Chủ nhật 22/12/2024 19:10

Nghệ An: “Cánh cửa” xuất khẩu lao động đã rộng mở

Hai tháng cuối năm 2021, ba thị trường trọng điểm là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản đều đã có thông báo mở cửa mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động Việt Nam. Trong năm 2021, Nghệ An đã đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng 11.210 người, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người xuất khẩu lao động

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH ) tỉnh Nghệ An, trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu, rộng của dịch Covid-19 nhưng công tác giải quyết việc làm của tỉnh Nghệ An vẫn vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tỉnh này đã giải quyết việc làm cho 40.294 người (đạt 104,66% kế hoạch) trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 11.210 người (đạt 89,69% kế hoạch), tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Nghệ An, người dân xếp hàng chờ đến lượt làm lý lịch tư pháp để đi xuất khẩu lao động

Trong số đó, địa phương có số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cao ở các huyện Nghi Lộc (1.200 người), Diễn Châu (1.075 người), Yên Thành (1.163 người).

Đáng chú ý là số lao động đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu tăng hơn so với các năm trước. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề tăng lên, chiếm khoảng trên 60% (chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình); còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề. Cụ thể: 3.657 người đang làm việc tại Nhật Bản, 647 người làm việc tại Hàn Quốc, một số nước thuộc thị trường châu Âu cũng có số lao động xuất khẩu tăng. Đài Loan vẫn là thị trường lao động dẫn đầu về số lao động Nghệ An đang làm việc, với 4.847 người.

Theo ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, mức thu nhập do người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 15-30 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình. Nhiều lao động sau khi làm việc ở nước ngoài trở về nước có tay nghề cao, tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nâng cao chất lượng lao động sẵn sàng xuất cảnh

Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được xác định là mũi nhọn trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân Nghệ An. Công tác này đã nhận được sự quan tâm và phối hợp có hiệu quả giữa ngành LĐ-TB&XH với chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, kết quả XKLĐ trong năm 2021 chưa đạt được như kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của người lao động trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhiều hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới đưa sang một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan… làm việc, cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân. Một bộ phận lao động làm việc tại Hàn Quốc hết thời hạn hợp đồng không về nước.

Nghệ An chú trọng nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng các thị trường "khó tính" nhưng thu nhập cao và ổn định

Những điều này đã gây thiệt hại nhiều mặt cho bản thân người lao động và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn. Thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 3 địa phương đang bị "cấm cửa" sang Hàn Quốc, bao gồm: Nam Đàn, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.

Từ cuối năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lao động đã được đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhưng chưa thể xuất cảnh do phía bạn chưa tiếp nhận. Mặt khác, đại dịch Covid-19 làm nhiều lao động Nghệ An (cả trong và ngoài nước) rơi vào tình trạng không có việc làm, mất và giảm thu nhập.

Một lực cản nữa cần phải nhắc tới là nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài lớn nhưng trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ còn yếu. Cùng với đó là ý thức chấp hành kỷ luật của một số lao động còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao, ổn định như: Đức, Nhật Bản, Singapore, Australia...

Cùng với đó, số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năng lực còn hạn chế. Hiện tại, Nghệ An mới chỉ có 3 doanh nghiệp XKLĐ trực tiếp, còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp ở tỉnh ngoài về tuyển hoặc đặt văn phòng đại diện, điểm tư vấn trên địa bàn tỉnh.

Thực trạng này gặp nhiều khó khăn và gây tốn kém cho người lao động trong đào tạo và giáo dục định hướng. Bên cạnh duy trì thị trường truyền thống, ngành LĐ-TB&XH phối hợp các doanh nghiệp nghiên cứu, mở rộng thị trường lao động, chú trọng các thị trường có thu nhập cao, môi trường làm việc tiên tiến. Ngoài giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, từng ngành, tỉnh Nghệ An huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền về pháp luật cũng như các chính sách hỗ trợ tư vấn, vay vốn, cung cấp thông tin thị trường lao động và doanh nghiệp XKLĐ cho người dân...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay, nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài lớn nhưng trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật lao động của một số lao động còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao, ổn định. Tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật ở nước sở tại vẫn còn xảy ra, lao động hết hạn hợp đồng không về nước.

Để công tác XKLĐ trong tình hình mới thực sự khởi sắc, ông Bùi Đình Long yêu cầu các cấp, ngành, doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động theo hợp đồng; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia.

Cùng với đó, tiếp tục mở rộng khai thác thị trường lao động nước ngoài; đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền địa phương đối với hoạt động tuyển chọn lao động trên địa bàn.... để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày càng đi vào nề nếp, có chất lượng.

Trong năm 2022, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 42.900 người, trong đó đưa 13.550 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ, tỉnh Nghệ An chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động để có thể đáp ứng được các thị trường khó tính.
Hoàng Trinh

Tin cùng chuyên mục

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững

Cảng biển Quảng Ninh: Đón đầu cơ hội tăng trưởng

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Hải Dương: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng UKVFTA, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Đa dạng hoá sản phẩm, đưa du lịch Sơn La phát triển

Thành phố Sơn La - Gia tăng giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản

Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2024