Nhiều nội dung quan trọng được xem xét, thông qua
Cụ thể, trong 28 ngày làm việc (từ ngày 21/10 – 27/11), Quốc hội đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua 11 luật, bộ luật, trong đó có những luật quan trọng, như: Bộ luật Lao động; Luật Chứng khoán; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;… Trong nghị trình Kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua 17 Nghị quyết quan trọng, thu hút được sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước, như: Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. |
Trong công tác giám sát tối cao, Quốc hội đã thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn và một số vấn đề quan trọng khác.
Đặc biệt, trong kỳ họp, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020, qua đó, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân. Quốc hội cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Cũng tại kỳ họp này, theo Chủ tịch Quốc hội, lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó bao gồm hệ thống các giải pháp toàn diện nhằm khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải về chính sách, nguồn lực đầu tư và là căn cứ để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương, phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này so với cả nước.
Nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo… Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân để có giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý cũng như bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
Quốc hội yêu cầu ngành Công Thương thực hiện tốt những nội dung qua chất vấn
Cũng trong phiên bế mạc, với 92,34% đại biểu bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong đó Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Trong đó, với lĩnh vực Công Thương, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời xây dựng, ban hành Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2020-2030. Tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu, đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ xử lý kịp thời các tranh chấp thương mại, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế, tiếp tục đàm phán, ký kết và tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên…
Với 92,34% đại biểu bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, trong đó yêu cầu ngành Công Thương tiếp tục thực hiện tốt các nội dung trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn |
Nghị quyết cũng yêu cầu rà soát, tổng kết, đánh giá, hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sớm ban hành quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam và giám sát chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, xử lý nghiêm việc lợi dụng, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Giám sát chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, xử lý nghiêm việc lợi dụng, giả mạo xuất xứ Việt Nam; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho gian lận thương mại. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thị trường và cơ quan chức năng ở địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa có nội dung vi phạm chủ quyền quốc gia.
Quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh trên mạng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử.
Nghị quyết yêu cầu ngành Công Thương xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.
“Năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, năm 2021, hoàn thành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Điện lực, bảo đảm phát triển cân đối nguồn điện giữa các vùng, miền, giữa nguồn và lưới điện” – Nghị quyết nêu và yêu cầu, khẩn trương rà soát, xử lý những bất cập trong quy hoạch, đầu tư và vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời, đề xuất cơ chế, giải pháp để sớm đưa vào vận hành các dự án điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 bị chậm tiến độ, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, và tập trung các nguồn lực, giải pháp về công nghệ để xây dựng, nâng cấp lưới điện truyền tải, trạm biến áp, khẩn trương hoàn thiện các quy định để huy động nguồn lực xã hội tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện đồng bộ với phát triển nguồn điện.
Năm 2020, mở rộng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thí điểm để chủ đầu tư các nhà máy điện gió và điện mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng, tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023, khẩn trương kiểm tra, đánh giá để có cơ sở nghiên cứu sửa đổi quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và nghiên cứu, sửa đổi quy trình bán điện mặt trời đối với các hộ ở vùng nông thôn, tiếp tục huy động nguồn lực triển khai chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo.
Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, phát triển cơ khí chế tạo; phát triển và nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước; tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các dự án cơ khí chế tạo, sản xuất linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp.
Văn phòng Quốc hội sẽ có điều chỉnh để hoạt động báo chí được hiệu quả hơn
Họp báo kết thúc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, diễn ra chiều muộn 27/11/2019 |
Ngay sau phiên bế mạc, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo thông báo kết quả Kỳ họp thứ 8. Tại buổi họp, đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí trung ương, địa phương và nhiều cơ quan báo chí quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – nhấn mạnh, trong suốt Kỳ họp, các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động, tích cực tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chuyển tải các nội dung hoạt động của Quốc hội, nhất là những luật, bộ luật và nghị quyết quan trọng mà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Trong phần trao đổi với các cơ quan báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình với những nhận xét, góp ý của các nhà báo, trong đó, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp, nhất là việc tiếp cận các tài liệu trong Kỳ họp cũng như việc tiếp cận các đại biểu Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp thu, có những điều chỉnh kịp thời để công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thông tấn, báo chí hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của đồng thời Quốc hội, các cơ quan truyền thông và quan trọng hơn là kịp thời truyền tải thông tin hai chiều giữa Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước.