Mặt trận kinh tế - tờ báo tiền thân của Báo Công Thương ra đời giữa chiến khu Việt Bắc 74 năm trước |
Cuộc đời của cố Giáo sư Đoàn Trọng Truyến trải qua nhiều lĩnh vực nhưng hai lĩnh vực, chủ yếu là giáo dục và tham gia công tác Chính phủ với nhiều trọng trách của một chính khách, sau là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Nhưng thật kỳ lạ, giữa dòng chảy những năm tháng cuộc đời ông lại có một quãng thời gian trên cương vị Tổng Biên tập (mà khi ấy gọi là Chủ nhiệm) của Tập san Công Thương - tiền thân của Báo Công Thương ngày nay.
Tờ tập san và vị "thuyền trưởng" đầu tiên
Lật giở những trang sử của Bộ Công Thương, vào tháng 5/1951, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký sắc lệnh lập Bộ Công Thương mà trước đó trong hình hài của Bộ Kinh tế.
Bên cạnh mặt trận kháng chiến kiến quốc, mặt trận tuyên truyền lúc bấy giờ cũng quan trọng không kém. Chỉ nửa năm sau, Tập san Công Thương - cơ quan của Bộ Kinh tế chính thức ra mắt trong vai trò cơ quan ngôn luận của Bộ Kinh tế và xuất bản ngay tại chiến khu Việt Bắc.
![]() |
Không gian làm việc của Giáo sư Đoàn Trọng Truyến |
Ông Đoàn Trọng Truyến lúc bấy giờ là một chàng trai độ tuổi "đang xoan" (ông sinh năm 1922) nhưng đã là Đại biểu Quốc hội (khóa I), Đổng lý sự vụ (như Chánh văn phòng bây giờ) của Bộ Kinh tế - được chính thức giao Chủ nhiệm Tập san.
Người phụ trách "tay hòm chìa khóa" của một Bộ trong Chính phủ, nay lại được Chính phủ giao thêm "chân" chịu mọi sự hoạt động của một tập san. Chỉ riêng việc ấy thôi cũng đủ cho thấy Chính phủ đánh giá tầm quan trọng của công tác báo chí tuyên truyền nói chung ở thời điểm kháng chiến chống Pháp đang dần đi vào những năm tháng quyết định và sự ra đời của một cơ quan báo chí như Tập san Công Thương nói riêng.
Nhưng Tập san Công Thương cũng không phải xa lạ gì trong làng báo kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trước khi trở thành cơ quan báo chí của một Bộ, Tập san Công Thương có một "người anh" cũng ra đời và lớn lên ngay giữa lòng chiến khu Việt Bắc.
Đó là tờ tin Mặt trận Kinh tế mà rất may mắn là Thư viện Quốc gia còn lưu giữ được những ấn bản đầu tiên được in từ năm 1948. Trong điều kiện vừa chạy vừa xuất bản lúc bấy giờ, không xúc động làm sao được khi nhìn lại những ấn bản của tờ tin có một cái tên thật hay, mà cũng là khởi nguồn của Báo Công Thương với chất liệu giấy không thể xấu hơn, nhưng được in rõ nét mà nội dung thì lại hết sức phong phú.
Trong tờ tin Mặt trận Kinh tế số 8 phát hành tháng 3/1950, tác giả Đoàn Trọng Truyến khi ấy mới 28 tuổi nhưng đã đóng góp hai bài báo với đề tài vào hàng "búa bổ": Hợp tác xã dưới chế độ nhân dân và Con đường hợp tác xã.
Hình như có một chút run rủi tâm linh nào đó. Khi chúng tôi đưa trang bìa của tờ tin nói trên cho nhà giáo, PGS.TS Đoàn Thị Thu Hà - con gái Giáo sư Đoàn Trọng Truyến, chị đã chỉ ngay cho chúng tôi vào hai bài báo của cha mình, được giới thiệu ngay nơi bìa.
Gắn bó với một tờ tin kinh tế để rồi trở thành người chủ nhiệm một tập san kế thừa không lâu sau đó, phải chăng là cái duyên với báo chí cách mạng của ông. Cũng cần nói thêm là trong Ban biên tập của Tập san Công Thương mà Giáo sư Đoàn Trọng Truyến đóng vai trò Tổng biên tập, có nhiều người rất nổi tiếng ngay từ lúc đó và cả sau này như Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Anh hùng Lao động, nhà khoa học lỗi lạc. Hay như ông Hoàng Đức Thịnh - sau này là Bộ trưởng Bộ Nội thương, là người giữ chức vụ này lâu nhất từ năm 1966 đến 1976.
Kháng chiến chống Pháp trường kỳ 9 năm thắng lợi, ông Truyến cùng gia đình trở về thủ đô Hà Nội. Những năm dài sau đó, ông lần lượt đảm nhận các chức vụ quan trọng của một chính khách như Đại biểu Quốc hội (đến khóa VII), Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước và Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ) và trong vai trò một nhà khoa học như công tác quản lý và giảng dạy đào tạo tại Trường Đại học nhân dân, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (nay là Đại học Kinh tế quốc dân), Trường Hành chính Quốc gia (nay là Học viện Hành chính quốc gia). Cũng cần nói thêm là nhiều văn bản của Hội đồng Bộ trưởng mang chữ ký của ông vẫn còn hiệu lực cho đến ngày hôm nay.
Còn Tập san Công Thương sau đó do yêu cầu mới được chuyển sang thành báo Thương nghiệp của Bộ Nội thương.
Tấm gương lớn để thế hệ sau noi theo
Tạm xa lĩnh vực báo chí nhưng Giáo sư Đoàn Trọng Truyến dù là một chính khách hay một nhà khoa học thì vẫn luôn giữ nguyên những phẩm chất mang tính kinh điển của một nhà báo mà đến nay ở một kỷ nguyên được xã hội dán cho con tem "4.0" vẫn còn nguyên giá trị.
Điểm đầu tiên là ông rất chịu khó đi thực tế, ghi chép tỉ mỉ những ý kiến từ các giới chức lãnh đạo địa phương đến người nông dân. Những ghi chép ấy dày đặc trong các cuốn sổ công tác của ông, tất cả còn được giữ nguyên cho đến sau khi ông mất và được gia đình bàn giao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. Lãnh đạo trung tâm cho biết, ông Đoàn Trọng Truyến là người có khối lượng tài liệu bàn giao thuộc loại lớn nhất nhì trung tâm.
Điểm thứ hai là sức đọc của ông có thể nói là hiếm có. Ông đọc nhiều, đọc kỹ và giữ thói quen ghi ngay các bị chú ra lề sách. Một quyển sách vào tay ông được ông đón nhận như một người tri kỷ. Một luận án được tin tưởng giao cho ông đọc có thể làm nản lòng chủ nhân của nó khi nhận lại những dòng sửa kỹ lưỡng của ông từ quan điểm, nhận định đến cả cái dấu chấm, dấu phảy.
Điểm thứ ba là ngoại ngữ. Tiếng Pháp đương nhiên là ông thông thạo khỏi phải nói. Ông còn tự học thêm tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Đức. Câu chuyện tự học tiếng Nga của ông hôm nay vẫn được nhắc đến trong gia đình như một câu chuyện cổ tích. Có những trưa ông cho hai cô con gái (mà nay đã ở độ tuổi bà nội, bà ngoại) nằm hai bên nghe ông đọc những dòng chuyện bằng tiếng Nga được chính ông dịch sang tiếng Việt, lúc ấy chính là lúc ông tự luyện cái thứ ngôn ngữ thuộc hàng rắc rối nhất thế giới. Và cũng có những lần người phiên dịch khi ông tiếp khách bị ông "xạc" tại chỗ vì dịch sai từ mà ông dùng.
Điểm thứ tư là được đào tạo căn bản, vốn là một kỹ sư nông nghiệp, ông đã tự rèn luyện cho mình một tư duy tổng hợp mà bất cứ một chuyên gia, một nhà khoa học, một Bộ trưởng nào cũng muốn sở hữu.
Trên kia chúng tôi có nói do điều kiện công tác sau năm 1954, ông Đoàn Trọng Truyến tạm xa báo chí. Chỉ là "tạm" thôi bởi sau này nhiều cơ quan báo chí của đất nước vẫn tin cẩn gõ cửa đặt ông viết bài, trong đó Tạp chí Cộng sản là một cơ quan quen thuộc. Những bài báo ấy kết tinh những trí tuệ, suy nghĩ, trăn trở của một con người đã đi theo cách mạng, với mùa thu tháng Tám từ tuổi thanh xuân và sẽ còn được phát triển xa hơn, sâu hơn trong những cuốn sách mà ông là tác giả hay chủ biên.
Ngạn ngữ có câu "Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ". Câu nói ấy hoàn toàn đúng với cuộc đời Giáo sư Đoàn Trọng Truyến. Vợ ông, bà Nguyễn Kim Sa, không phải là quá lời nếu nói rằng trong sự nghiệp của Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến có công lao to lớn của bà. Và cũng lại kỳ lạ là cả những người con 5 trai 2 gái của ông, học hành đỗ đạt là cũng một tay ông dạy dỗ, chỉ bảo về học hành khi ông trực tiếp dạy văn hóa dù chỉ là từ một bài toán trở đi.
Người con trưởng của Giáo sư Đoàn Trọng Truyến - ông Đoàn Mạnh Giao xuất thân là kỹ sư quân sự, sau chuyển sang công tác tại Văn phòng Chính phủ rồi được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (từ tháng 3 năm 1999 đến 2007) - chức vụ của Giáo sư Đoàn Trọng Truyến từ tháng 5/1984 đến tháng 2/1987. Một nhà mà có cả cha lẫn con cùng giữ chức vụ Bộ trưởng, âu cũng là hiếm có.
Nhà thơ Việt Phương, người bạn của ông, cứ nhớ mãi tâm sự của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về ông. Ông Phương bảo rằng, Thủ tướng có nói Giáo sư Đoàn Trọng Truyến là người trí thức sống bằng vốn tri thức giàu đẹp của chính mình, không vay mượn của ai.
Còn có thể nói nhiều điều nữa về Giáo sư Đoàn Trọng Truyến. Với thế hệ những người làm Báo Công Thương, hạnh phúc thay khi được là hậu duệ của ông - người Tổng Biên tập đầu tiên của tờ báo.
Và cũng vì thế, bài báo nhỏ này như nén tâm nhang kính nhớ ông nhân 100 năm ngày sinh của Giáo sư.
Cho dẫu chưa thể là đầy đủ.