Cần thiết có quy định về điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch khoáng sản
Chiều 15/11/2024, tiếp tục phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy |
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị có một danh mục những khoáng sản chiến lược, quan trọng và đặc biệt quan trọng; việc quyết định về thăm dò, khai thác, thu hồi các khoáng sản này thì giao Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh lý Điều 3, 45, 67 và Điều 103 liên quan đến khoáng sản chiến lược, quan trọng; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng; bổ sung quy định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực khoáng sản chiến lược, quan trọng để thu hút đầu tư phục vụ nguyên liệu ngành công nghiệp bán dẫn.
Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 15), có ý kiến đề nghị tại khoản 3 bổ sung thẩm quyền giao cho UBND tỉnh hiệu chỉnh tọa độ, diện tích, địa danh, khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quy hoạch tỉnh trước khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, đây là một trong những điểm nghẽn cần phải được xử lý một cách đồng bộ để đảm bảo huy động được các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Vì vậy, cần thiết có quy định về điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch khoáng sản và phương án quản lý về địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh.
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Quy định bổ sung nguyên tắc điều chỉnh cục bộ tại khoản 2 Điều 15 của dự thảo Luật như sau “Việc điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản phải đảm bảo các nguyên tắc sau: a) Không làm thay đổi mục tiêu, định hướng của quy hoạch; b) Không gây xung đột, chồng chéo với các quy hoạch ngành quốc gia khác, hoặc các nội dung khác trong quy hoạch tỉnh”.
Đồng thời, đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu như sau: Bổ sung điểm đ vào khoản 2 Điều 54a “Các trường hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành”; chỉnh lý khoản 3 theo hướng phân cấp cho cơ quan lập quy hoạch phê duyệt điều chỉnh cục bộ.
Phương án 2: Bỏ nội dung điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản tại dự thảo Luật này; đồng thời, bổ sung quy định điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong Luật Quy hoạch, theo trình tự, thủ tục rút gọn và phân cấp cho cơ quan lập quy hoạch phê duyệt điều chỉnh cục bộ.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các luật để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ủng hộ Phương án 1 để bảo đảm quy định nguyên tắc chung trong Luật Quy hoạch và được dẫn chiếu đến pháp luật chuyên ngành để phù hợp với thực tiễn phát sinh.
Quy định thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản
Về nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản (Điều 45), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến số lượng giấy phép thăm dò đối với khoáng sản năng lượng (than) cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, dự thảo Luật đã bổ sung điểm h khoản 1 Điều 45: “Mỗi tổ chức được cấp không quá 05 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực. Trường hợp cấp quá 05 giấy phép phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.”.
Về giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 58), có ý kiến đề nghị tại điểm a khoản 4 điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn thì không quá 15 năm để phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vướng mắc hiện nay.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, khoáng sản là tài sản công, việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác.
Việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cũng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới.
"Dự thảo Luật đã có quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư" - ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Trên thực tế, thời gian xây dựng cơ bản mỏ không phải khi nào cũng cần từ 8 đến 10 năm, có nhiều dự án sau 10 năm đã hoàn thành việc khai thác, kết thúc dự án. Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định về việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời gian khai thác khoáng sản (kể cả thời gian gia hạn) nhưng vẫn còn trữ lượng.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị giữ như dự thảo Luật, đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo để bảo đảm thủ tục liên quan đến gia hạn giấy phép được thuận lợi, dễ dàng.
Về nội dung này, tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 5/11/2024, đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị xin ý kiến Quốc hội bằng phiếu về thời gian cấp phép. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
Về phương pháp xác định, phương thức thu, quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 102), có ý kiến đề nghị gộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên để tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực của Nhà nước và doanh nghiệp.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp cho Nhà nước để tiếp cận, khai thác, đưa khoáng sản ra khỏi lòng đất, chuyển từ tài nguyên quốc gia, tài sản thuộc sở hữu toàn dân thành tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức, cá nhân; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên có sự khác nhau về cơ chế xác định, việc thu, nộp và không trùng lắp thủ tục hành chính.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách hành chính liên quan đến việc nộp thuế, nộp tiền cấp quyền để bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân; quy định tiền cấp quyền đối với tài nguyên khoáng sản cũng thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp bỏ quy định thu tiền cấp quyền thì không có cơ sở tính giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và không gộp với thuế tài nguyên.