Người lao động dệt may có thêm nhiều phúc lợi mới
Ngày 11/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam lần thứ VI, nhằm xác lập các chế độ, chính sách phúc lợi cao hơn quy định của pháp luật để áp dụng cho người lao động trong hệ thống.
Theo Lãnh đạo Công đoàn Dệt may, thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam lần thứ VI được Hiệp hội và Công đoàn Dệt may Việt Nam thương lượng từ ngày 26/4 đến ngày 16/5/2024. Qua 3 phiên họp thương lượng, hai bên đã thống nhất giữ nguyên các điều khoản đã xác lập trong Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam lần V về mức thu nhập tối thiểu, thang bảng lương, chế độ phụ cấp, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và quy định về đảm bảo duy trì, cải thiện các chế độ đã đạt được.
Đáng chú ý, Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam lần thứ VI đã tăng mức và xác định mức tiền cụ thể đối với một số chế độ, chính sách đã được xác lập từ Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam lần V gồm: Tăng mức tiền ăn ca thêm 2.000 đồng/suất/vùng; tặng quà cho lao động nữ vào ngày 8/3 và ngày 20/10 hàng năm mức tối thiểu 50.000 đồng/người/lần.
Lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam lần thứ VI |
Đặc biệt, thỏa ước lần VI đã xác lập chế độ phúc lợi mới là chi hỗ trợ người lao động nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi mức tối thiểu 50.000 đồng/người/tháng. Đồng thời, mở rộng đối tượng tham gia áp dụng thỏa ước lao động tập thể.
Theo đó, những doanh nghiệp mà người sử dụng lao động không thuộc Hiệp hội và công đoàn cơ sở không thuộc Công đoàn Dệt may nhưng nếu cả người sử dụng lao động và đại diện tập thể lao động của doanh nghiệp cùng ký công văn xin tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành gửi cho Hiệp hội và Công đoàn Dệt may Việt Nam và được cả hai bên chấp thuận thì được áp dụng thỏa ước lao động tập thể ngành.
Căn cứ kết quả thương lượng, ngày 20/5, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt may Việt Nam đã ban hành công văn liên tịch số 109/LT-HH-CĐDMVN về việc ủy quyền và đăng ký tham gia Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam để lấy ý kiến người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở theo quy định.
“Tính đến ngày 30/6/2024 đã có 85 doanh nghiệp và 85 công đoàn cơ sở gửi giấy ủy quyền và đăng ký tham gia Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may lần thứ VI, chiếm tỷ lệ trên 75%, đủ điều kiện ký kết theo quy định của pháp luật hiện hành” - lãnh đạo Công đoàn Dệt may thông tin.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may. Ông cho biết, qua mỗi lần ký kết Thỏa ước lao động tập thể của ngành ngày càng thể hiện rõ sự nhân văn và quan tâm hơn đối với người lao động.
“Tôi mong muốn rằng, các cấp công đoàn và sử dụng lao động trong ngành quan tâm một cách thấu đáo để tổ chức thực hiện. Đồng thời, trong quá trình thực hiện sẽ bổ sung chỉnh sửa những điều chưa tốt một cách kịp thời để thực hiện ngày càng tốt hơn Thỏa ước lao động tập thể. Bởi, thực hiện tốt thỏa ước là tiền để duy trì mối quan hệ hài hòa ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia” - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Hiệp hội và Công đoàn Dệt may Việt Nam ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam lần thứ VI |
Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - chia sẻ, dệt may là ngành có số lượng công nhân lao động lớn, quan hệ lao động phức tạp, có các yếu tố diễn biến nhanh, nhạy cảm. Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn quan tâm, chỉ đạo Công đoàn Dệt may chủ động xây dựng quy trình đối thoại, thương lượng và được sự thống nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, VCCI lựa chọn để thí điểm thực hiện đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành đầu tiên của Việt Nam. Kết quả, qua mỗi lần ký kết, các bản Thỏa ước lao động tập thể ngành lần sau đều xác lập được thêm các chế độ, chính sách, phúc lợi cho người lao động nhiều hơn và cao hơn các lần trước. Những nội dung chính được quy định trong các bản thỏa ước là mức thu nhập bình quân tiền lương, tiền ăn giữa ca, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, các chế độ chính sách dành riêng cho lao động nữ và các chế độ phúc lợi có giá trị bằng tiền dành cho người lao động.
Theo bà Hà, bản Thỏa ước lao động tập thể lần thứ VI sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong ngành dệt may, tạo sự ổn định trong quan hệ lao động của các doanh nghiệp tham gia, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài của Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành. Từ đó sẽ thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia thỏa ước.
Chính vì vậy, với bản thỏa ước này, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Công đoàn Dệt may: Tăng cường tuyên truyền tới người sử dụng lao động, các công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động về lợi ích Thỏa ước lao động tập thể ngành. Đồng thời, tiếp tục có các cơ chế phối hợp giữa 3 bên trong việc tuyên truyền, vận động và mở rộng 100% các doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội Dệt may Việt Nam tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành. Phối hợp chuyên môn tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng công đoàn tham gia tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc; tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn cơ sở kiến thức, kỹ năng đối thoại, kỹ năng thương lượng, nhất là kiến thức và kỹ năng thương lượng tập thể về tiền lương.
“Công đoàn Dệt may cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Thỏa ước lao động tập thể ngành tại các doanh nghiệp và đặc biệt tại công đoàn cơ sở tham gia Thỏa ước lao động tập thể ngành và thường xuyên, định kỳ thực hiện phân loại, đánh giá chính xác, thực chất chất lượng công tác thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể ngành và các bản Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp” - bà Trần Thị Thanh Hà yêu cầu.
Cũng tại lễ ký kết, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt may cam kết đồng hành, gắn bó hiệu quả, chặt chẽ và khăng khít cùng với người sử dụng lao động trong hệ thống; tiếp tục tập hợp tuyên truyền, thu hút vận động tổ chức các phong trào thi đua cũng như chăm lo một cách tốt nhất đến việc làm và đời sống của người lao động.
“Công đoàn Dệt may Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đưa việc các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở tham gia Thỏa ước lao động tập thể ngành là một tiêu chí quan trọng để thi đua và xét duyệt công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc, xét chứng nhận doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động cấp ngành và cấp quốc gia” - bà Phạm Thị Thanh Tâm khẳng định.
Theo Lãnh đạo Công đoàn Dệt may, qua 5 lần ký kết, Thỏa ước lao động tập thể đã phát huy vai trò xác định chính sách khung của ngành, làm cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện và điều chỉnh chế độ chính sách đối với người lao động, góp phần cải thiện việc làm, đời sống, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
“Với lần ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam lần VI này sẽ tiếp tục đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cũng như điều hòa lợi ích, hạn chế cạnh tranh về chi phí lao động giữa các doanh nghiệp trong hệ thống, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động dệt may trên cả nước” - Lãnh đạo Công đoàn Dệt may khẳng định.