Sáng 23/12 tại Hà Nội, Báo Công Thương tổ chức diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển.
Tại phiên thảo luận của diễn đàn với chủ đề: "Ngành Công Thương chống lãng phí và khơi thông nguồn lực phát triển để đột phá trong kỷ nguyên mới", các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý, đề xuất tập trung vào các vấn đề nhận diện lãng phí (thể chế, thủ tục hành chính, nguồn vốn, nhân lực…); chia sẻ kinh nghiệm thực tế, trong nước, quốc tế về công tác phòng chống lãng phí; đề xuất giải pháp chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển.
Toàn cảnh diễn đàn 'Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển' - Ảnh: Cấn Dũng |
Trao đổi tại diễn đàn, ông Lê Trường Thủy - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP thủy điện Mai Châu đánh giá, thời gian qua, bên cạnh công tác sắp xếp bộ máy, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển năng lượng, Bộ Công Thương còn đạt nhiều kết quả trong phát triển thương mại, công nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiết kiệm và phòng chống lãng phí.
Từ đó, ông Lê Trường Thủy nêu vấn đề: "Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có chương trình, kế hoạch gì để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lãng phí, nhất là khi Bộ đang thực hiện sắp xếp từ bên trong?"
Ông Lê Trường Thủy - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP thủy điện Mai Châu - Ảnh: Cấn Dũng |
Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, là một bộ kinh tế đa ngành, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo và các công chức viên chức của Bộ Công Thương không chỉ bám sát và tuân thủ những chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế ngành mà còn nhận thức sâu sắc về quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa hết sức quan trọng của ngành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thứ trưởng Nguyên Sinh Nhật Tân, hằng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó chỉ đạo các đơn vị trong bộ, doanh nghiệp trong ngành quán triệt và triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Đặc biệt, năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, ngành Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của cả nước, góp phần chống lãng phí, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Diễn đàn 'Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển' - Ảnh Cấn Dũng |
"Mặc dù đã đạt kết quả bước đầu song Bộ Công Thương xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Công Thương hiện đang quyết tâm trong công tác tái cấu trúc bộ máy. Tuy nhiên, bên cạnh nhiệm vụ này, còn nhiều vấn đề cần được chú trọng.
Thứ nhất, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và khơi thông nguồn lực là nhiệm vụ quan trọng đã được triển khai trên tất cả các ngành và áp dụng đối với mọi chủ thể. Đây không chỉ là mục tiêu riêng của ngành Công Thương mà còn là định hướng chung nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, ngành Công Thương luôn thể hiện sự quyết tâm, tận tâm thông qua các kế hoạch thường niên. Những kế hoạch này không chỉ giới hạn trong phạm vi của Bộ hay các doanh nghiệp trực thuộc mà còn có tác động lan tỏa đến các ngành khác.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu ví dụ, ngành Công Thương khi thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngành nông nghiệp, tạo điều kiện để hai ngành cùng phát triển bền vững.
Hằng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong chương trình này, Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp trong ngành quán triệt, triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Trong khuôn khổ diễn đàn, đặc biệt là việc quán triệt Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị (ban hành tháng 12/2023), Bộ Công Thương tiếp tục thể hiện quyết tâm trong việc chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành thực hiện kiểm tra, xây dựng cơ chế và chính sách phù hợp.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là rà soát lại toàn bộ hệ thống quy định pháp luật, quy hoạch, định mức và tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả và tính khả thi.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm việc đổi mới tư duy, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển công nghệ số để tạo ra những bước đột phá trong công tác quản lý, sản xuất. Đặc biệt, việc tận dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp để chuyển đổi mô hình kinh tế, hướng đến kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ là một trong những chiến lược quan trọng. Việc tối ưu hóa sản phẩm đầu ra, tái sử dụng chất thải và ứng dụng công nghệ hiện đại là giải pháp nhằm giảm thiểu lãng phí và gia tăng giá trị cho nền kinh tế.
"Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát huy tính sáng tạo, linh hoạt trong quản lý và triển khai các kế hoạch, với mục tiêu đạt được hiệu quả cao nhất và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về Diễn đàn...