Vừa qua, vụ việc mấy nam sinh Đại học Văn Lang đứng xem Lễ diễu binh, diễu hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có những lời lẽ thiếu chuẩn mực, vô lễ với các cựu chiến binh gây bức xúc trong dư luận.
Khi chứng kiến sự việc, một nhóm sinh viên khác có mặt tại đó đã mời hai cựu chiến binh cao tuổi vào hàng ghế xem lễ. Việc làm đó của nhóm bạn Dương Hoàng Dung (sinh năm 2006, sinh viên năm nhất ngành Xã hội học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ CHí Minh) đã lan tỏa sâu rộng như một hồi chuông tỉnh thức về lòng biết ơn, về đạo lý uống nước nhớ nguồn, về cách hành xử đầy nhân văn của người trẻ trong một xã hội hiện đại.
![]() |
Dương Hoàng Dung chụp ảnh lưu niệm cùng một bác cựu chiến binh khi cùng ngồi chờ xem diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh:Dân Trí). |
"Em không diễn tả nổi giây phút nghe cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thốt lên hai chữ "tủi thân". Bác nói: "May mà có các cháu thông cảm cho, 50 năm quay lại đây tưởng được chào đón, ai ngờ lại bị đuổi. Tủi thân lắm!". Nghe những lời ấy, tim mình như thắt lại, một nỗi đau nhói buốt", Hoàng Dung nghẹn ngào.
“Lúc quay sang thấy hai bạn nam lớn tiếng với các bác, em đã thấy rưng rưng nước mắt rồi. May mắn là bọn em đã kịp mời được hai bác vào ngồi chung. Nếu hôm ấy không kịp mời các bác, chắc chắn em sẽ hối hận vô cùng”, Hoàng Dung nói thêm.
Lời nói tưởng như nhẹ nhàng ấy lại mang một sức nặng rất lớn, sức nặng của sự thấu hiểu, sự xúc động trước hiện thực đôi khi khắc nghiệt, rằng có những người đã cống hiến cả tuổi xuân giữa bom đạn chiến tranh, nay tuổi cao sức yếu lại có thể bị đối xử một cách hững hờ, thiếu kính trọng ngay giữa không gian lễ lạt thiêng liêng.
Trong không khí trang nghiêm của lễ kỷ niệm, giữa bao tiếng vỗ tay, tiếng nhạc rộn ràng và ánh mắt hướng về những đoàn quân đi qua, Hoàng Dung và nhóm bạn đã có một hành động nhỏ, giản dị nhưng đầy ý nghĩa, họ dành chỗ ngồi cho hai bác cựu chiến binh. Không cần hình thức cầu kỳ, không phải việc to tát, nhưng chính sự trân trọng từ đáy lòng đó lại khiến trái tim những người chứng kiến thổn thức.
Trong thời đại mà nhiều giá trị truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một vì nhịp sống vội vã và thực dụng, những nghĩa cử như vậy là liều thuốc tinh thần quý giá, đặc biệt khi đến từ thế hệ trẻ. Nó chứng tỏ rằng giữa muôn vàn thông tin, giữa bao bận rộn của đời sống hiện đại, vẫn có những bạn trẻ giữ được “gốc rễ” của đạo lý dân tộc.
“Em biết rằng 10, 20 năm sau, chúng ta khó có thể nhìn thấy những người lính bằng xương bằng thịt bước ra từ mưa bom bão đạn ấy, khó có thể nghe được những câu chuyện thật đời thường từ chính họ kể thêm lần nào nữa”, nữ sinh xúc động.
Câu nói khiến người nghe không khỏi rơi nước mắt. Một sự thật rõ ràng nhưng đôi khi chúng ta lại quên mất: những cựu binh, một nhân chứng sống của lịch sử đang dần đi xa. Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi lời trò chuyện với họ là một lần kết nối trực tiếp với quá khứ oanh liệt. Đó không chỉ là lòng biết ơn mà còn là ý thức giữ gìn ký ức dân tộc.
Hoàng Dung không chỉ dừng lại ở việc làm, em có một tầm nhìn sâu sắc về lịch sử, về con người, về cách sống. Sinh ra sau chiến tranh nhiều năm, em và thế hệ của mình không được chứng kiến trực tiếp cảnh mưa bom bão đạn. Nhưng chính sự nhạy cảm, lòng biết ơn và tinh thần nhân văn được nuôi dưỡng đã giúp em hiểu được giá trị to lớn của sự hy sinh.
“Nếu yêu nước, phải nhớ đấy là yêu luôn cả những người đã làm nên đất nước. Yêu cả những người đã khuất và trân trọng những người còn đang ở đây.”
Lời “gan ruột” ấy của Hoàng Dung như một thông điệp thấm đẫm tình người gửi đến tất cả chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, đang hưởng thành quả mà thế hệ cha ông để lại. Không thể nói yêu nước chỉ bằng những câu khẩu hiệu hay vài hành động bề nổi. Yêu nước bắt đầu từ việc ta nhìn nhận và trân trọng từng con người đã làm nên Tổ quốc hôm nay, dù là liệt sĩ đã nằm lại trong lòng đất, hay những cựu binh đang bước đi lặng lẽ giữa đời thường.
Câu chuyện của Hoàng Dung không chỉ là câu chuyện cá nhân. Nó phản ánh một trách nhiệm lớn hơn, đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị cốt lõi của dân tộc. Nếu như những năm tháng kháng chiến, thế hệ đi trước gắn lòng yêu nước với việc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thì hôm nay, yêu nước có thể thể hiện bằng cách sống nhân văn, có trách nhiệm, hiểu lịch sử, và hành xử có văn hóa.
Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể lựa chọn cách ứng xử với quá khứ. Lịch sử không chỉ nằm trong sách giáo khoa hay trong viện bảo tàng, mà nó sống động, hiện diện qua từng con người, từng câu chuyện, từng ánh mắt của những cựu binh già tóc bạc vẫn đau đáu về đồng đội nằm lại Trường Sơn.
Hành động của Hoàng Dung cùng nhóm bạn là một minh chứng rằng lớp trẻ hôm nay không thờ ơ, vô cảm như nhiều người vẫn lo ngại. Trái lại, chính họ nếu được khơi gợi và đồng hành đúng cách sẽ là những người gìn giữ đẹp nhất ngọn lửa truyền thống dân tộc.
Khoảnh khắc Hoàng Dung nghẹn ngào khi thấy hai bác cựu chiến binh bị đối xử bất kính và hành động mời các bác vào ngồi sẽ lặng lẽ đi vào ký ức của ngày lễ trọng đại năm ấy như một điểm sáng lặng thầm nhưng sâu sắc. Nó nhắc nhở chúng ta rằng: Không cần phải làm điều gì lớn lao mới là yêu nước. Đôi khi, chỉ cần giữ được lòng biết ơn, cư xử có đạo lý, và sống nhân hậu với nhau thế là đủ.
Đất nước không chỉ được dựng xây bằng máu xương, mà còn bằng sự tiếp nối của lòng trân trọng và những hành vi đẹp từ thế hệ hôm nay. Như Hoàng Dung đã nói: "Nếu yêu nước, hãy yêu luôn cả những người đã làm nên đất nước." Và lời nhắc ấy, sẽ còn vang vọng mãi.