Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 12/2 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 12/2/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 16/SL thành lập Phòng Dân quân toàn quốc thuộc Cục Chính trị - Bộ Quốc phòng (tiền thân của Cục Dân quân tự vệ).
Ngày 12/2/1973, toán phi công Hoa Kỳ đầu tiên bị bắt sống ở miền Bắc được Chính phủ ta trao trả tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Toán đầu tiên này gồm 116 tên (trong tổng số 472 tên bị bắt trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ từ 1964-1973) lái nhiều loại máy bay thuộc không quân, hải quân, lính thuỷ đánh bộ, bị bắt ở hầu hết các tỉnh trên miền Bắc. Chiều 29/3, toán giặc lái cuối cùng gồm 107 tên được trao trả cho phía Hoa Kỳ tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội).
Ngày 12/2/1974, đã diễn ra Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ ba. Về dự có 507 đại biểu và còn có Đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam, Đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn thế giới. Đại hội quyết định sửa đổi điều lệ Công đoàn và bầu Ban Chấp hành Tổng công đoàn.
Tại đại hội này, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho phong trào sản xuất và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ngày 12/2/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 12/2/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 - 2012 theo cơ chế thị trường.
Hướng tới phát triển thương mại điện tử một cách bền vững |
Ngày 12/2/2010, Bộ Công Thương có Quyết định số 0863/QĐ-BCT ban hành mục tiêu chất lượng, chính sách chất lượng và kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng năm 2010 của Bộ Công Thương.
Từ ngày 11 đến ngày 14/02/2014, Phiên đàm phán thứ tư cấp Bộ trưởng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Bêlarút, Cadắcxtan và Nga đã diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Ngày 12/2/2015, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 02/2015/TT-BCT quy định việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015 với thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hoá có xuất xứ từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ Lào được áp dụng hạn ngạch thuế quan năm 2015 với thuế nhập khẩu 0% gồm thóc và gạo các loại, lá và cọng thuốc lá các loại với tổng hạn ngạch là 3.000 tấn. Điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan 0% là hàng hóa nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan thẩm quyền của Lào cấp theo quy định. Đồng thời, hàng hóa phải được thông qua 12 cặp cửa khẩu quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BCT.
Cùng ngày 12/2/2015, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1539/QĐ-BCT về việc chỉ định tổ chức chứng nhận phân bón vô cơ.
Ngày 12/2/2018, Bộ Công Thương ban hành Nghị định số 11/VBHN-BCT về thương mại điện tử. Nghị định này quy định về việc phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Đáng chú ý, tại Điều 4. Các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử, quy định rõ vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép theo các quy định của Nghị định này; có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký hoặc xin cấp phép các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử...
Ngày 12/2/2019, Bộ Công Thương Ban hành Quyết định số 281/QĐ-BCT về khung giá phát điện năm 2019.
Quyết định áp dụng cho đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 57/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Theo đó, mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí cảng biển và hạ tầng cơ sở dùng chung) áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện than quy định như sau: Nhà máy công suất tinh 1 x 600 MW có mức trần 1.896,05 đồng/kWh; nhà máy công suất tinh 2 x 600 MW có mức trần 1.677,02 đồng/kWh.
Mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy thủy điện là 1.110 đồng/kWh.
Sự kiện quốc tế
Ngày 12/2/1809: Ngày sinh Nhà sinh vật học lỗi lạc người Anh Charles Robert Darwin. Nǎm 1859, ông xuất bản tác phẩm có giá trị nhất của mình là "Nguồn gốc các loài, con đường chọn lọc tự nhiên". Cuốn sách thực sự là một cuộc cách mạng trong ngành khoa học tự nhiên cho rằng vạn vật đều biến đổi. Nǎm 1868, ông xuất bản cuốn "Sự biến đổi của động vật và thực vật trong chǎn nuôi và trồng trọt". Sau đó ông mở rộng học thuyết tiến hoá với tác phẩm "Nguồn gốc loài người và sự chọn lọc giới tính". Ông qua đời ngày 19/4/1882.
Ngày 12/2/1912: Bác sĩ y khoa và thực vật học người Na Uy Gerhard Armauer Hansen qua đời. Ông là người đã tìm thấy vi khuẩn gây bệnh phong (còn gọi là vi khuẩn Hansen) vào năm 1874. Ông dạy học tại viện bài trừ bệnh phong Bergen. Qua nhiều bài nghiên cứu đǎng trên sách báo, Hansen đã chứng minh bệnh phong khó lây lan và hoàn toàn có thể chữa được tuỳ theo mức độ phát hiện bệnh sớm hay muộn.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 12/2/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời “Chính phủ Cao Miên giải phóng” hoan nghênh việc thành lập một “Uỷ ban giải phóng Việt-Miên-Lào”. Người tin tưởng rằng với tinh thần tranh đấu cao lại gắng đi tới một sự cộng tác chặt chẽ thì thắng lợi thế nào cũng về ta và chúng ta nhất định sẽ giành được độc lập.
Bác Hồ trò chuyện với xã viên Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh tư liệu) |
Ngày này 3 năm sau đó, Người ký Sắc lệnh số 20/SL quyết định tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân để tiến tới tổng phản công. Sắc lệnh nêu rõ: “Tất cả nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân đều đặt dưới chế độ pháp luật đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh”.
Ngày 12/2/1956 (Mùng 1 Tết Bính Thân): Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chúc Tết đại biểu nhân dân Hà Nội, anh chị em miền Nam tập kết, học sinh Trường Cán bộ dân tộc thiểu số, bà con Hoa kiều; chúc Tết cán bộ, công nhân Việt Nam, Trung Quốc và Âu - Phi ở đội cầu Trần Quốc Bình tại công trường xây dựng cầu Việt Trì; thăm và chúc Tết bà con nông dân xóm Yên Định, xã Tiền Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; thăm và chúc Tết cán bộ, học viên Trường Bổ túc văn hóa cán bộ miền Nam.
Cũng trong ngày hôm đó, Người viết thư gửi các giáo viên, học sinh và thiếu nhi Việt Nam học tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân. Người thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái gửi lời chúc năm mới và mong các giáo viên, học sinh và thiếu nhi Việt Nam đoàn kết, thi đua học tập và giữ gìn sức khỏe.
Ngày 12/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm nhà máy chế tạo máy ở ngoại ô thành phố Bangalore; ghé thăm và trồng cây tại tượng đài của Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ.
Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Ảnh tư liệu) |
Ngày 12/2/1964 (tức 30 Tết Giáp Thìn): Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thǎm và chúc Tết công nhân, cán bộ tại khu tập thể các nhà máy: Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thǎng Long, khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở Phan Đình Phùng và một số gia đình ở Hà Nội.
Ngày 12/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự Đại hội thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” toàn miền Bắc, một trong những phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Phát biểu định hướng cho sự phát triến của phong trào, Người nhắc nhở: Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi, vẻ vang cần có hai điều: Một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần.
Trong lời dạy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những điều kiện đảm bảo cho phong trào thi đua thắng lợi phải bao gồm hai yếu tố: Đối tượng tham gia thi đua và chủ thể tổ chức phong trào thi đua. Theo đó, đối tượng tham gia thi đua là công nhân, nông dân phải có đạo đức cách mạng, có trách nhiệm cao và tinh thần làm chủ tập thể. Tức là, thi đua phải trên tinh thần vì chủ nghĩa tập thể chứ không vì chủ nghĩa cá nhân, thi đua không trở thành ganh đua mà trong thi đua phải nêu cao tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, chủ thể tổ chức phong trào thi đua ngoài việc có kế hoạch chu đáo còn phải có nhiều biện pháp thiết thực và quyết tâm cao.
Nhân ngày Tết cổ truyền, ngày 12/2/1969, Bác Hồ gặp gỡ các cháu thiếu nhi có cha mẹ đang công tác, chiến đấu tại miền Nam.