Đón sóng BĐS nhờ các hiệp định thương mại…
Sở hữu lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động dồi dào và nhiều chính sách thu hút đầu tư, tạo lợi thế cho doanh nghiệp. Cùng với đó là hệ thống giao thông thuận lợi, cảng nước sâu, hạ tầng khu công nghiệp được đầu tư bài bản, cộng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định tự do thương mại, miền Trung đang đón làn sóng vốn FDI khá lớn.
Trong năm 2019, nhiều địa phương miền Trung ghi nhận làn sóng vốn FDI.
Cụ thể, Đà Nẵng đón nhận vốn FDI lớn nhất, với 101 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 416 triệu USD; trong đó có 2 dự án đầu tư được cấp mới trong Khu công nghệ cao và 5 dự án đầu tư được cấp mới trong các khu công nghiệp với tổng vốn hơn 199 triệu USD … Tại Quảng Ngãi, nếu giai đoạn 2011 - 2013, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chỉ có 3 dự án FDI đến từ EU, với vốn đầu tư hơn 63 triệu USD, thì đến nay đã tăng lên 5 dự án, đến từ 4 quốc gia là Bỉ, Đức, Anh và Áo, với tổng vốn đầu tư hơn 278 triệu USD. Trong đó Dự án Nhà máy sản xuất sợi thép và sợi thép bện Bekaert Việt Nam – Dung Quất, của Tập đoàn Bekaert S.A (Bỉ), được cấp phép đầu tư vào KKT Dung Quất cuối năm 2018, có tổng vốn đầu tư 125 triệu USD. Đây là dự án FDI đến từ Châu Âu có vốn đầu tư lớn nhất tại Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện tại. Dự án này sử dụng khoảng 40ha đất tại KCN VSIP Quảng Ngãi, chuyên sản xuất sợi thép bện, sợi tăm thép dùng gia cố trong lốp xe và sợi thép bện cải tiến dùng cho ngành ô tô và các ngành công nghiệp khác…Riêng đối với Quảng Nam, tại Khu kinh tế mở Chu Lai với sự hiện diện chính là Tập đoàn THACO và khu phức hợp Chu Lai Trường Hải có diện tích hơn 325ha tại bao gồm khu công nghiệp phụ tùng ô tô 100ha, là một trường hợp phát triển thành công của doanh nghiệp trong nước trên thị trường này.
Nhiều chuyên gia nhận định, từ các yếu tố đ tạo động lực cho BĐS công nghiệp phát triển trong thời gian tới. Đại diện Savills Việt Nam cho rằng: chính những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã tạo cơ hội cho nguồn vốn đầu tư, từ đó tác động tích cực đến ngành bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ xóa bỏ 99% thuế hải quan, hàng hóa thông thương sẽ gia tăng thu hút vào lĩnh vực BĐS công nghiệp. Các cụm và khu công nghiệp của Việt Nam từ đó đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Thêm một tin vui nữa cho thị trường BĐS Việt Nam. Hiệp định này cho thấy cam kết của chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tại châu Á”.
Một dự án nhà xưởng công nghiệp đang được thi công tại Đà Nẵng (Ảnh: Đỗ Thiết) |
BĐS công nghiệp hút nhà đầu tư
Là thị trường đi sau miền Nam và miền Bắc nhưng BĐS công nghiệp miền Trung thật sự là phân khúc đầy hứu hẹn, khi các con số thống kê ghi nhận sức tăng nóng của giá thuê bất động sản KCN cao nhất lên gần 60 USD/m2, đặc biệt ở hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam.
Nếu các phân khúc khác như đất nền, du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel tại miền Trung đang dần trở nên “chật chội” và khó lường, thì BĐS công nghiệp khu vực này vẫn còn nhiều dư địa phát triển, khi nhu cầu tìm kiếm nhà xưởng của các công ty nước ngoài ngày càng tăng.
Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi được khởi công xây dựng từ năm 2013, dự án có diện tích qui hoạch 1.700ha, trong đó Khu Công nghiệp là 1.143ha và Khu đô thị dịch vụ là 554ha. Từ khi đi vào hoạt động, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được nhiều dự án vào khu công nghiệp (KCN), đặc biệt là dòng vố nFDI, bởi có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội đối với nhà đầu tư. Doanh nghiệp nước ngoài liên tiếp đầu tư tại Vsip Quảng Ngãi, đã cho thấy tầm nhìn xa của VSIP khi tiên phong đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Quảng Ngãi. Được biết, đầu năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi đã trao giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSip Quảng Ngãi) cho bốn nhà đầu tư mới đến từ Bỉ, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư 321 triệu USD, các dự án mới này đã nâng tổng vốn thu hút vào Vsip Quảng Ngãi lên đến 733 triệu USD, đến từ 25 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Tại Đà Nẵng, Công ty CP Phát triển CNTT Đà Nẵng đã khành thành dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) giai đoạn I . Dự án này có tổng diện tích 341 ha với tổng vốn đầu tư lên tới 121 triệu USD (tương đương 2.744 tỉ đồng) chia làm hai giai đoạn. Hiện nay giai đoạn I với tổng diện tích 131ha, tổng vốn 47 triệu USD đã hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư. Danang IT Park được kỳ vọng sẽ là “thung lũng silicon” của Đà Nẵng trong tương lai, hiện thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Tại Quảng Nam, Thaco Trường Hải cũng đã chi số tiền 1.600 tỷ đồng để đầu tư dự án KCN Cơ khí và ô tô có diện tích 115 ha tại huyện Núi Thành. Đơn vị này hướng đến mục tiêu thu hút và phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm giá thành và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô du lịch trên 40%, đáp ứng điều kiện để xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN vào năm 2020, hướng đến hình thành Trung tâm cơ khí đa dụng tập trung có quy mô lớn tại miền Trung Việt Nam…
Nhận định về BĐS công nghiệp, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết đây là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019, khi lợi nhuận thu được từ việc phát triển BĐS công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11 - 12%. Theo ông Nam, BĐS công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt.