Người dân cần làm gì trước các cuộc gọi đòi nợ kiểu “khủng bố”?
Liên tục gọi đòi nợ, nhắn tin quấy rối, đe dọa
Vừa qua, chị D.T.B.N (31 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) đã gửi đơn cầu cứu đến Báo Công Thương về việc bản thân chị bỗng dưng bị một nhóm người xưng là nhân viên một công ty tài chính gọi điện, nhắn tin quấy rối, xúc phạm danh dự và nhân phẩm, đe dọa đưa hình ảnh chị N và gia đình lên mạng xã hội để bôi nhọ, dọa giết bố mẹ và dọa sẽ gây hại đến con chị N…
Theo đơn chị N, giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020 chị N làm việc tại một công ty cung ứng lao động tạm thời trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Tại thời điểm đó chị N dùng số điện thoại của mình làm số đại diện cho người lao động để giải đáp thắc mắc cho có nhu cầu tuyển dụng lao động và giải quyết chế độ lao động cho người lao động. Đến tháng 10/2020, chị N đã chấm dứt Hợp đồng lao động tại công ty này.
Đến khoảng tháng 5/2022 chị N bắt đầu nhận được những tin nhắn, cuộc gọi từ các ngân hàng, công ty tài chính yêu cầu cung cấp thông tin nhân sự là người lao động do những người này đang có khoản vay quá hạn.
Chị N đã giải thích là không còn làm việc tại công ty cung ứng lao động đó và cung cấp số điện thoại liên hệ của công ty để nhóm người này liên hệ. Tuy nhiên thời gian gần đây, tần suất gọi điện, nhắn tin của nhóm người xưng là nhân viên công ty tài chính này lại nhiều lên. Đồng thời, xuất hiện những cuộc gọi, tin nhắn có nội dung đe dọa, khủng bố tinh thần chị N.
“Những người này gọi điện và nhắn tin yêu cầu tôi phải có trách nhiệm đôn đốc một người lạ mà tôi không biết trả nợ cho chúng. Ngoài ra, nhóm người này còn khai thác thông tin cá nhân của tôi bất hợp pháp như: Thông tin về ngày sinh, địa chỉ, quá trình làm việc, khai thác số điện thoại của người thân tôi để nhắn tin, gọi điện quấy rối, dọa đưa hình ảnh của tôi lên mạng xã hội để bôi nhọ, dọa giết bố mẹ tôi và dọa sẽ gây hại đến con tôi…” - chị N hoang mang chia sẻ.
Chị N liên tục bị gọi điện, nhắn tin quấy rối, đe dọa |
Theo chị N, do liên tục bị gọi điện, nhắn tin quấy rối nên chị đã chặn rất nhiều số nhưng chặn số này thì họ lấy số khác gọi. Không còn cách nào khác, chị N phải gửi đơn cầu cứu đến Công an và các cơ quan có thẩm quyền can thiệp.
Tương tự, chị H (MC một Đài truyền hình ở địa phương) cho biết cũng là nạn nhân của các vụ đòi nợ kiểu giang hồ này. Chị H bị quấy rối khi một đồng nghiệp đưa số điện thoại của chị làm số liên hệ cho hồ sơ vay tiền của họ. Bên thu hồi nợ liên tục gọi quấy rối, chỉ đến khi chị H phản ánh vụ việc đến cơ quan Công an thì sự việc mới ngừng lại.
Theo luật sư Nguyễn Khánh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), vài năm trở lại đây, sự nở rộ của các công ty tài chính đã trở thành cứu cánh cho rất nhiều người trong việc giải quyết nhu cầu vay tiền thông qua hình thức vay tín chấp, vay qua app, tức là người vay sẽ sử dụng "uy tín" của mình để bảo đảm cho khoản vay. Khi làm hồ sơ vay, người đi vay phải cung cấp thông tin cá nhân (căn cước công dân, hộ khẩu) và thông tin liên lạc của người thân, thậm chí là bạn bè để bên cho vay có thể liên lạc khi đòi nợ. Sẽ không có chuyện gì nếu người vay đóng đủ tiền hàng tháng.
Ngược lại, nếu người vay có lỡ quên hoặc cố tình không thanh toán tiền vay thì hàng loạt cuộc điện thoại, tin nhắn từ những số lạ sẽ liên tục làm phiền người thân, bạn bè của người vay, từ nhỏ nhẹ đề nghị nhắc nhở người vay trả nợ đến đe dọa, khủng bố.
“Thậm chí có người khi nhận được điện thoại còn không biết là mình quen người vay tiền bởi lẽ số điện thoại của họ được thêm vào một cách ngẫu nhiên để hợp thức hóa hồ sơ vay, trong khi thực tế không có mối quan hệ nào” - luật sư Nguyễn Khánh cho hay.
Phải làm gì khi bị gọi điện đe dọa?
Về chế tài xử lý những hành vi này, luật sư Nguyễn Khánh thông tin rằng Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Khoản 7 Điều 1 quy định biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 (năm) lần/1 ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ.
Ngoài ra, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
“Ác mộng” những cuộc gọi đòi nợ |
Trước tình trạng nhiều người dân bị “khủng bố” đòi nợ dù không liên quan đến các khoản vay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin như sau:
Thứ nhất, người dân cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. (Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng).
Thứ hai, thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên.
Thứ ba, sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.
Thứ tư, nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thứ năm, tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…
“Để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp” - Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền. Khi cung cấp số điện thoại, phải được sự đồng ý của cơ quan, đồng nghiệp,…
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng cho biết, gần đây Cục có ghi nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích nhắc nhở, đe dọa, dù người dùng không vay nợ từ tổ chức, đơn vị liên quan. Những hình thức đòi nợ này gây bức xúc và ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc hằng ngày của người tiêu dùng. Có trường hợp chủ thuê bao bị gọi điện quấy rối liên tục trong thời gian dài với tần suất cao lên tới hàng chục cuộc gọi mỗi ngày. |