Nguyên nhân cháy xe cơ giới: Còn phải chờ!
- Xe cháy chủ yếu do chập điện!
Kết quả điều tra của Bộ Công an đối với 209 trong số 324 vụ cháy nổ ôtô, xe máy (276 vụ cháy ôtô, 48 vụ cháy xe máy) trong hai năm 2010 và 2011 trên toàn quốc, cho thấy có 5 nguyên nhân: Chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, tai nạn giao thông và do đốt.
Trong đó, nguyên nhân do chập điện chiếm đến 30,25%. Chỉ tính riêng nă 2012, đã có 115 vụ cháy ôtô, xe máy (56 vụ cháy ôtô, 59 vụ cháy xe máy), trong đó 25 vụ đã làm rõ nguyên nhân thì có tới 9 vụ do chập điện, 6 vụ do sơ suất, 5 vụ do sự cố kỹ thuật, 4 vụ do tai nạn giao thông và 1 vụ do đốt.
Ngày 26/4. tại buổi công bố, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: Theo kết quả nghiên cứu của ngành, có tới 552/704 mẫu xăng kiểm tra đạt chất lượng theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 1:2009/BKHCN). Chỉ có 147 mẫu (20,9%) không đạt chất lượng về chỉ số octan và 5/704 mẫu.
Đặc biệt, trong 56 mẫu xăng liên quan đến các vụ cháy xe được kiểm tra thì 100% đều phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật trên. Với các kết quả thử nghiệm này thì chưa có bằng chứng xăng, dầu là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ xe cơ giới trong thời gian vừa qua" - ông Vinh cũng cho biết thêm.
Đại diện Bộ GTVT thì cho biết, Bộ này đã thành lập Đề tài cấp Nhà nước với nhiều cơ sở nghiên cứu lớn, với quy mô rộng nên cần thêm thời gian mới có thể kết luận, công bố.
Các chuyên gia hoài nghi!
Một ngày trước khi các bộ công bố nguyên nhân gây cháy xe cơ giới, tại hội thảo “Loại bỏ xăng lẫn tạp chất vì sự an toàn của động cơ” do Báo Khoa học và Đời sống tổ chức, các chuyên gia khẳng định, đã có mối liên kết “ma quỷ” trong những “phi vụ” xăng dầu rởm nhằm thu lợi bất chính.
PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự (Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam) cho rằng, những người làm xăng dầu rởm chắc chắn phải có kiến thức chuyên môn. Để qua mặt cơ quan chức năng, họ “phù phép” bằng nhiều thủ đoạn, như pha nước lã vào xăng, hoặc cho thêm một số chất phụ gia để nâng chỉ số octan…
TS Đinh Ngọc Ân - Trưởng khoa Cơ khí Động lực (ĐH SPKT Hưng Yên) – cho rằng. tiêu chuẩn đo lường chất lượng hiện đã quá lỗi thời, áp dụng vào thời điểm này là không hợp lý. Hơn nữa, cơ quan chức năng chỉ xét 6 chỉ tiêu là trị số octan, hàm lượng lưu huỳnh, áp suất hơi, hàm lượng oxy, metanol và nước nên kết luận đều đạt tiêu chuẩn. “Tại sao còn rất nhiều chỉ tiêu khác mà không được đưa ra kiểm tra? Các chất gây nhiễm nước, chất phá hủy đường ống nhiên liệu và các doăng cao su sao lại không đưa ra kiểm chứng? Tại sao chúng ta không đưa về cùng một tiêu chuẩn để so sánh?. Liệu có gì khuất tất đằng sau?.”- ông Ân đặt câu hỏi.
Kết quả kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm– hàng hóa (Bộ KH&CN), tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh cho thấy, xăng dầu kém chất lượng vẫn được “ngấm ngầm” bán cho người dân. Kết quả thử nghiệm ngẫu nhiên 15 mẫu RON95; 18 mẫu xăng RON92; 30 mẫu dầu diezen cho thấy đều không đạt tiêu chuẩn. Mũi nhọn đang chĩa về phía các đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tư nhân… do các cửa hàng này thường nhập từ các nguồn cung cấp ngoài hệ thống phân phối.
Không đồng tình với quan điểm của các nhà khoa học, ông Nguyễn Quang Kiên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - cho rằng: Hiện tượng cháy nổ xe chưa có kết luật chính thức nào là do nguyên nhân từ xăng. Vì thế, nhiều người cho rằng xăng là nguyên nhân gây cháy nổ xe trong thời gian qua còn thiếu khách quan, không khoa học. Nếu cứ chạy theo tìm nguyên nhân từ xăng, tôi cam đoan chẳng bao giờ chúng ta có kết quả. Chúng ta không tin vào Nhà nước thì còn biết tin vào ai?”.
Ông Kiên cho biết, nhìn chung chất lượng xăng dầu ở Việt Nam được quản lý một cách tốt nhất trong tất cả các loại hàng hóa. Tuy nhiên, gian lận thương mại thì ngành nào cũng tồn tại. Đó là mặt trái không tránh khỏi.
Với những thông tin “trái chiều” như trên, có lẽ người sử dụng xe cơ giới tiếp tục chờ đợi và kết quả kiểm tra thời gian tới của các cơ quan chức năng.
Hoàng Châu