Nhiều giải pháp tăng cường công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tăng cường đầu tư trang bị các phương tiện bảo hộ và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Ảnh minh hoạ |
Theo số liệu từ cuộc tổng điều tra kinh tế kết thúc vào cuối năm 2017 cho thấy, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 4.558 doanh nghiệp, trong đó có 4.439 doanh nghiệp đang hoạt động và 119 doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư. Ngoài ra, còn có trên 400 hợp tác xã, và hàng trăm làng nghề, tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương.
Nhằm đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động, hằng năm, UBND tỉnh đều kiện toàn Ban chỉ đạo Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh. Đồng thời xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về an toàn vệ sinh lao động, như: Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động; chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp hiệu quả, đẩy mạnh công tác ATVSLĐ.
Đặc biệt, để người sử dụng lao động và người lao động nâng cao ý thức và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, công tác tuyên truyền được các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức, như: trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, khẩu hiệu, phướn; phát hành tờ rơi, tờ gấp...
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 90 cuộc tọa đàm, 2 cuộc thi tìm hiểu ATVSLĐ; kẻ vẽ, chăng treo 3.647 khẩu hiệu, băng rôn… tại trung tâm TP. Nam Định, các khu, cụm công nghiệp và làng nghề; phát hành trên 80 nghìn tờ rơi, tờ gấp tranh, áp phích tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; cấp phát sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp và người lao động; đăng tải, phát sóng hàng trăm tin, bài trên truyền hình, báo in, báo điện tử.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các huyện, thành phố cũng tăng cường phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; tập huấn, huấn luyện cho người lao động về công tác ATVSLĐ, PCCN. Số liệu thống kê từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 200 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho gần 18 nghìn người là chủ sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ và người lao động, trong đó có trên 1.000 người làm công việc nặng nhọc, độc hại tại các doanh nghiệp.
Các ngành chức năng, các huyện, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra tại các doanh nghiệp trọng điểm, có nhiều lao động và tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ... giúp các doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Qua các cuộc kiểm tra, cơ quan chức năng đã kịp thời chấn chỉnh, đôn đốc, nhắc nhở các chủ doanh nghiệp củng cố, kiện toàn hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn viên, xây dựng, triển khai kế hoạch bảo hộ lao động, các biện pháp an toàn lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, như: một số doanh nghiệp, người lao động chưa quan tâm đúng mức và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Công tác vệ sinh công nghiệp, cải thiện môi trường tại nơi làm việc của một số đơn vị còn kém. Việc đôn đốc, kiểm tra người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chưa thường xuyên… Đặc biệt, công tác quan trắc môi trường tại nơi làm việc, tổ chức khám và lập hồ sơ quản lý bệnh nghề nghiệp cho người lao động chưa thực hiện đầy đủ.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện ATVSLĐ.
Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn ác biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Trong đó, tập trung vào các nội dung trọng yếu là đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rà soát các nội quy, quy trình, quy định bảo đảm ATVSLĐ, tăng cường triển khai công tác ATVSLĐ, chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, thực hành phòng ngừa tai nạn lao động, tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng được yêu cầu tăng cường đầu tư trang bị các phương tiện bảo hộ và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động nhằm giảm thiểu các nguy cơ mất ATVSLĐ, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.