TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh chuyển đổi số phục hồi du lịch Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2022 có gì đặc sắc? |
Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch covid-19”, diễn ra chiều ngày 13/5, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Tình hình dịch bệnh hiện cơ bản được kiểm soát, đời sống kinh tế xã hội đang bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới nhưng ngành du lịch vẫn đang đang đứng trước một số khó khăn và thách thức mới.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc hội thảo |
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với ngành du lịch hiện nay là nguồn nhân lực. Thách thức này không chỉ đối với Việt Nam, mà tất cả các nước trong khu vực, trên thế giới đều đang phải đối diện. Tại TP. Hồ Chí Minh vấn đề nguồn nhân lực du lịch đã và đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và cho công tác đào tạo trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch.
Nếu như trước dịch Covid-19, ngành du lịch thành phố trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng.
Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, địa phương, trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành và khách sạn tham dự hội thảo |
Tính đến giữa tháng 4/2022 tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 796 doanh nghiệp (giảm 1.341 doanh nghiệp so với năm 2020), trong đó 454 doanh nghiệp lữ hành, 342 cơ sở lưu trú và 6.410 hướng dẫn viên du lịch.
Điều đáng nói là TP. Hồ Chí Minh với lợi thế là địa phương có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo về chuyên ngành du lịch quy mô lớn nhất nước, với 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp, trung bình hàng năm, có khoảng hơn 12.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành. Hiện thành phố có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, 15% có trình độ đại học, 50% trình độ cao đẳng, trung cấp.
Qua đó cho thấy cơ cấu, chỉ tiêu đào tạo chưa thật hợp lý giữa các loại hình, các nghề của ngành du lịch; nguồn nhân lực được đào tạo chưa thật sự đạt chuẩn; một số cơ sở đào tạo chưa chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao; chưa chú trọng đào tạo các nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu đào tạo về nhân sự, nhân viên du lịch mà chưa chú trọng đào tạo về nhân lực quản lý của ngành.
TS. Từ Minh Thiện - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, trình bày tham luận với chủ đề “Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch” tại hội thảo |
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ được lắng nghe các sáng kiến, giải pháp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các Sở, ngành địa phương về những điểm mạnh, mặt còn hạn chế mà ngành du lịch phải đối diện trong quá trình phục hồi sau dịch. Từ đó, cùng nhau tìm ra các giải pháp để có cơ sở kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành Trung ương để có giải pháp tối ưu nhất nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch khá trầm trọng như hiện nay.
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày những bài tham luận chuyên sâu tập trung vào 4 vấn đề quan trọng như: Phát triển du lịch trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Liên kết vùng phát triển du lịch; Liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch và phát triển các loại hình du lịch đặc thù.
Các diễn giả, đại biểu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành và khách sạn cũng thảo luận các nội dung như: Định hướng giải pháp cũng như cách thức thực thi nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch Việt Nam; nhận diện cơ hội, thách thức và các vấn đề phát triển ngành du lịch trong thời kỳ hậu Covid-19; tập trung các giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp, địa phương; ứng dụng công nghệ mới; định hướng và phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch…