Thứ hai 23/12/2024 20:51

Nhiễm độc thiếc: Lời cảnh tỉnh an toàn sức khỏe cho người lao động

Sự việc 7 bệnh nhân làm cùng phân xưởng của công ty sản xuất nhựa tại Thanh Miện, Hải Dương bị nhiễm độc thiếc (trong đó 1 người đã tử vong), mới đây, là lời cảnh tỉnh về vấn đề sức khỏe nghề nghiệp môi trường mới ở nước ta và sự đảm bảo an toàn cho người lao động.

7 bệnh nhân nói trên trước khi vào làm việc tại công ty này đều khỏe mạnh, sức khỏe bình thường. Chỉ sau một thời gian ngắn, từ 4 ngày đến 1 tháng, các công nhân có chung biểu hiện rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, lú lẫn, kích động, hành vi bất thường. Theo bác sỹ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, có bệnh nhân đến kiểm tra mặc dù không có triệu chứng lâm sàng nhưng khi xét nghiệm thấy hạ kali máu nặng, có nhiễm toan chuyển hóa hoặc tổn thương não trên phim cộng hưởng từ và nồng độ thiếc trong máu tăng rõ. Chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy có tổn thương chất trắng lan tỏa trên não, xét nghiệm máu có nhiễm toan chuyển hóa, hạ kali máu nặng.

Bảo đảm an toàn khi lao động

Qua chia sẻ của bệnh nhân, được biết thêm, cũng có những người khác cùng làm ở phân xưởng của công ty sản xuất nhựa đó chỉ vài ngày nhưng thấy mệt, không chịu nổi đã phải tự bỏ việc. Như vậy, theo các bác sĩ, rất có thể còn những người khác bị nhiễm độc tương tự nhưng chưa được phát hiện, hoặc nhầm lẫn với nhiều bệnh khác.

Phân tích của chuyên gia y tế, các hợp chất thiếc hữu cơ có độc tính cao, dễ hấp thu qua đường hô hấp, qua da và đường tiêu hóa. Độc nhất là các hợp chất thiếc triethyl và thiếc trimethyl. Đây là những hợp chất có công dụng làm chất ổn định nhựa (plastic stabilizer), ổn định nhiệt (heat stabilizer), được cho vào nhựa giúp nhựa bền vững với nhiệt. Nhiễm độc thiếc hữu cơ gây nhiều tổn thương nặng ở các cơ quan, bao gồm não (gây rối loạn tâm thần kinh và tổn thương chất trắng), tổn thương gan, thận, miễn dịch, máu…

Trên thế giới đã có vài trường hợp bị bệnh khi làm việc trong hoàn cảnh tương tự, nhưng vẫn chưa có phác đồ điều trị nhiễm độc thiếc. Ở trong nước, đây là những ca nhiễm độc thiếc đầu tiên được phát hiện. Do đó, việc điều trị rất khó khăn, bác sỹ vừa phải điều trị vừa theo dõi sát để đánh giá, điều chỉnh, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tổn thương não hay những di chứng. Vì vậy, bác sỹ tại Trung tâm Chống độc cũng kêu gọi những công nhân làm việc trong các môi trường, vị trí như vậy khẩn trương đi kiểm tra sức khỏe, ít nhất là sàng lọc.

Một lần nữa, các chuyên gia khuyến cáo, dù hiếm gặp, nhưng nhiễm độc thiếc rất nguy hiểm. Để phòng tránh nhiễm độc thiếc, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bằng những phương pháp như: Mang khẩu trang khi ra đường, hạn chế đi đến những khu vực ô nhiễm, đông người; khi làm việc trong môi trường khói bụi, ô nhiễm như trong các khu công nghiệp, phân xưởng sản xuất… cần trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn; rửa tay bằng xà phòng khi về nhà, uống đủ nước, dùng dung dịch nước muối để làm sạch mũi và hầu họng; kết hợp luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe và tăng cường sức đề kháng; xây dựng chế độ ăn khoa học, đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho công việc và các hoạt động hàng ngày.

Trước bối cảnh nhiều làng nghề tái chế nhựa tự phát như hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm độc khi hít phải hơi, nếu không có biện pháp giải độc có thể dẫn đến tử vong. Còn đối với người bệnh nhiễm phải ở mức độ nhẹ hơn không gây tử vong thì cũng phá hoại dần nội tạng trong cơ thể. Dấu hiệu ngộ độc thiếc rất dễ bị nhầm với các bệnh khác, ví dụ tổn thương não chất trắng bị nhầm với viêm não hoặc các bệnh não khác; đau đầu chóng mặt dễ nhầm là thiếu máu... Do đó, những người làm việc trong các môi trường tái chế nhựa cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc và cảnh giác hơn khi có dấu hiệu bất thường.

Mất trí nhớ, thần kinh hoảng loạn, hai mắt mờ dần là những triệu chứng chung của những bệnh nhân làm việc tại phân xưởng của công ty sản xuất nhựa tại Thanh Miện, Hải Dương. Điều đáng nói, thời gian làm việc của những bệnh nhân này ở đây không dài, người nhiều nhất là 30 ngày và ít nhất là 4 ngày.
Thanh Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Người lao động

Tin cùng chuyên mục

Quảng Trị: Nhiều vụ trộm cắp thiết bị điện sau Tết

Đẩy mạnh huấn luyện an toàn lao động để giảm tai nạn

Xây dựng khu công nghiệp sinh thái: Giải pháp phát triển công nghiệp bền vững

Tập huấn an toàn hóa chất đối với Clo và các hóa chất có gốc Clo

Bắc Kạn: Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý an toàn lao động

An toàn lao động tại Thanh Hóa: Phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu

Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ: An toàn lao động bám sát nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh

Vai trò của an toàn lao động trong phát triển kinh tế - xã hội

An toàn lao động trong các làng nghề: Nhiều trăn trở

Bắc Ninh: Chấn chỉnh công tác an toàn vệ sinh lao động

Chương trình quốc gia về An toàn vệ sinh lao động: Thúc đẩy các giải pháp đảm bảo an toàn

Diễn tập sẵn sàng ứng phó sự cố hóa chất trên đường vận chuyển

Doanh nghiệp Quảng Ninh: Chủ động kiểm soát yếu tố nguy hiểm trong sản xuất

Giảm thiểu tai nạn lao động: Đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng

Nam Định: An toàn lao động trong doanh nghiệp có chuyển biến

Ngành nông nghiệp: Nguy cơ tai nạn lao động không nhỏ

An toàn lao động trong xây dựng: Nỗ lực từ các bên

An toàn lao động để phát triển bền vững

Lao động ngành Công Thương: Thiết thực hành động, đảm bảo an toàn

An toàn lao động: Bắt đầu từ ý thức của mỗi người