Nhiều mặt bằng bán lẻ “ngóng” khách thuê
Cung vượt cầu
Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, sức mua nhiều loại hình dịch vụ chưa đúng với kỳ vọng, nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh vẫn còn e dè, thận trọng hơn trong việc thuê mặt bằng mở cửa hàng kinh doanh.
Điều này khiến cho thị trường mặt bằng cho thuê trở nên trầm lắng trong thời gian qua, nhất là đối với các mặt bằng lớn, có vị đắc địa bởi giá thuê cao. Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều mặt bằng bán lẻ, nhà phố đang bị bỏ trống. Trên các tuyến đường trung tại quận 1, quận 3, quận 5, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức... hàng loạt mặt bằng vẫn cửa đóng then cài. Đa số các mặt bằng đang bỏ trống, trước đây là các cơ sở kinh doanh ăn uống, các cửa hàng thời trang, bán quần áo....
Tại đường Hai Bà Trưng - một trong những con đường kinh doanh nhộn nhịp bậc nhất TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng đoạn đường hơn 2km từ chợ Tân Định đến tượng đài Trần Hưng Đạo (quận 1) đã có gần 30 mặt bằng lớn nhỏ treo bảng cho thuê. Trong số đó, có khoảng 1/3 mặt bằng đã để trống hơn một năm nay, còn lại là các mặt bằng cho thuê bị "tháo chạy" từ cuối năm ngoái.
Nhiều mặt bằng bán lẻ đã bỏ trống nhiều năm vẫn chưa tìm được khách thuê |
Đáng chú ý có phân nửa các mặt bằng để trống này từng là nơi kinh doanh của các thương hiệu lớn trong ngành thời trang, ẩm thực, cửa hàng tiện lợi và mỹ phẩm…
Theo báo cáo thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê quý 1/2023 của Bộ phận Nghiên cứu Savills TP. Hồ Chí Minh, công suất thuê toàn thị trường đạt 92%, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, thống kê của Savills cho thấy ngành hàng ăn uống có diện tích bị bỏ trống cao nhất (chiếm 30%). Sau đó là đến các ngành hàng thời trang (chiếm 21%), ngành vui chơi giải trí (chiếm 20%) và ngành giáo dục (chiếm 6%).
Theo TS Sử Ngọc Khương, Viện phó Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, mặt bằng khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh chủ yếu để kinh doanh nhóm sản phẩm phục vụ khách du lịch quốc tế. Khi lượng khách này sụt giảm, doanh thu giảm thì chủ thuê nhà không còn nguồn thu, buộc phải trả mặt bằng.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi do nguồn thu giảm nên họ hạn chế mở rộng thêm. Doanh nghiệp sẽ xem xét bài toán chi phí, nếu phí thuê mặt bằng quá cao thì buộc phải tìm kiếm khu vực khác.
Giá vẫn tăng cao
Mặc dù kinh doanh ế ẩm, trả mặt bằng nhiều, song giá thuê mặt bằng vẫn ở mức cao. Ông Lê Văn Tình, quản lý cơ sở giải trí dành cho giới trẻ có địa điểm tại quận 10 và Bình Thạnh cho biết, hiện đơn vị đang khó khăn để tìm người "chia" mặt bằng kinh doanh. Nguyên nhân do giá thuê toàn bộ mặt bằng khá cao, đơn vị khó đáp ứng trong bối cảnh hiện tại.
"Sau khi ổn định ở chi nhánh quận 10, chúng tôi mở rộng mô hình kinh doanh ở Bình Thạnh. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà, chủ mặt bằng hiện tại chỉ muốn cho thuê nguyên căn và diện tích lớn, trong khi mô hình kinh doanh có khi không đáp ứng đủ. Tôi đang kiếm người sang lại một phần mặt bằng, nếu không kiếm được thì đành đóng cửa chứ tăng giá cao quá khó kham nổi", ông Tình chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vy, chủ cửa hàng bán lẻ trên đường Hai Bà Trưng, (quận 1) cho biết, giá cho thuê mặt bằng tại trung tâm quận 1 vẫn rất cao dù bỏ trống nhiều. Các mặt bằng tại đây có giá cho thuê từ 200 - 600 triệu đồng/tháng tuỳ diện tích, vị trí. Những mặt bằng lớn dù để trống thời gian dài nhưng chủ nhà cũng không giảm giá.
Theo các chuyên gia, diễn biến thực tế ở thời điểm hiện tại không sáng sủa như kỳ vọng. Giá thuê mặt bằng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, sau khi đại dịch COVID-19 lùi xa. Nhiều chủ mặt bằng đã tăng giá ít nhất 5% so với thời điểm trước. Trong khi mức độ chi tiêu của người tiêu dùng thắt chặt, việc kinh doanh không sáng sủa như thời điểm trước khiến nhiều người kinh doanh như tôi phải căng não tính toán bài toán chi phí, trong đó, giá thuê mặt bằng đắt đỏ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người rút lui vì không cầm cự nổi.
Thực tế từ báo cáo khảo sát thị trường quý 1/2023 tại TP. Hồ Chí Minh của Colliers cho thấy, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm có sự tăng nhẹ với mức tăng là 3% so với quý trước, và giá thuê đang ghi nhận ở mức 151 USD/m2/tháng. Mặt khác, đối với khu vực ngoài trung tâm, tỷ lệ lấp đầy trung bình ghi nhận từ 70 - 85%.
Cùng với đó, mặt bằng trống ở khu vực trung tâm không chỉ giá cao mà còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như khó xin giấy phép kinh doanh, giấy phép phòng cháy, chữa cháy... Do vậy, các nhà bán lẻ sẽ tìm kiếm nhiều không gian hơn ở các khu vực ngoài trung tâm để ra mắt các cửa hàng bán lẻ tạm thời trong khoảng thời gian ngắn.