Nền kinh tế Việt Nam đang “chạy nước rút” để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra từ đầu năm, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%. Ngành Công Thương cũng không ngoại lệ, trong những tháng cuối năm 2024, để khắc phục những khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 được giao, ngành Công Thương đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Để nền kinh tế Việt Nam cũng như ngành Công Thương tăng tốc phát triển, đạt được những chỉ tiêu quan trọng, Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về các giải pháp tạo đột phá để nền kinh tế Việt Nam tăng tốc trong những tháng cuối năm |
Thưa ông, 8 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 473 tỷ USD, xuất siêu gần 15,5 tỷ USD. Với những kết quả này, Ngân hàng Thế giới đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 7%. Vậy ông có bình luận gì về những con số nêu trên? Theo ông, những động lực nào để Việt Nam đạt được những con số đó?
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn phục hồi. Ngay từ những tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện đồng bộ các biện pháp để nền kinh tế có thể tăng trưởng và phát triển một cách mạnh mẽ.
Năm 2024 nền kinh tế Việt Nam lấy mục tiêu tăng trưởng GDP làm chính dựa trên cơ sở giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân, giữ mức lạm phát cũng như các cân đối lớn khác ở mức phù hợp và vì thế tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng ở mức tương đối cao.
Ngay từ cuối năm 2023, các chuyên gia chúng tôi đã đưa ra hai phương án dự báo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024.
Một là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao và khả năng hồi phục của thương mại quốc tế chậm thì kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 5,5 - 6,5% và lạm phát nằm trong khoảng 3,2 - 3,5%.
Hai là kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn, giá cả các mặt hàng có thể bình ổn bằng hoặc thấp hơn mức như cuối năm 2023 và các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn các cơ hội của FTA, trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,3 - 7% và lúc đó mức lạm phát có thể nằm ở khoảng 3,5 - 3,8%.
Nhưng thực tế, đến cuối tháng 8/2024, thông qua các số liệu về xuất nhập khẩu, đầu tư cũng như tiêu dùng và hợp đồng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thì nền kinh tế Việt Nam chắc chắn có thể tăng trưởng ở mức 6,3 - 7% như phương án 2.
Tuy nhiên, vẫn còn một kịch bản tăng trưởng tốt hơn cho nền kinh tế Việt Nam khi có những điều kiện thuận lợi về giá cả của các mặt hàng nguyên vật liệu như: Xăng dầu, sắt, thép... Nếu giá cả những mặt hàng này giảm cùng thương mại quốc tế hồi phục một cách mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam có đơn hàng đến hết Quý IV/2024 thì tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức 6,8 - 7,3% và lạm phát nằm trong khoảng từ 3,8 - 4,1%.
Với những số liệu đã thu được trong 8 tháng qua, phương án tăng trưởng này là tương đối khả thi.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, năm 2024 tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức 6,8 - 7,3% và lạm phát nằm trong khoảng từ 3,8 - 4,1% |
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã gửi thông điệp đến các Bộ, ngành, doanh nghiệp đó là không để "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả" cũng như "không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được", ông đánh giá như nào về hoạt động của các Bộ ngành, địa phương doanh nghiệp trong 8 tháng vừa qua? Các cơ quan đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ hay chưa?
Trước hết chúng ta thấy rằng với việc chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ những tháng đầu năm 2024, việc phân bổ vốn đầu tư công, triển khai thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển sản xuất đã được các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện; trong đó chú trọng vào việc tháo gỡ khó khăn cả về thủ tục hồ sơ, thủ tục hành chính cũng như quyết liệt giải quyết các vấn đề còn tồn đọng… những hành động này đã hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong năm 2023, việc tìm kiếm, kết nối đơn hàng của cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kể cả đơn hàng trong nước và quốc tế. Mãi đến khoảng tháng 10/2023, các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp mới quay trở lại và có tốc độ phục hồi tương đối tốt. Sang năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã giải quyết tốt hơn bài toán này, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng hết Quý I, Quý II ngay từ cuối 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Từ đó chúng ta thấy rằng 8 tháng vừa qua, mức tăng trưởng xuất khẩu đã đạt đến mức tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu tăng trưởng khoảng 18%. Những con số này là minh chứng sống động cho sự tăng trưởng, bứt phá của hoạt động xuất nhập khẩu trong nước, là động lực chính để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển.
Đặc biệt 8 tháng qua, xuất siêu của Việt Nam đã đạt gần 15,5 tỷ USD, đây cũng là một trong những tín hiệu đáng mừng giúp đảm bảo các cán cân lớn của nền kinh tế cũng như giúp bình ổn tỷ giá hối đoái.
Chúng ta cũng thấy, những tháng đầu năm áp lực tỷ giá hối đoái rất lớn, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng từ tháng 7, 8 vừa qua tỷ giá hối đoái đã dần dần trở về vị trí mong muốn và đến thời điểm hiện tại mức tỷ giá hối đoái biến động khoảng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đem lại lợi ích lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế và từ đó đảm bảo cho hoạt động kìm giữ lạm phát cũng như thúc đẩy tiêu dùng trong nước tăng trưởng và phát triển một cách mạnh mẽ, tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nền kinh tế Việt Nam đang “chạy nước rút” để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đặt ra từ đầu năm. Vậy theo ông, trong những tháng còn lại, Chính phủ cũng như các Bộ ngành địa phương cần làm gì để đảm bảo được mục tiêu đã đặt ra?
Nền kinh tế Việt Nam đang còn nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực giải ngân đầu tư công, việc giải ngân vẫn tương đối thấp, chưa đạt được như mong muốn và kỳ vọng mà Chính phủ đề ra, đó là phải giải ngân đạt đến 95% vốn đầu tư công trong 2024. Đây là một trong những vấn đề lớn, vì vậy rất cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương trong việc phân bổ vốn đầu tư công một cách hợp lý; điều chuyển vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Và phải nêu cao tinh thần tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các dự án đầu tư và cái người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh các hoạt động đầu tư công, tạo ra động lực phát triển không chỉ trong 2024 mà còn có thể tạo ra động lực để phát triển trong những năm tiếp theo.
Song song với đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính, số hóa các hoạt động của nền kinh tế quốc dân, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận với cơ chế chính sách, với những ưu đãi của Chính phủ, nhà nước.
8 tháng qua, Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, từ chính sách tài khóa như: Giảm 2% thuế VAT, giảm 36 các loại thuế phí, cho chậm giãn hoãn việc nộp thuế... Những chính sách đó đang tạo ra một lượng tài chính rất lớn, làm giảm chi phí cho các doanh nghiệp và góp phần giữ ổn định được lãi suất cho vay với mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua.
Thêm nữa, 8 tháng qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và rõ ràng nếu chúng ta cải cách được thủ tục hành chính, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa thì nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ càng cao.
Đặc biệt, với những doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip điện tử đang hình thành và phát triển mạnh mẽ... hy vọng rằng tới đây, ngành công nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi từ việc phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu với năng suất cao hơn nhiều và có hàm luowmngj chất xám cao hơn từ đó vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành một nước phát triển trong thời gian tới.
Phát triển tốt hơn nữa công tác thị trường nước ngoài để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa |
Với riêng ngành Công Thương, năm 2024 ngành đặt mục tiêu nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trên 6% so với năm 2023. Và 8 tháng qua, trong nhiều khó khăn nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng tích cực. Trong những tháng còn lại của năm 2024, ngành cần có giải pháp gì để đảm bảo mục tiêu đã đặt ra, thưa ông?
Ngành Công Thương liên quan đến rất nhiều các ngành nghề của nền kinh tế, trong đó bao gồm nhiều ngành nghề cực kỳ quan trọng, từ xăng dầu, điện nước cho đến sản xuất và đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu đang là một động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế, do đó, mục tiêu tăng 6% là mục tiêu lớn. Song với mức tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 8 tháng qua ước trên đạt 413 tỷ USD thì mục tiêu tăng 6% của cả năm là gần như chắc chắn đạt được.
Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thúc đẩy hoạt động xuất khẩu đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm, ngành Công Thương phải tiếp tục giải quyết nhiều công việc.
Trước hết, đặt trọng tâm vào việc thực thi, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA; ưu tiên cập nhật, nắm bắt thông tin thị trường nước ngoài; những điều kiện, yêu cầu, những thay đổi của thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu... từ đó kết hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu để có được đơn hàng không chỉ trong Quý I/2025 mà cho cả năm.
Thứ hai, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan quản lý của Bộ Công Thương với hệ thống Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và với các ngành hàng cũng như các doanh nghiệp để có sự liên kết, sâu chuỗi và chia sẻ. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng tầm doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về xanh hóa, số hóa để hướng tới xuất khẩu bền vững.
Thứ ba, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước phải tự đứng trên hai chân của mình. Vừa sản xuất ra những sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế, nhưng vẫn chiếm lĩnh được thị trường nội địa, thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Vâng câu hỏi cuối cùng xin được gửi đến chuyên gia, ông có những dự báo gì về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025?
Trong năm 2024 nhờ những cơ chế chính sách ưu đãi từ Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi mang tính vững chắc. Nhưng từ 2025, những cơ chế này có thể sẽ quay trở lại trạng thái bình thường, vì vậy bản thân các doanh nghiệp phải là người chủ động chuẩn bị trước các điều kiện để có thể đáp ứng được tiêu chí phát triển trong năm 2025.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là về phía Bộ Công Thương cũng phải chuẩn bị cái tinh thần theo hướng tạo thuận lợi về cơ chế, về chính sách để doanh nghiệp có thể chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường cũng như tăng trưởng và phát triển.
Rõ ràng với mức tăng trưởng xuất khẩu ở năm 2024, chúng ta hy vọng, sẽ xuất hiện những con số kỷ lục về tăng trưởng, về xuất nhập khẩu... Những con số này sẽ là bước đà cho hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2025 và với mức tăng trưởng của tiêu dùng trong nước như thời gian qua, chúng tôi cũng hy vọng rằng các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam và Cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam sẽ có cơ hội thăng hoa trong năm 2025.
Xin cảm ơn ông!.