Thứ sáu 22/11/2024 13:25

Nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, người lao động nghỉ Tết sớm

Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do không ký được các đơn hàng mới, đã có hiện tượng người lao động nghỉ tết sớm ở các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Khó khăn nào đang “bào mòn sức khỏe” của doanh nghiệp?

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam đã và đang phục hồi mạnh mẽ. Trong điều kiện kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhiều nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng nhưng ước cả năm 2022 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt khoảng 8%, thu ngân sách vượt cao so với dự toán, tiếp tục duy trì xuất siêu với giá trị lớn.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Các tổ chức quốc tế tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam khá tích cực.

Tuy nhiên, năm 2023 dự báo có nhiều yếu tố bất định, rủi ro tiềm ẩn; tình hình xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt; đại dịch Covid đã gây ra những tổn thất lâu dài và sự kết hợp của nhiều cú sốc liên quan đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống, dự kiến sẽ dẫn đến sự giảm tốc mạnh của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Trong nước, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, kéo dài chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến tăng trưởng và gây ra nhiều hệ lụy; thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro.

Lãi suất, tỷ giá đều phải điều chỉnh tăng để ứng phó với những áp lực bên ngoài trong khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng, hầu như không có phát hành, chủ yếu là hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản; giá cả chi phí đầu vào, chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, vật tư tăng cao, cơ chế điều hành có lúc còn bất cập, có thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu…

Những khó khăn đó đang “bào mòn sức khỏe” của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; nhiều doanh nghiệp có tình trạng thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận dòng vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do không ký được các đơn hàng mới, đã có hiện tượng người lao động nghỉ tết sớm ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm; đã có hiện tượng người dân hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ sản xuất nông nghiệp; sản lượng khai thác thủy sản giảm; du lịch đối diện với nhiều thách thức; tình trạng lao động nghỉ việc, cắt giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng...

Những khó khăn, trở ngại đó rất cần những giải pháp đột phá, quyết liệt để duy trì thành quả năm 2022 và tiếp tục phát triển bền vững. "Yêu cầu cấp thiết là nhận diện đầy đủ nguy cơ, rủi ro; theo dõi, đánh giá kịp thời các tác động để có giải pháp kịp thời, phù hợp bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư và các chủ thể liên quan theo quy định của pháp luật" - ông Nguyễn Đức Hải nêu.

Khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp là tiền đề để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, người lao động nên cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, lưu ý mối quan hệ mật thiết, tính liên thông giữa tín dụng, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản để điều hành đồng bộ, phù hợp. Điều hành lãi suất, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, cung tiền sát thực với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng, cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; ổn định và phát triển thị trường lao động.

Kiểm soát chặt chẽ lạm phát trong điều kiện áp lực lạm phát dai dẳng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới; lưu ý rủi ro lạm phát đến từ phía cầu do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ và đến cả từ phía cung do đứt gãy nguồn cung, giá năng lượng tăng cao; có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản suất và đời sống nhân dân đặc biệt là điện, xăng, dầu;

Điều hành các chính sách thích ứng với điều kiện hội nhập, linh hoạt trong ngoại giao, tránh để các nước áp dụng biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa xuất khẩu. Xử lý dứt điểm các yếu kém, điểm nghẽn trong đấu thầu, mua sắm công, mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án công trình trọng điểm; giải quyết dứt điểm tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục, tình trạng chuyển dịch lao động có chất lượng từ khu vực công sang khu vực tư, các vấn đề bức xúc cử tri, người dân và doanh nghiệp quan tâm.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi các cơ chế, chính sách bất cập, cản trở sự phát triển; cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Cần phân định rõ những nội dung bất cập, tồn tại nào do quy định trong các luật cần nghiên cứu sửa đổi, những nội dung nào do tổ chức thực hiện, do trách nhiệm của người đứng đầu, do tăng cường cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm.

Trong điều kiện mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước; củng cố vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng ngân sách; kiểm soát bội chi, nợ công, giải quyết nợ xấu, các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; nghiên cứu, đánh giá tác động để tiếp tục có chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2023, Quốc hội sẽ tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng nhằm hoàn thiện đồng bộ thể chế pháp luật và tạo điều kiện phát triển đồng bộ các thị trường, khơi thông nguồn lực; trong đó sẽ xem xét, thông qua một số dự án Luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Hợp tác xã…

Đồng thời, Quốc hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát như đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

"Hiện nay, Chính phủ đang tích cực để trình Quốc hội xem xét Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở quan trọng định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia" - Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Quỳnh Nga - Lan Anh
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp thuế

Chuyến công tác của Thủ tướng khẳng định uy tín, tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam-Brazil và Việt Nam-Dominica

Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số

Khai mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác

Thủ tướng đề nghị triển khai ngay các dự án thương mại, đầu tư Việt Nam-Dominica

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hạ viện Malaysia tăng cường hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam

Việt Nam và Malaysia nhất trí thúc đẩy hợp tác hải quân

Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Malaysia

Phản ứng của Việt Nam về những động thái mới của Philippines tại Biển Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia

Bộ Ngoại giao thông tin về việc tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ

Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

Xung đột Nga-Ukraine lan rộng, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể

Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, xem xét công tác nhân sự

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Thủ đô Phnom Penh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Campuchia