Nước đầu tiên trong khối G7 cho ngừng hoạt động 1 nhà máy điện than
Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar, nổi bật với những tháp làm mát khổng lồ vươn cao trên bầu trời, đã là biểu tượng quen thuộc của vùng East Midlands của Anh suốt gần 60 năm qua. Tuy nhiên, nhà máy này sẽ chính thức ngừng hoạt động vào cuối tháng 9, đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên nhiệt điện than tại Anh và lần đầu tiên một quốc gia thuộc nhóm G7 ngừng sử dụng loại năng lượng này.
Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar, nổi bật với những tháp làm mát khổng lồ vươn cao trên bầu trời, đã là biểu tượng quen thuộc của vùng East Midlands của Anh - Ảnh: BBC |
David Reynolds, 74 tuổi, người đã chứng kiến quá trình xây dựng nhà máy trước khi nó đi vào hoạt động năm 1967, chia sẻ: "Tôi có cảm giác rất lạ, vì nhà máy đã tồn tại ở đó mấy chục năm nay. Khi tôi còn bé, mọi người có thể vào một số khu vực và thấy toàn là bãi chứa than".
Than đá từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử kinh tế Anh, thúc đẩy Cách mạng Công nghiệp thế kỷ 18 và 19, đưa nước Anh trở thành siêu cường, nhưng cũng khiến London mang danh "thành phố sương mù". Đến thập niên 1980, nhiệt điện than vẫn chiếm 70% sản lượng điện của Anh, trước khi giảm mạnh vào những năm 1990. Trong 10 năm qua, tỷ lệ này đã giảm từ 38% năm 2013 xuống còn 1% năm 2023.
Năm 2015, chính phủ Anh thông báo kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy nhiệt điện than trước năm 2025 để giảm khí thải carbon. Jess Ralston, giám đốc viện nghiên cứu ECIU về năng lượng và môi trường, nhận định rằng chính phủ Anh "rất tham vọng" khi đặt mục tiêu sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch vào năm 2030. "Điều này phát đi thông điệp rằng Anh đang rất coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu và đây chỉ là bước đầu tiên" bà nói.
Theo nhà vận hành điện lực quốc gia Anh ESO, năm 2023, khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 33% sản lượng điện, năng lượng gió chiếm 25% và năng lượng hạt nhân là 13%. Bà Ralston cho rằng Anh có thể nhanh chóng loại bỏ điện than nhờ kết hợp các biện pháp kinh tế và quản lý, khiến các nhà máy nhiệt điện than mất sức hấp dẫn về kinh tế với các nhà đầu tư.
Chính phủ do Công đảng lãnh đạo đã đưa ra kế hoạch phát triển năng lượng xanh sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 7. Theo đó, Anh sẽ thành lập cơ quan quốc doanh mới, chịu trách nhiệm đầu tư vào điện gió ngoài khơi, điện thủy triều và điện hạt nhân, với mục tiêu đưa Anh trở thành siêu cường về năng lượng sạch.
Việc đóng cửa nhà máy Ratcliffe-on-Soar vào ngày 30/9 là bước đi mang tính biểu tượng cho tham vọng loại bỏ carbon khỏi ngành điện của Anh vào năm 2030, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Quyết định này cũng khiến Anh trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 xóa bỏ điện than, trong khi Italy, Pháp, Canada và Đức đã lên kế hoạch xóa điện than trong giai đoạn 2025-2038.
Nhà máy Ratcliffe-on-Soar, vốn có khả năng cung cấp điện cho gần hai triệu hộ gia đình, những năm gần đây chỉ vận hành khi nhu cầu điện tăng đột biến như trong đợt lạnh giá năm 2022 hoặc nắng nóng năm 2023. Mùa hè vừa qua, nhà máy nhận 1.650 tấn than, đủ sản xuất điện cho 500.000 hộ gia đình sử dụng trong 8 giờ.
Becky, 25 tuổi, phục vụ trong quán bar Red Lion gần nhà máy, chia sẻ: "Quyết định này giống như kết thúc một kỷ nguyên". Cha cô làm việc trong nhà máy và sẽ thất nghiệp. Ngày 30/9 nhiều khả năng sẽ trở thành cột mốc khơi dậy nhiều cảm xúc cho ông và 350 nhân viên làm việc ở Ratcliffe-on-Soar. "Họ đã làm ở đó cả đời" cô nói.
Nhà máy nhiệt điện than đầu tiên trên thế giới do Thomas Edison xây dựng ở trung tâm London năm 1882 đã hoàn toàn biến mất. Số phận tương tự cũng được định sẵn cho Ratcliffe-on-Soar. Uniper, công ty Đức sở hữu nhà máy, cho biết sẽ tháo dỡ hoàn toàn cơ sở này trước năm 2030 và thay vào đó là "trung tâm năng lượng công nghệ phi carbon".