Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cần chủ động khai thác cơ hội trong hội nhập
Tin hoạt động 12/10/2020 20:31
6 bài học kinh nghiệm trong quá trình thực thi các FTA
Lần đầu tiên thực hiện công tác giám sát hội nhập, Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày tại Phiên họp cho biết: từ 1995 đến nay, Quốc hội đã thông qua 19 luật, bộ luật, nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1 nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 45 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 quyết định; Bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành 76 thông tư để thực hiện các FTA.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên thảo luận |
Các FTA mà Việt Nam là thành viên có độ phủ rộng 60 nền kinh tế với tổng GDP khoảng 90% GDP toàn thế giới. Qua 25 năm, việc tham gia và thực thi các FTA đã tác động nước ta hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá cao, mở rộng xuất nhập khẩu, thu hút nguồn vốn FDI, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, tạo việc làm mới, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.
Báo cáo cũng đề cập đến 6 bài học kinh nghiệm trong quá trình thực thi các FTA mà Việt Nam là thành viên. Một là bám sát các chủ trương, đường lối về hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng để chủ động thúc đẩy, tham gia các FTA.
Hai là xác định hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo của Đoàn giám sát |
Ba là xác định hội nhập quốc tế về kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội.
Bốn là xây dựng hệ thống giám sát đồng bộ; phát huy tính chủ động và phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Năm là thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao sự hiểu biết về hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA để thực hiện có hiệu quả.
Sáu là công tác dự báo phải đáp ứng yêu cầu diễn biến thế giới và đánh giá khả năng nước ta triển khai theo lộ trình phù hợp.
Báo cáo cũng nêu lên các đề xuất với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, các chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc tiếp tục thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên.
Càng hội nhập sâu rộng thì càng cần chủ động để ứng phó và khai thác có hiệu quả
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên thảo luận |
Phát biểu tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao và nhất trí với nội dung báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 như vừa qua. Theo Bộ trưởng, Báo cáo đã có được sự phân tích tổng quan và toàn diện, nhìn được thành quả và tồn tại trong chiến lược hội nhập.
Báo cáo giám sát phân tích rất sâu sắc, toàn diện các nhóm vấn đề đặc biệt là với cái nhìn khách quan, báo cáo cũng đề cập đến những yêu cầu không thể thiếu được trong giai đoạn phát triển mới của đất nước- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam càng hội nhập sâu rộng thì càng phải thể hiện sự chủ động để ứng phó và khai thác có hiệu quả. Nếu không xây dựng tốt nội lực, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, thì không thể khai thác hiệu quả các cơ hội của tiến trình hội nhập.
Cùng đó, ở đây, bài học kinh nghiệm về sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan quản lý và chủ thể phát triển kinh tế và hội nhập là rất quan trọng và rất có ý nghĩa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc gia nhập FTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho sự phát triển của đất nước. Về chính trị ngoại giao, việc tham gia FTA cần được khẳng định là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của nước ta. Tăng cường sự đan xen lợi ích trong mối quan hệ giữa các đối tác, đặc biệt là các nước lớn và các nước có tiềm lực về mặt kinh tế, công nghiệp hiện đại; góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị; tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trên trường quốc tế.
Toàn cảnh phiên thảo luận |
Về kinh tế - xã hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc gia nhập FTA đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống. Nền kinh tế nước ta có sự tăng trưởng cao, có bước đi thận trọng, vững chắc. Lạm phát trong nước được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế. Chuyển dịch kinh tế theo hướng đưa hàng hóa vào thị trường khó tính, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và đời sống của nhân dân được nâng cao.
Việt Nam tiếp cận tốt hơn với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao của các nước đối tác. Gia nhập FTA còn tạo động lực để nước ta hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế; chú trọng cải cách thủ tục hành chính; bước đầu, chúng ta nghiên cứu đến việc giải quyết tranh chấp quốc tế…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, việc gia nhập FTA đang tạo áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước; đặt ra yêu cầu về nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, định hướng lại dòng vốn đầu tư. Đồng thời, đòi hỏi các giải pháp sẵn sàng ứng phó khi bị áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp. Thách thức trong việc thực thi cam kết trong những lĩnh vực mới như chuyển dịch lao động và đào tạo nghề...
Từ những phân tích trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị phải có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia FTA; khơi dậy, phát huy năng lực doanh nghiệp trong nước. Chúng ta thực hiện FTA trên cơ sở vừa bảo đảm ưu đãi, nhưng cũng phải tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, nâng cao vai trò của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát việc triển khai thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội để nội luật hóa các cam kết trong FTA đúng theo lộ trình. Chính phủ tiếp tục quan tâm, cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát, đánh giá cao sự nỗ lực của Đoàn giám sát trong việc hoàn thành nội dung Báo cáo. Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để hoàn thiện Báo cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với kiến nghị của Đoàn giám sát ra văn bản sau giám sát theo hình thức Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay việc ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát.