Nỗ lực giảm tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19
Các công trình điện đóng vai trò quan trọng trong quốc kế dân sinh, trong đó tại khu vực miền Bắc, lưới điện 110kV vẫn được xem là xương sống của hệ thống điện và mạch máu của nền kinh tế. Công trình điện đi vào vận hành đúng tiến độ góp phần nâng cao năng lực truyền tải cho hệ thống đường dây, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân các địa phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tấn công trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới làm hơn 2 triệu người nhiễm bệnh và hàng trăm nghìn người tử vong, đồng thời khiến các nền kinh tế lâm vào tình cảnh lao đao, thì hoạt động đầu tư xây dựng của EVNNPC cũng khó tránh khỏi những tác động tiêu cực.
Ông Vũ Anh Tài – Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện (BA1) cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ Tết Nguyên đán đến nay đã ảnh hưởng rất lớn tới khả năng thực hiện các chỉ tiêu mà Ban đăng ký với Tổng công ty, đặc biệt là các chỉ tiêu về khởi công, đóng điện những dự án thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn luôn là “nút thắt” từ trước tới nay và nó càng khó khăn hơn trong bối cảnh dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nhiều địa phương bị cách ly. Ban BA1 chưa thể triển khai các cuộc họp với chính quyền và người dân địa phương; công tác vận động, tuyên truyền bị hạn chế, công tác GPMB bị ngưng trệ. Đơn cử như như Dự án ĐZ và TBA 110kV Khai Quang do BA1 thực hiện tại Vĩnh Phúc, trong đó có tuyến ĐZ 110kV đi qua xã Quất Lưu huyện Bình Xuyên – là xã có ca bệnh dương tính với Covid-19 – vì vậy cán bộ giám sát của ban quản lý và nhà thầu không thể ra vào xã để triển khai công việc. Hay dự án ĐZ 110kV Bá Thiện - Khai Quang cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác thỏa thuận hướng tuyến do các cơ quan của tỉnh hạn chế tiếp xúc, hủy họp với các đơn vị liên quan về thỏa thuận hướng tuyến, gây chậm trễ trong công tác chuẩn bị đầu tư; Trong khi đó dự án ĐZ và TBA 110kV Lục Ngạn 2, theo kế hoạch, cán bộ BA2 trong ngày 3/4/2020 có buổi làm việc với chính quyền huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) về công tác phối hợp giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cuộc họp này đã được dời đến sau ngày 15/4 do phải thực hiện “cách ly toàn xã hội”.
Bên cạnh đó, một số dự án có vật tư thiết bị (VTTB) nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, cũng bị ảnh hưởng nặng nề sau khi các nước thực hiện chính sách đóng cửa biên giới, cấm nhập cảnh; nhà máy sản xuất VTTB ở Trung Quốc ngừng hoạt động, hoặc không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để hướng dẫn lắp đặt...trong khi đó yêu cầu về tiến độ không thể chậm chễ.
Tương tự, tình hình của Ban QLDA xây dựng điện miền Bắc (BA2) không khả quan hơn khi hàng loạt dự án phải hoạt động cầm chừng, thậm chí rơi vào tình trạng... đóng băng như Dự án nâng cao năng lực truyền tải đường dây 110kV Vĩnh Yên - Phúc Yên. Phần lớn dự án này nằm trên địa bàn huyện Bình Xuyên nên trong thời gian từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 vừa qua, công tác GPMB gần như dậm chân tại chỗ vì chính quyền huyện và người dân tập trung cho công tác chống dịch.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đoàn Văn Sâm – Phó Giám đốc BA2 cho biết, một số dự án do BA2 thực hiện vẫn đang chờ VTTB từ Trung Quốc. Đơn cử như dự án Nâng công suất MBA T2 TBA 110kV Cát Bi, VTTB được sản xuất tại nhà máy EATON của Trung Quốc, nhưng nhà máy này đã tạm dừng hoạt động hết tháng 02/2020; Hoặc dự án Lắp MBA T2 TBA 110kV Đồng Đăng, nhà thầu ABB sản xuất MBA không thể nhập vật tư vật liệu từ Trung Quốc do cơ sở ở Trung Quốc đóng cửa, giao thông bị phong tỏa; Hay như đối với Dự án Nâng cao khả năng truyền tải ĐZ 110kV từ TBA 220kV Bắc Ninh – Nhiệt điện Phả Lại, phía Trung Quốc đã sản xuất xong toàn bộ dây siêu nhiệt và phụ kiện nhưng chưa thuê được đơn vị vận tải, do các công ty vận tải lo ngại khi làm thủ tục thông quan tại một số cảng phải neo đậu từ xa, đồng thời tiến hành các thủ tục khử trùng, kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh theo đúng quy trình… sẽ gây tốn kém và mất thời gian chờ đợi.
Bên cạnh khó khăn về GPMB, VTTB thì việc huy động nguồn lực, nhân lực từ các nhà thầu cũng gặp nhiều khó khăn do người lao động từ chối làm việc tại những địa bàn có dịch bệnh; phương tiện công cộng bị hạn chế. Cũng theo lãnh đạo của BA1 và BA2, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, một số nhà thầu trong đó có các đơn vị tư vấn, xây lắp đã gửi thông báo đến các ban quản lý dự án về việc cho người lao động nghỉ đến khi dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại một số địa phương yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công trên địa bàn, giải tán đám đông như với dự án ĐZ và TBA 110kV Bảo Lâm – Cao Bằng do BA2 thực hiện…
EVNNPC nỗ lực giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 |
Giảm thiểu tác động từ dịch Covid-19
Trước những lo ngại về dịch Covid -19 ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công trình, đặc biệt là những công trình trọng điểm, chống quá tải cho mùa khô, là người trực tiếp phụ trách công tác đầu tư xây dựng của Tổng công ty, ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, lãnh đạo EVNNPC đã thường xuyên nhắc nhở cán bộ công nhân viên nâng cao tinh thần phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và đồng nghiệp bằng các biện pháp đã được Bộ Y tế khuyến cáo, đồng thời chủ động lên kịch bản ứng phó với giả định một vài người hoặc cả đơn vị phải cách ly song vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ dịch bệnh, trong đó có các công trình xây dựng.
Cụ thể, Tổng công ty yêu cầu các đơn vị/cá nhân nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo của Tổng công ty về công tác phòng chống dịch bệnh, quyết tâm phấn đấu, khắc phục các khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra, bám sát kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2020 để có các sáng kiến và giải pháp thích hợp nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao. Đồng thời, yêu cầu thực hiện các biện pháp khử trùng tại công trường thi công, kho bãi, nhà điều hành dự án, lán trại công nhân..., đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe người lao động; Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ vật tư thiết bị, vật liệu đầu vào... để ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch bệnh
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các cơ sở lưu trú, cửa hàng dịch vụ tại các địa phương đóng cửa, ảnh hưởng lớn tới điều kiện sinh hoạt và công tác của cán bộ kỹ thuật, công nhân trên công trường, Tổng công ty đã đề nghị các Công ty Điện lực tận dụng cơ sở vật chất sẵn có tại nhà nghỉ ca các TBA 110kV, các điện lực hỗ trợ cán bộ của các Ban Quản lý dự án, đơn vị Tư vấn giám sát... về điều kiện sinh hoạt, ăn, nghỉ nhằm giảm bớt khó khăn và hạn chế lây lan dịch bệnh. Đối với các dự án trọng điểm, các đơn vị đôn đốc nhà thầu tập trung ưu tiên nguồn nhân lực, vật tư thiết bị đảm bảo hoàn thành đóng điện các dự án đúng tiến độ.
Cũng theo yêu cầu của Tổng công ty, các đơn vị cần tăng cường công tác quản lý, giám sát thi công, nghiệm thu tại công trường; Cán bộ giám sát thi công phải cập nhật đầy đủ, kịp thời nhật ký thi công và các dữ liệu hình ảnh thi công lên phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng; Thực hiện chế độ báo cáo tiến độ thi công công trình hàng tuần, hàng tháng đúng quy định; Ứng dụng công nghệ, sử dụng các phần mềm thông dụng (Zoom, Zalo...) để họp giao ban trực tuyến công trường và trao đổi thông tin công việc giữa các bộ phận tham gia dự án nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh...
Bên cạnh những chỉ đạo của Tổng công ty, các đơn vị cũng chủ động có kế hoạch hành động của riêng mình với các giải pháp linh hoạt, sáng tạo.
Ông Tao Văn Pắn – Phó Giám đốc PC Điện Biên – đơn vị hiện đang quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Pay cho biết, tình hình dịch bệnh đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ của nhà máy đang vào thời kỳ thi công nước rút, lắp đặt, thử nghiệm hiệu chỉnh các tổ máy. Ngay từ tháng 2/2020, sau Tết Nguyên đán, EVNNPC đã gửi thư thăm hỏi và chia sẻ với nhà thầu cấp hàng bên Trung Quốc, đồng thời đề xuất phía Trung Quốc ủy quyền cho nhà thầu phụ tại Việt Nam thực hiện công việc còn dở dang… Các bên đã thiết lập kênh liên lạc trực tiếp tại công trường để trao đổi chia sẻ thông tin trong quá trình hiệu chỉnh, thí nghiệm… thông qua hội nghị truyền hình, làm việc trực tuyến.
Theo ông Vũ Anh Tài, do phương tiện công cộng còn hạn chế, Ban đã cố gắng bố trí phương tiện cho cán bộ giám sát, đặc biệt tại những dự án trọng điểm, để thực hiện công việc; Trang bị bổ sung cho cán bộ giám sát vật tư y tế cần thiết để phòng chống dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay và sắp tới là cấp quần áo bảo hộ chống Covid-19 cho cán bộ công trường theo chủ trương của Tổng công ty. Đối với CBCNV làm công việc trực tiếp tại cơ quan có thể làm việc online nhưng trên nguyên tắc đảm bảo kỷ luật lao động, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, không làm gián đoạn ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh còn có thể kéo dài, Ban BA1 đã tăng cường các biện pháp quản lý nhằm tránh rủi ro trong quản lý dòng tiền và VTTB. Đơn vị đã tiến hành tổng rà soát toàn bộ công tác bảo lãnh thực hiện hợp đồng, tạm ứng hợp đồng, đảm bảo đúng quy định của nhà nước và của Tổng công ty. Tuyệt đối không ứng thanh toán tiền trước cho nhà thầu khi chưa có khối lượng, đảm bảo công tác nghiệm thu đúng quy định, đủ điều kiện thì mới tiến hành thanh toán. Đối với công tác quản lý VTTB, đơn vị chỉ thanh toán cho nhà thầu sau khi ký hợp đồng, tổ chức nghiệm thu, xác định rõ VTTB đã thuộc quyền sở hữu và nằm trong kho của Ban.
Theo nhận định của nhiều lãnh đạo đơn vị, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn vất vả, tuy nhiên đây cũng là phép thử để tìm ra những ý tưởng hay và cách làm hiệu quả. Các đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng phương án tăng tốc sau khi dịch bệnh đươc kiểm soát. Tin rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tổng công ty cùng với sự nỗ lực quyết tâm của toàn thể cán bộ công nhân viên, EVNNPC sẽ vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu mà Tập đoàn giao trong năm 2020.