PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: FTA Việt Nam – Israel giúp thắt chặt quan hệ kinh tế
Việt Nam là một trong những quốc gia ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia trên thế giới.
Lễ ký kết FTA Việt Nam – Israel |
Và với với Israel thì FTA này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, đây là quốc gia có trình độ công nghệ rất phát triển bao gồm: Công nghệ sản xuất, chế biến công nghiệp; công nghệ mới; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ nông sản xuất nông nghiệp,… Họ cũng là quốc gia đang cần rất nhiều các sản phẩm làm nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh cũng như lương thực phẩm, thực phẩm.
Trong khi đó Việt Nam là nước sản xuất chính các sản phẩm nông nghiệp. Việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh |
Việt Nam và Israel có nền kinh tế bổ sung cho nhau. Hiệp định VIFTA là một bước đi chiến lược của cả hai quốc gia, hứa hẹn sẽ thúc đẩy thương mại song phương và thắt chặt quan hệ kinh tế, cung cấp cho các doanh nghiệp ở cả hai quốc gia khả năng tiếp cận tốt hơn với thị trường của nhau và hơn thế nữa, tạo ra lợi ích đôi bên cùng có lợi.
Trong đó, về phía Việt Nam, Hiệp định VIFTA hứa hẹn mang lại nhiều chuyển biến cho cả ngành sản xuất cũng như kinh doanh của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc ký kết mới chỉ là bước đầu. Để tận dụng tối đa các cơ hội từ FTA này mang lại thì còn rất nhiều việc phải làm.
Trong đó, về phía cơ quan chức năng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiệp định VIFTA một cách sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội, tổ chức sản xuất kinh doanh, các hiệp hội để từ đó, các hiệp hội, ngành nghề, địa phương có thể xem xét về những lợi thế, khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan,… từ FTA mang lại.
Bên cạnh đó, về phía các doanh nghiệp cần đi sâu tìm hiểu và xem xét khả năng hợp tác và tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh là những gì để từ đó có những lộ trình cho từng doanh nghiệp, ngành nghề, mặt hàng. Trên cơ sở đó, phát huy được ưu điểm, tận dụng được các mặt mạnh và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của chúng ta trong thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn.
Thực tế, việc tận dụng các ưu đãi từ các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất ít, chỉ đâu đó khoảng 30%. Đây là sự lãng phí. Do đó, Bộ Công Thương cùng với các Thương vụ, các Đại sứ quán cần phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp,… đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tận dụng tối đa các lợi thế có được từ các FTA nói chung và Hiệp định VIFTA nói riêng.