủi ro an ninh mạng dành cho Hội đồng Quản trị
VIOD và ACCA đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác |
Hội thảo thu hút gần 90 thành viên HĐQT và cán bộ điều hành cấp cao của doanh nghiệp (DN), cùng đại diện các bộ, ngành. Đây là sự kiện đầu tiên VIOD và ACCA phối hợp, nhằm giúp các thành viên HĐQT hiểu biết về vai trò của mình trong việc quản trị các vấn đề an ninh mạng một cách hiệu quả.
Những năm gần đây, thành phần của giá trị tài sản DN đã chuyển dịch đáng kể từ vật thể sang phi vật thể. Thống kê từ một khảo sát mới nhất, có gần 90% tổng tài sản của các công ty nằm trong S&P 500 là tài sản trí tuệ và những tài sản vô hình khác. Bên cạnh việc phải đối mặt với các mối đe dọa trên mạng, các DN còn phải tuân thủ pháp luật và các quy định mới về quản lý và báo cáo các rủi ro về bảo mật và an ninh mạng. DN có nguy cơ bị mất quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu bị phá hủy hoặc bị thay đổi...
Tính riêng trong năm 2017, 80% tin tặc có xu hướng tấn công các tổ chức ở châu Á, gây tổn thất ước tính khoảng 1.750 tỷ USD. Còn tại Việt Nam, sự cố tin tặc chiếm quyền sử dụng một số màn hình hiển thị thông tin chuyến bay tại khu vực làm thủ tục chuyến bay của các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc năm 2016 đã khiến nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng, trong đó hàng chục chuyến bay bị chậm giờ từ 15 phút cho đến hơn 1 tiếng. Nhiều hành khách bày tỏ nghi ngại vấn đề an toàn bay cũng như mức độ bảo mật thông tin khách hàng của các hãng hàng không.
Bà Hà Thị Thu Thanh- Chủ tịch HĐQT VIOD cho rằng, các vấn đề về an ninh mạng theo xu hướng toàn cầu đang trở thành quan tâm hàng đầu của hầu hết HĐQT các DN. Các thành viên HĐQT đang ưu tiên đánh giá các rủi ro về an ninh mạng như là một rủi ro trong hệ thống quản trị rủi ro của DN chứ không chỉ đơn thuần là mối quan tâm về công nghệ thông tin như trước. Vì vậy, HĐQT nên đóng vai trò chủ chốt trong việc tìm hiểu về các rủi ro an ninh mạng có liên quan đến DN của mình và nên xác nhận xem việc phòng ngừa, phát hiện các rủi ro này đã được kiểm soát trong hệ thống quản trị rủi ro của DN mình hay chưa.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều ý kiến cho hay, để phản ứng linh hoạt với an ninh mạng, các DN cần bảo đảm các khoản đầu tư vào bảo mật thông tin bắt kịp với việc áp dụng công nghệ. HĐQT và các quản lý cấp cao nên đưa các nội dung liên quan đến an ninh mạng vào tất cả các hoạt động chiến lược của công ty, có thể là hoạt động sáp nhập hoặc mua lại, hay ra mắt dự án mới, sản phẩm mới. Trong khuôn khổ hội thảo, VIOD và ACCA đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai bên trong các vấn đề chung có liên quan; nâng cao nhận thức và thúc đẩy các thông lệ quản trị DN quốc tế tốt, trở thành nhân tố chủ chốt của tập quán kinh doanh bền vững đối với các DN của Việt Nam.