PGS.TS Ngô Trí Long: Điều chỉnh sớm giá xăng dầu là hài hoà, hợp lý
Chia sẻ về những biến động của thị trường xăng dầu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho biết, gần đây, không chỉ ở các tỉnh thành phía Nam, mà ở phía Bắc, thậm chí tại Hà Nội, những cây xăng vùng ngoại thành có hiện tượng treo biển nghỉ bán, hết xăng và bán ở mức độ cầm chừng… Vậy tại sao hiện tượng này vẫn tiếp tục diễn ra mặc dù các cơ quan chức năng khẳng định là nguồn cung không thiếu?
Lý do thứ nhất các doanh nghiệp đưa ra là vấn đề chiết khấu không đủ bù đắp chi phí kinh doanh khiến doanh nghiệp lỗ nặng. Với lý do này, theo PGS.TS Ngô Trí Long, mức chiết khấu được quyết định bởi thoả thuận giữa tổng đại lý với các đại lý bán lẻ chứ cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp.
PGS.TS Ngô Trí Long: Điều chỉnh sớm giá xăng dầu là hài hoà, hợp lý |
“Tuy nhiên, nhìn nhận rộng hơn, chúng ta phải thông cảm cho vấn đề này, bởi thời gian nghỉ Tết dài, dẫn đến thời gian điều hành giá cũng kéo dài. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới lại đang tăng. Cho nên việc điều chỉnh giá chậm đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp, càng làm cho mức chiết khấu dành cho các đại lý thấp xuống” - PGS.TS Ngô Trí Long phân tích và cho rằng, công tác quản lý, theo dõi hoạt động, diễn biến của thị trường xăng dầu thời gian qua của tổ điều hành giá xăng dầu cũng như Bộ Công Thương đã rất nhanh nhạy, nhìn ra vấn đề và đã báo cáo Chính phủ điều hành giá sớm trước hai ngày.
“Động thái điều chỉnh sớm giá xăng dầu của liên Bộ Công Thương - Tài chính trong kỳ điều hành ngày 30/1 là linh hoạt, uyển chuyển, hài hoà và hợp lý. Điều này rất đáng ghi nhận” - PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá.
Cũng theo vị chuyên gia này, bên cạnh sự linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu, ở lần điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định chi quỹ bình ổn giá xăng dầu mức tương đối cao. “Theo dự tính, mỗi một lít xăng dầu dịp này phải tăng lên gần 2.000 đồng, nhưng do chi quỹ bình ổn giúp điều tiết cho nên xăng dầu chỉ tăng dưới 1.000 đồng, không gây sốc cho người dân và tránh gây ra những tác động xấu tới nền kinh tế. Đây là vấn đề đáng ghi nhận, quỹ bình ổn một lần nữa phát huy vai trò của mình” - PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Từ những phân tích đó, PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm: “Cơ quan chức năng cũng cần nhìn nhận lại, coi đây là bài học để có những điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, cần phải cấp bách xem xét sửa đổi Nghị định 83 và 95. Tôi được biết, Bộ Công Thương hiện đang xây dựng, lấy ý kiến dự thảo sửa đổi hai Nghị định này theo hướng rút ngắn chu kỳ điều hành từ 10 ngày xuống còn 7 ngày và nghỉ lễ vẫn điều chỉnh bình thường. Theo tôi, điều này là phù hợp".
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong bối cảnh năm qua, 2 nhà máy lọc dầu (nguồn cung trong nước) bảo dưỡng, sửa chữa, nên làm cho nguồn cung cũng bị hạn chế. Đây cũng là một vấn đề cần lưu ý. Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phải có kế hoạch dự trù nguồn cung. Đồng thời, Bộ Công Thương cần kiểm tra sát sao đối với các doanh nghiệp đầu mối, làm sao cung ứng đủ, đảm bảo cho thị trường.
Ngoài ra, một vấn đề hết sức quan trọng là các doanh nghiệp không chỉ trông chờ, ỷ lại tất cả cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa rủi ro về biến động giá. Bộ Công Thương cũng như các cơ quan chức năng đã cung cấp những thông tin dự báo về tình hình biến động giá thì doanh nghiệp phải có đủ năng lực, trình độ, nâng cao nhận thức để hiểu, dự báo giá và có những công cụ dự phòng về giá cho hợp lý.
Hiện nay, trên thế giới các tập đoàn, các công ty xăng dầu lớn họ đều sử dụng công cụ đó là công cụ là bảo hiểm giá xăng dầu. Có nghĩa là các doanh nghiệp dự báo giá xăng dầu và tiến tới ký kết hợp đồng mua trong tương lai.
“Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh, đó là các doanh nghiệp đầu mối lớn cũng phải cùng góp sức với Nhà nước, chia sẻ rủi ro với các đại lý bán lẻ. Lợi nhuận thì chia sẻ, mà rủi ro thì cùng gánh chịu” - PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.