Thứ hai 30/12/2024 01:55

Nguồn vốn chính sách: Nơi gửi gắm niềm tin của đồng bào nghèo

Không có tiền tích luỹ, người thân cũng khó khăn, vay tín dụng đen thì lãi suất cao… nên với rất nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đồng vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tựa như “bà đỡ” giúp bà con vượt khó để từng bước vươn lên.

Mặc dù có yêu cầu làm việc với Phòng Giao dịch huyện Chư Sê (Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai) khá bất ngờ, nhưng anh Phạm Văn Thuận – Phó giám đốc Phòng giao dịch vẫn sắp xếp thời gian để cùng tôi xuống với các hộ đồng bào vay vốn ở xã Chư Pơng – địa bàn đang có dư nợ cho vay lên tới gần 24 tỉ đồng.

Trò chuyện bên những gốc cà phê đang bắt đầu cho trái, chị H’Lem (thôn Grai Mek, xã Chư Pơng) phấn khởi: Ban đầu gia đình vay Ngân hàng Chính sách xã hội 12 triệu đồng để làm công trình vệ sinh, nước sạch. Tháng 2/2019, gia đình tiếp tục vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay phát triển sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Với số tiền 50 triệu được vay, gia đình chị H’lem đã thêm tiền để đầu tư trồng 600 gốc cà phê tại vườn nhà, phát triển nuôi heo, nuôi bò… “Vay Ngân hàng Chính sách xã hội yên tâm hơn nhiều lắm. Vay tín dụng đen, lãi cao, lãi mẹ đẻ lãi con, không chịu nổi đâu. Người thân thì ai cũng có vất vả, đâu có phải muốn vay là được” – chị H’Lem chia sẻ.

Anh Rơ Lan Hnhơ (thôn Grai Mek, xã Chư Pơng) phát triển chăn nuôi dê nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội

Theo chị Rơ Mah Gim - Tổ trưởng Tổ vay vốn Hội Nông dân do Phòng Giao dịch huyện Chư Sê uỷ thác - cùng sống ở trong thôn Grai Mek, lại đều là người đồng bào Gia Rai, nên chị Gim nắm khá rõ hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình. Để kết nối chị em với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị sẽ hướng dẫn người dân làm đơn xin vay; khi họp tổ tuyên truyền, chị em nộp đơn để tổ bình xét. Tổ thống nhất đồng ý thì sẽ nộp để Phòng Giao dịch huyện Chư Sê quyết định cho vay. Trong suốt quá trình người dân vay vốn, tổ trưởng sẽ là người nhắc bà con thực hiện tốt những quy định về sử dụng vốn đúng mục đích, tham gia tiết kiệm và trả lãi đúng kỳ hạn. Với cách làm chặt chẽ như vậy, các hộ vay vừa có tiền để cải thiện cuộc sống; vừa không bị nỗi lo lãi vay đè nặng…

Cách nhà chị H’Lem không xa, vợ chồng anh chị Rlan Blim và Rahlan Bol không giấu được phấn khởi khi thấy tôi và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội ghé thăm. Từ số tiền 35 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2013, anh chị đã mua 2 con bò, đến hạn trả tiền vay năm 2018 thì bò đã sinh được 4 con bê. Bán bò, anh chị không những trả được nợ, còn có đủ tiền mua cà về thuê rẫy trồng cà. “Hiện gia đình tôi đang vay Ngân hàng Chính sách xã hội gói hỗ trợ sản xuất là 25 triệu đồng, chúng tôi đang muốn trả 25 triệu đồng này, vay gói 50 triệu đồng để tiếp tục trồng cà phê” - Rahlan Bol bộc bạch với Phó Giám đốc Phạm Văn Thuận và Tổ trưởng Tổ vay vốn Rơ Lan Hnhơn bên căn nhà vừa mới xây còn thơm mùi vôi mới.

Gắn bó với Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhiều năm, nên anh Thuận “mừng nhưng không lạ” với những đổi thay tích cực của những hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với lãi suất ổn định, thủ tục cho vay nhanh chóng, đơn giản, giải quyết mọi thủ tục ngay tại trung tâm xã, đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang mang lại ý nghĩa không nhỏ đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách ở xã Chư Pơng nói riêng, huyện Chư Sê nói chung. Đặc biệt hơn, từ việc tham gia vào tổ vay vốn, nhiều bà con người dân tộc đã mạnh dạn chuyển đổi cây con, biết thu vén, tính toán để đồng vốn sinh sôi, nảy nở; từng bước giúp nhau vượt khó, thoát nghèo.

Được biết, tính riêng năm 2021, doanh số cho vay của Phòng giao dịch huyện Chư Sê đã đạt 109.540 triệu đồng, bằng 107% so năm 2020, với 3.305 lượt hộ vay vốn. Trong đó một số chương trình tín dụng có doanh số cho vay lớn như: cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn… Tổng dư nợ đến 31/12/2021 đạt 335.335 triệu đồng, với 10.100 hộ vay vốn, từ 14 chương trình tín dụng, dư nợ bình quân 1 hộ vay là 33,2 triệu đồng, Một số xã có tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cao như HBông (10,5%), Ia Hlốp (6,8%), Ia Ko (6,6%), Chư Sê (5,7%),…

Điểm giao dịch tại các xã của Phòng Giao dịch huyện Chư Sê – điểm đến tin cậy để hộ nghèo, hộ chính sách tiếp cận được với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội

Trao đổi với chúng tôi, Phó giám đốc Phạm Văn Thuận chia sẻ thêm, cùng với việc duy trì hiệu quả việc uỷ thác cho vay cho các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… hiện Phòng giao dịch huyện Chư Sê thường xuyên tổ chức thực hiện tốt các hoạt động của 15 điểm giao dịch tại xã, thị trấn, tạo điều kiện cho hộ vay tiếp cận được với các dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội, tiết giảm các chi phí đi lại của hộ vay. Với các tiêu chí như: tỷ lệ giải ngân tại xã là 97,59%, tỷ lệ thu lãi tại xã là 98,31%, tỷ lệ thu nợ tại xã là 97,35%...hiệu quả của các điểm giao dịch tại các xã là thấy rõ.

Từ hiệu quả trông thấy nhờ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng năm UBND huyện Chư Sê đều xuất ngân sách huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Phòng Giao dịch huyện Chư Sê để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Tính đến 31/12/2021, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay trên địa bàn là 6 tỷ đồng (riêng năm 2021 là 1 tỷ đồng).

Với sự chung tay ý nghĩa này, chất lượng công tác giảm nghèo tại Chư Sê nhờ đó đang có những bước chuyển tích cực. Đồng vốn cho vay thực tế là chưa lớn, nhưng cách thức hoạt động và tinh thần trách nhiệm của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội nói chung, Phòng Giao dịch huyện Chư Sê nói riêng, đã và đang gieo những hạt giống hi vọng để người vay vốn thêm niềm tin và có ý thức vươn lên mạnh mẽ, làm chủ nương rẫy, phát triển sinh kế ngay trên chính quê hương mình.

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: cô gái Nùng khởi nghiệp thành công với hồng vành khuyên treo gió

Lạng Sơn: đưa con chữ đến từng bản làng

Sơn La: nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hà Nội: Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025 có gì đặc sắc?

Sơn La: Các hộ dân nghèo xã Chiềng Kheo được hỗ trợ ổn định nhà ở

Lạng Sơn: Chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số và người có công

Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trong phát triển kinh tế

Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu tại TP. Đà Nẵng

Bài 3: Cơ hội cho Hà Giang chuyển mình

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Lạng Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu