Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Bộ Tài chính cần thay thế các chi phí kinh doanh xăng dầu không còn phù hợp Cách tính chi phí kinh doanh xăng dầu của Bộ Tài chính đã lỗi thời! |
Nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng nhiều cây xăng lại không có hàng để bán đã làm nóng dư luận thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đưa ra là cách tính định mức chi phí kinh doanh xăng dầu đã không còn phù hợp, khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế xoay quanh vấn đề này.
Chiết khấu tính toán đã quá cũ
Chi phí kinh doanh xăng dầu, trong đó bao gồm chiết khấu cho doanh nghiệp đã được áp dụng từ năm 2014, theo quy định của Nghị đinh 83. Tuy nhiên hiện nay theo phản hồi của doanh nghiệp thì cách tính toán này đã cũ, khi các chi phí về tỷ giá, lãi suất đã thay đổi rất nhiều. Đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới cũng tăng lên rất cao thời gian qua? Ông bình luận gì về vấn đề này?
PGS, TS Ngô Trí Long: Cách tính chi phí kinh doanh xăng dầu được xây dựng từ thời ông Vũ Văn Ninh là Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi đó mức chi phí kinh doanh xăng dầu bình quân là 850 đồng/lít, nay mức chi phí đó đã được tăng lên ở mức bình quân là 1.050 đồng/lít.
PGS, TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế |
Các doanh nghiệp hiện đang đề nghị được tăng mức chi phí này, bởi thứ nhất phần chiết khấu của các doanh nghiệp cũng nằm trong chi phí này và hơn nữa các khoản chi của doanh nghiệp như tỷ giá, lãi suất… hiện đã tăng cao nên nhiều khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối chiết khấu bằng 0 khiến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ.
Vấn đề này Bộ Tài chính cần xem xét và khảo sát thực tế, nội dung doanh nghiệp phản ảnh mới chỉ là một phía. Cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài chính cần xem xét các chi phí đã hợp lý chưa, có cần điều chỉnh theo phản ánh của các doanh nghiệp hay không?
Về phần mình, tôi cho rằng, thực chất trong bối cảnh hiện nay các chi phí của doanh nghiệp đã đội lên, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, để đảm bảo hài hoà lợi ích của các doanh nghiệp, và để thị trường kinh doanh xăng dầu ổn định hơn.
Chỉ cần thực hiện đúng nghị định 95 là thị trường không có gì bất ổn
Ông có chia sẻ gì về giải pháp trước mắt về lâu dài trong vấn đề tính giá cơ sở trong cơ cấu giá xăng dầu để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp?
PGS, TS Ngô Trí Long: Nghị định 83 đã quy định rất rõ về việc tính giá cơ sở trong cơ cấu giá xăng dầu. Trước khi ban hành Nghị định 95 các cơ quan liên quan cũng đã xem lại việc tính giá này. Cho nên, bây giờ nếu có xem xét lại thì chúng ta chỉ cần xem xét các yếu tố cơ cấu trong đó có hợp lý hay không? chứ cách tính thì không cần thay đổi.
Tựu trung lại, đâu là các bất cập lớn của thị trường xăng dầu cần phải sớm tháo gỡ để thị trường vận hành ổn định trong thời gian sớm, thưa ông?
PGS, TS Ngô Trí Long: Theo tôi hiện nay không có gì là bất cập lớn cần phải tháo gỡ trong thị trường kinh doanh xăng dầu. Nghị định 95 đã quy định rất rõ, chúng ta chỉ cần thực hiện đúng theo Nghị định là thị trường sẽ không có gì bất ổn.
Vấn đề trong giai đoạn hiện nay theo tôi là phải đảm bảo nguồn cung. Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung trong nước đã đảm bảo thì chúng ta không có gì đáng lo nữa.
Bây giờ ngoài việc cần rà soát lại định mức chi phí kinh doanh xăng dầu theo tôi các cơ quan quản lý nhà nước cố gắng làm sao điều hành chu kỳ giá linh hoạt hơn nữa, có thể từ 3 đến 5 ngày, để giá xăng dầu trong nước không quá chênh lệch với giá thế giới.
Vừa qua xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp găm hàng, ngừng bán là bởi chu kỳ điều hành giá của chúng ta vẫn dài dẫn đến giá trong nước và giá thế giới chênh lệch cao. Nếu chúng ta điều chỉnh thời gian điều hành giá nhanh hơn nữa thì chắc chắn thị trường xăng dầu sẽ vận hành ổn định.
Xin trân trọng cảm ơn ông!