Ninh Thuận: “Đánh thức” tiềm năng kinh tế biển
Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển, làm giàu từ biển. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của kinh tế biển, tỉnh uỷ, UBND và các ngành, địa phương trên địa bàn đã tập trung chỉ đạo, đưa kinh tế biển địa phương phát triển đúng với định hướng đặt ra.
Tiềm năng lớn từ kinh tế biển
Trên cơ sở Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 31/8/2018 của Chính phủ "Về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023”, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Thuận thời gian qua đã tập trung chỉ đạo, đưa ra chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo của cả nước. Thông qua chủ trương này, tỉnh đã chủ động xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035; quy hoạch phát triển điện mặt trời giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, qua đó tạo làn sóng đầu tư mới tại địa phương vào lĩnh vực này.
Theo đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh có trên 38 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất khoảng 2.585,6 MW, vận hành thương mại phát điện trên 5,6 tỷ kWh, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế biển.
Chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên gắn với du lịch biển |
Trước đó, năm 2020, Ninh Thuận đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 220/500kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn”, giải phóng công suất cho các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh; đồng thời phê duyệt bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 1 (1.500MW) và đang xúc tiến các thủ tục để triển khai.
Đơn cử, cảng biển tổng hợp Cà Ná có quy mô gồm 17 bến tàu, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng. Dự án được xem là điểm nhấn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận. Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná rộng khoảng 108ha tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dự án có quy mô 17 bến tàu, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng gồm các hạng mục quy hoạch như bến, bè, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cây xanh...
Cảng biển tổng hợp Cà Ná được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tạo ra những bước phát triển mạnh cho địa phương |
Đây là bến cảng nước sâu có địa thế rất thuận lợi, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam bộ, TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn 1 dự án do Công ty CP Đầu tư – Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư có tổng diện tích quy hoạch 85,52ha bao gồm 2 bến cảng tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng container, hàng rời trọng tải đến 100.000 DWT.
Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tạo ra những bước phát triển mạnh cho địa phương và kéo theo sự phát triển của rất nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghiệp, kinh tế biển, đô thị biển, công nghiệp mới, năng lượng, logistics và dịch vụ cảng biển… Khi hoàn thành Cảng tổng hợp Cà Ná kỳ vọng góp phần tạo dựng một khu đô thị hậu cần - công nghiệp - khoáng sản - năng lượng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tối ưu hóa tiềm năng, lợi thế để tỉnh Ninh Thuận bứt phá vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới.
Cú huých cho du lịch và dịch vụ biển
Trong phát triển du lịch và dịch vụ biển, Ninh Thuận chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên gắn với du lịch biển. Nhờ đó hiện du lịch biển tại địa phương đang có những bước phát triển rõ nét, đặc biệt lượng du khách đến Ninh Thuận hằng năm trung bình đạt khoảng 1,7 triệu đến 2,1 triệu lượt người.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch đã từng bước được Ninh Thuận đầu tư, hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng; các khu vui chơi giải trí được quan tâm, đầu tư phát triển, phong phú.
Hải đăng Mũi Dinh |
Công tác quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm, các điểm đến được lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tỉnh hiện đang xây dựng quy hoạch khu du lịch quốc gia Ninh Chữ nhằm khai thác và phát huy các giá trị, tiềm năng cho phát triển du lịch; ban hành cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao trên địa bàn gắn với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu quy hoạch du lịch.
Đến nay, Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 75 dự án du lịch với tổng số vốn là hơn 60.000 tỷ đồng, nhiều dự án hoàn thành đi vào hoạt, trong đó không ít dự án du lịch chất lượng hoạt động hiệu quả, như: khu du lịch Sài Gòn - Ninh Chữ; khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa (Amanoi), TTC Resort - Ninh Thuận... Đặc biệt, khu nghỉ dưỡng Amanoi - Ninh Thuận trở thành điểm nhấn độc đáo, đẳng cấp cao, được Tạp chí Condé Nast Traveler của Mỹ bình chọn là 1/33 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẹp nhất thế giới năm 2014.
Cùng với đó, một số dự án du lịch biển quy mô lớn đang được Ninh Thuận tập trung đẩy nhanh tiến độ như: dự án tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí thể thao biển Ecopark, khu du lịch Bình Tiên, Sunbay Park Hotel & Resort... Các dự án này góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận trong những năm tới.
Điểm du lịch Hang Rái |
Từ những nỗ lực của địa phương, ngành du lịch của Ninh Thuận phục hồi tích cực, số lượng khách du lịch đến tỉnh cao nhất từ trước đến nay với 2,4 triệu lượt khách, vượt 26,3% kế hoạch.
Xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh Ninh Thuận những năm qua đã tập trung chỉ đạo, thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp khai thác, chế biến muối và hóa chất từ muối, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản; phát triển các sản phẩm làng nghề chế biến cá hấp, nước mắm...
Chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp ven biển được Ninh Thuận quan tâm triển khai, tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, nhất là phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xúc tiến thủ tục đầu tư khu công nghiệp Cà Ná, cảng tổng hợp Cà Ná gắn với các dự án trọng điểm của tỉnh, như: nhà máy điện khí LNG; cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics; nhà máy chế biến hóa chất từ muối; tổng kho xăng dầu; công nghiệp hỗ trợ năng lượng tái tạo...
Để đảm bảo phát triển các khu đô thị, cụm công nghiệp ven biển theo đúng định hướng, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị được tỉnh Ninh Thuận tăng cường, kịp thời rà soát, điều chỉnh phù hợp. Hiện nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án khu đô thị, khu dân cư với diện tích 168,4 ha/13.675 tỷ đồng; chấp thuận nhà đầu tư cho 4 dự án, các nhà đầu tư đang thực hiện các bước triển khai dự án; còn lại 3 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị ven biển cũng được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng cấp, thoát nước các khu dân cư ven biển; hạ tầng khu đô thị thành phố Phan Rang - Tháp Chàm từng bước được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại hoá.
Chủ trương phát triển kinh tế hàng hải gắn với cảng biển nước sâu Cà Ná luôn được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Thuận quan tâm chỉ đạo triển khai đầu tư. Trong đó, hiện Ninh Thuận đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án cảng tổng hợp Cà Ná - dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế biển, khai thác hiệu quả cảng biển nước sâu, phục vụ lưu thông hàng hóa qua cảng, thúc đẩy thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, cảng biển Cà Ná đã hoàn thành 1 bến tiếp nhận tàu 100.000 tấn, đưa vào khai thác từ quý III/2022; đồng thời, hiện Ninh Thuận cũng triển khai các thủ tục để đầu tư tuyến đường giao thông kết nối từ cao tốc Bắc - Nam với quốc lộ 1 và cảng biển Cà Ná, tạo kết nối thông suốt, góp phần khai thác có hiệu quả cảng tổng hợp và khu công nghiệp Cà Ná, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai lập đề án phát triển trung tâm cảng cạn và dịch vụ logistics phục vụ hàng hóa qua cảng biển Cà Ná.