Người Chơ Ro ở Đồng Nai phát triển kinh tế nhờ trồng rừng bền vững
Kể từ khi mô hình trồng rừng bền vững - FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững) ra đời, đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho đồng bào người dân tộc Chơ Ro ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Với tiền công trồng rừng từ 5-7 triệu và 1,5 -1,7 triệu đồng/ha chăm sóc và bảo vệ, thu nhập từ trồng và chăm sóc rừng của một người dân ở đây cũng đạt khoảng 35-40 triệu đồng cho khoảng130- 150 ngày công/năm. Với nguồn thu nhập ổn định này người dân đã từng bước ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo.
30 năm gắn bó với “rừng bền vững FSC”
Giờ đây người Chơ Ro ở Định Quán, Đồng Nai đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ tham gia trồng và bảo vệ, chăm sóc rừng theo tiêu chí FSC.
Theo chân các cán bộ Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp La Ngà, chúng tôi có mặt tại Tổ 5, ấp 5 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai để được nhìn thấy những cánh rừng được trồng và chăm sóc bởi 120 hộ dân là người đồng bào dân tộc Chơ Ro.
Già làng Út Lan kể về 30 năm gắn bó với làm rừng FSC |
Già làng người Chơ Ro ở Thanh Sơn Điểu Thị Út Lan năm nay đã 58 tuổi, nhưng đã có 30 năm gắn bó với nghề trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng.
Theo Già làng Út Lan cho biết, cộng đồng 120 hộ dân người dân tộc Chơ Ro ở đây nhận khoán trồng, chăm sóc, vệ sinh rừng, phòng chống cháy rừng là 70 ha từ Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp La Ngà.
Theo đó, mỗi hec-ta công trồng rừng người dân Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp La Ngà trả 5 triệu đồng, và 1,7 triệu đồng/ ha công chăm sóc, bảo vệ rừng, mỗi năm người dân sẽ thực hiện hai đợt chăm sóc, bảo vệ rừng.
“Nếu tính theo ngày công lao động thì mỗi người dân tham gia trồng rừng được trả khoảng 250 nghìn đồng/ngày công, mỗi năm người dân tham gia khoảng 130 ngày công. Như vậy thu nhập cũng được trên 30 triệu/ người. Có những hộ dân gia đình có từ 3-4 người tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng thì thu nhập cũng được khoảng trên dưới 100 triệu đồng”, già làng Út Lan chia sẻ “Như vậy cùng với làm nông nghiệp thì việc tham gia làm rừng đã giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo, nhờ đó có cuộc sống ổn định, qua đó gắn bó với rừng và yêu rừng, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân chứ không chỉ còn là lợi ích của nhà nước hay của doanh nghiệp nữa”.
Kiên định mục tiêu “làm rừng bền vững”
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp La Ngà (gọi tắt La Ngà) chia sẻ, hiện công ty đang quản lý, chăm sóc và bảo vệ khoảng 170 nghìn hec-ta rừng, trong đó rừng trồng sản xuất chủ yếu là keo ( hay còn gọi là Tràm) đang cho khai thác với tổng diện tích khoảng 5.900 ha.
Theo đó, La Ngà là công ty thành viên thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – Công ty cổ phần (VINAFOR) và cũng là đơn vị thành viên của Nhóm chứng chỉ rừng thuộc VINAFOR.
Chứng chỉ rừng FSC (quản lý rừng bền vững) của Nhóm được cấp lần đầu vào tháng 9 năm 2013. Công ty luôn cam kết thiết lập và duy trì lâu dài hệ thống quản lý rừng bền vững, xây dựng và thực hiện các chính sách tuân thủ quy định về quản lý rừng bền vững của FSC.
Những khu rừng được cấp chứng chỉ FSC của Công ty La Ngà |
“Để thực hiện các tiêu chuẩn để đánh giá được FSC, công ty phải xây dựng tiêu chuẩn, hệ thống quy trình theo thực tế sản xuất để nó đáp ứng được tiêu chí của FSC. Khi xây dựng được quy trình rồi thì quá trình áp dụng quy trình vào thực tế sản xuất để mình giám sát các hoạt động quản lý rừng nhằm đạt mục tiêu theo các tiêu chuẩn FSC”, ông Cường chia sẻ.
Nhờ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và người dân địa phương, trong những năm qua công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng của La Ngà được thực hiện tốt. Cũng theo ông Cường cho biết, cán bộ công ty chỉ làm công tác quản lý, giám sát còn các hoạt động còn lại chủ yếu là người dân địa phương. Mỗi năm La Ngà sử dụng từ 500-700 lao động là người dân địa phương tại xã Thanh Sơn của huyện Định Quán”.
Hiện sản lượng gỗ khai thác của La Ngà trung bình mỗi năm đạt khoảng 30.000 m3 tương đương 200 - 300 hec-ta, toàn bộ đều là gỗ keo thuộc rừng trồng sản xuất đạt chứng chỉ FSC.
Do các sản phẩm gỗ của La Ngà đã được cấp chứng chỉ FSC nên sản phẩm đồ gỗ của các doanh nghiệp chế biến từ nguồn gỗ của La Ngà là gỗ hợp pháp, hoàn toàn đáp ứng theo yêu cầu của Hiệp định VPA/FLEGT - Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản được ký kết giữa Việt Nam và EU.
“Những gỗ mà có chứng chỉ FSC thì có lợi thế về thương mại hơn khi mà yêu cầu về “bền vững” và “hợp pháp” đã trở thành nguyên tắc cho các sản phẩm gỗ muốn xuất sang thị trường EU, Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Do vậy các doanh nghiệp sẽ lựa chọn gỗ có chứng chỉ thay vì gỗ không rõ nguồn gốc”, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Gỗ đạt chứng chỉ FSC có lợi thế cạnh tranh hơn và là tiêu chí bắt buộc để đảm bảo sản phẩm đồ gỗ được sản xuất từ nguồn gỗ hợp pháp được nhiều thị trường quốc tế yêu cầu |
Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân địa phương sống được bằng nghề trồng rừng và gắn bó với rừng, Công ty La Ngà đã cử cán bộ kỹ thuật xuống từng thôn/ấp để hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc ở đây.
Toàn bộ cây giống, vật tư, kỹ thuật... được Công ty La Ngà hỗ trợ cho đồng bào dân tộc. Có những hộ gia đình là người dân tộc Chơ Ro đã gắn bó với rừng với Công ty La Ngà hàng chục năm nay.
Bà Lý Thị Nhiên ở Thanh Sơn chia sẻ, gia đình tôi chỉ có 4 người thì có đến 3 người tham gia ký hợp đồng trồng và chăm sóc rừng với Công ty La NGà, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng mà chỉ tham gia làm 1/3 thời gian trong năm, thời gian còn lại chúng tôi làm nông nghiệp, tham gia sơ chế nông sản cho các công ty/xí nghiệp ở địa phương như: tách hạt điều, thu hái tiêu... nhờ đó không chỉ riêng gia đình tôi mà ở đây gia đình nào cũng có của ăn, của để. Đời sống kinh tế khá, nhờ đó an ninh trật tự được giữ vững và đảm bảo.
Có thể thấy, mô hình trồng rừng FSC có lợi thế hơn rất nhiều so với các loại rừng trồng theo cách làm truyền thống. Ngoài việc đem lại đời sống kinh tế ổn định nông dân trồng rừng, thì nhìn một tầm xa hơn, trồng rừng FSC phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp và môi trường Việt Nam.