Thứ sáu 27/12/2024 00:42

Ngày này năm xưa 3/12: Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh, Luật Điện lực; Ngày Quốc tế người khuyết tật

Ngày này năm xưa 3/12: Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh, Luật Điện lực; Ngày Quốc tế người khuyết tật. Việt Nam tham gia đàm phán để gia nhập tổ chức WTO.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” của Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 3/12 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 3/12.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 3/12/1908: Ngày sinh nhà cách mạng Ngô Gia Tự.

Nhà hoạt động cách mạng Ngô Gia Tự - Ảnh: QĐND

Ngô Gia Tự là người có công giúp thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ.

Ngày 3/12/1945: Khai mạc Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc.

Lần đầu tiên đại biểu các dân tộc ít người ở Việt Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên về họp mặt ở thủ đô Hà Nội, nhằm biểu dương tình đoàn kết giữa các dân tộc. Trong diễn văn khai mạc, Hồ Chủ tịch nói: "Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy độc lập còn cần đoàn kết hơn nữa".

Ngày 3/12/1995: Ngày mất Nhà hoạt động các mạng Hà Huy Giáp.

Hà Huy Giáp sinh năm 1908, là Nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II (dự khuyết), khóa III, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó ban nghiên cứu lịch sử Đảng.

Hà Huy Giáp từng bị giặc bắt và đày ra Côn Đảo. Ông cùng các đồng chí biến nhà tù thực dân thành trường học cộng sản. Về sau, Hà Huy Giáp tham gia Cách mạng Tháng Tám với vai trò chỉ đạo tổng khởi nghĩa tại Biên Hòa.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Huy Giáp giữ vai trò tuyên huấn, giáo dục. Là cán bộ cấp cao nhưng ông sống liêm khiết, giản dị.

Ngày 3/12/1998: Việt Nam tham gia vào đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tuy nhiên, phải đến 8 năm sau, tức cuối năm 2006, đầu năm 2007, Việt Nam mới chính thức gia nhập WTO, mở ra chương mới trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.

Ngày 3/12/2004: Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2005 và là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh mối quan hệ cạnh tranh giữa các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường. Luật này là hành lang pháp lý quan trọng giúp tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Mặc dù đạt được một số thành tựu nhất định nhưng kết quả hơn 14 năm thi hành Luật Cạnh tranh 2004 đã có những điểm không còn phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập, ngày 12 tháng 6 năm 2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi, bổ sung) năm 2018 (Luật Cạnh tranh 2018), có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2019 với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung so với Luật Cạnh tranh 2004.

Ngày 3/12/2004 Quốc hội đã ban hành Luật Điện lực

Ngày 3/12/2004: Quốc hội thông qua Luật Điện lực.

Luật Điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 3/12/2004. Sự ra đời của Luật Điện lực đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điện lực, nâng cao tính minh bạch, công bằng cho các bên tham gia hoạt động lĩnh vực điện lực, góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện năng cho nền kinh tế đất nước.

Ngày 3/12/2008: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, thực hành tiết kiệm.

Sự kiện quốc tế

Ngày 3/12 hàng năm: Ngày Quốc tế người khuyết tật.

Phát triển bền vững giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật được coi là phương thức giáo dục chủ yếu để thực hiện các quyền cơ bản của người khuyết tật

Liên hợp quốc chính thức lấy ngày 3/12 làm Ngày Quốc tế Người khuyết tật, với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật.

Ngày 3/12/1800: Chiến tranh Liên minh thứ hai.

Quân đội Pháp giành được thắng lợi quyết định trước quân Áo trong trận Hohenlinden ở gần München.

Ngày 3/12/1818: Illinois trở thành tiểu bang thứ 21 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Ngày 3/12/1910: Những đèn ống đầu tiên không dùng dây tóc được sử dụng để chiếu sáng đường phố nước Pháp.

Nhà phát minh Georges Claude - Ảnh: Scoopnest

Người phát minh ra đèn ống là Georges Claude. Hiện nay, đèn ống neon được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong các gia đình. Ưu điểm của nó là tiêu thụ điện năng ít, ánh sáng dịu.

Ngày 3/12/1959: Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca hiện nay của Singapore được bắt đầu sử dụng, 6 tháng sau khi lãnh thổ này giành được quyền tự trị trong Đế quốc Anh.

Ngày 3/12/1967: Ca ghép tim đầu tiên trên thế giới được tiến hành

Nửa đêm ngày mùng 2, rạng sáng ngày 3 tháng 12 năm 1967, ca ghép tim đầu tiên trên thế giới được tiến hành. Người được ghép tim là bệnh nhân Louis Washkansky 53 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối. Trái tim được lấy từ cơ thể cô Denise Darvall, 25 tuổi, bị chết não do một tai nạn thương tâm.

Giáo sư Velva Schrire, người đứng đầu nhóm bác sĩ chuyên khoa tim mạch Bệnh viện Groote Schuur. Ông đã mạo hiểm quyết định phương pháp ghép tim, vốn mới chỉ thành công trên chó vào năm 1958 tại Mỹ. May mắn, ca phẫu thuật đã thành công.

Ngày 3/12/1973: Tàu vũ trụ Pioneer 10 của Hoa Kỳ gửi về những hình ảnh cận cảnh đầu tiên của sao Mộc.

Ngày 3/12/1979: Ayatollah Ruhollah Khomeini trở thành Lãnh đạo tối cao của Iran sau cuộc cách mạng Hồi giáo.

Ngày 3/12/1984: Thảm họa Bhopal.

Một lượng hợp chất hữu cơ Methyl isocyanate bị rò rỉ từ nhà máy thuốc trừ sâu của hãng Union Carbide tại Bhopal, Ấn Độ, ngay tức khắc làm thiệt mạng 3.800 người và khiến 150.000–600.000 người khác bị thương (khoảng 6.000 người sau đó tử vong do tổn hại sức khỏe), đây là một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử.

Ngày 3/12/1992: Tin nhắn văn bản đầu tiên được gửi từ máy tính cá nhân qua mạng Vodafone tới điện thoại cá nhân.

Ngày 3/12/2014: Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phóng tàu thám hiểm không gian Hayabusa2 nhằm tiếp cận tiểu hành tinh 162173 Ryugu.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 3/12/1925: Từ Quảng Châu, với bí danh “Nilovski”, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân báo cáo về việc thực thi nhiệm vụ thu thập thông tin về nông dân Trung Quốc và về số bán nguyệt san về nông dân đang được thực hiện.

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: QĐND

Ngày 3/12/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Người nói: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”. Về nhiệm vụ của Chính phủ, Bác nhấn mạnh: “Anh em thiểu số chúng ta sẽ được: 1. Dân tộc bình đẳng: Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu bất bình (đẳng) trước sẽ sửa chữa đi. 2. Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt: a) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng. b) Về văn hoá, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc. Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình”. Cũng trong một bức thư viết cùng ngày gửi đồng bào thiểu số, Bác thông báo rằng ngày 3 tháng 12 năm nay (1945) “là một ngày rất vẻ vang cho nước Việt Nam... Hơn 20 dân tộc, họp lại một nhà, tay bắt mặt mừng, rất là thân ái. Đó là một cuộc Đại hội xưa nay chưa từng có, một cuộc thân thiện làm cho cả nước vui mừng”.

Ngày 3/12/1946: Hồ Chủ tịch chuyển đến ở và làm việc tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông.

Tại đây, Hồ Chủ tịch đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng bàn việc chuẩn bị kháng chiến và Người viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" gửi đồng bào và chiến sĩ toàn quốc.

Ngày 3/12/1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa I.

Khi trình bày về chính sách đối ngoại, Người đã nhắc lại câu trả lời phỏng vấn của một nhà báo Thuỵ Điển: “Chúng ta ủng hộ phong trào hòa bình thế giới. Nhưng chúng ta tuyệt đối chớ có ảo tưởng rằng hòa bình là một việc dễ dàng. Hòa bình phải do đấu tranh gian khổ mới giành được”.

Ngày 3/12/1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh nhằm thi hành Hiệp định Giơnevơ.

Bác phát biểu: “Chính sách của ta bây giờ là chĩa mũi nhọn vào Mỹ. Đối với Pháp, ta cố gắng gây không khí hòa dịu, nhất là các báo, đài phát thanh phải chú ý khi nào cần nói hãy nói... Về đối nội, nhiệm vụ quan trọng là giải quyết vấn đề lương thực, việc làm và thuế. Người lưu ý hoạt động của các ngành văn hóa, nghệ thuật cũng phải phục vụ nhiệm vụ chống Mỹ”.

Ngày 3/12/1961: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6.

Hội nghị bàn về việc Đảng bộ miền Nam ra công khai và đưa ra quan điểm: “Miền Nam đã có Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì cũng cần có chính đảng cách mạng của mình”.

Nguyễn Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Luật Điện lực (sửa đổi)

Tin cùng chuyên mục

Ngày này năm xưa 27/2: Ngày Thầy thuốc Việt Nam; Quy định hàng hóa mua bán qua cửa khẩu phụ biên giới

Ngày này năm xưa 26/2: Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống đường ống xăng dầu

Ngày này năm xưa 25/2: Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 18

Ngày này năm xưa 24/2: Bộ Công Thương ra Thông tư quy định về giá bán điện

Ngày này năm xưa 23/2: Bổ sung thành viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế

Ngày này năm xưa 22/2: Ban hành Nghị định về vật liệu nổ công nghiệp

Ngày này năm xưa 21/2: Bộ Công Thương phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Hồi Xuân

Ngày này năm xưa 20/2: Khánh thành đường hàng không nối Thủ đô Hà Nội với Thủ đô Viêng Chǎn

Ngày này năm xưa 19/2: Ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Ngày này năm xưa 18/2: Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác

Ngày này năm xưa 17/2: Ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP

Ngày này năm xưa 16/2: Quy định kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện

Ngày này năm xưa 15/2: Ban hành quyết định về Ngày truyền thống ngành xăng dầu Việt Nam

Ngày này năm xưa 14/2: Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình

Ngày này năm xưa 13/2: Hợp nhất Nghị định về kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương

Ngày này năm xưa 12/2: Quy định về việc phát triển, quản lý hoạt động thương mại điện tử

Ngày này năm xưa ngày 11/2: Bộ Chính trị ban hành Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia

Ngày này năm xưa 10/2: Ngày thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Ngày này năm xưa ngày 9/2: Bộ Công Thương quy định về điều kiện đầu tư lĩnh vực kinh doanh thực phẩm

Ngày này năm xưa 8/2: Ban hành Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực