Ngành thép nỗ lực vượt khó trước sức ép kép từ sản xuất và tiêu thụ
Mặc dù còn cơ số áp lực, song nhiều “điểm sáng” cho ngành xây dựng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sắt thép dần lấy lại đà khởi sắc.
Sức ép tiềm ẩn từ chi phí đầu vào
Là đầu vào quan trọng hàng đầu cho sản xuất thép và chiếm khoảng 36% giá thành sản phẩm, xu hướng tăng của giá quặng sắt khiến các doanh nghiệp thép phải đối diện với áp lực chi phí. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sở Singapore kết thúc phiên giao dịch ngày 29/03 với mức tăng hơn 1% so với phiên trước đó lên 122,85 USD/tấn. Như vậy, kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại hồi tháng 1, giá mặt hàng nguyên liệu này đã tăng khoảng 40% so cuối năm 2022 và cao gấp 1,5 lần so với trung bình 5 năm qua.
Diễn biến giá quặng sắt 6 tháng |
Giá than thời gian gần đây mặc dù giảm khoảng 60% từ kỷ lục thiết lập hồi tháng 3/2022 xuống gần 200 USD/tấn, nhưng con số này vẫn cao gấp đôi so với mức trung bình 5 năm. Các nguyên liệu khác như thép phế liệu, thép cuộn cán nóng vẫn đang được giao dịch cao hơn so với giai đoạn cuối năm 2022.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam - cho biết: “Bài toán chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho ngành sản xuất thép vẫn là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp. Vào lần điều chỉnh gần nhất ngày 21/03, một số doanh nghiệp sản xuất thép đã nâng giá thêm 150.000 – 160.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép vằn thanh D10 CB300, lên khoảng 15,9 – 16 triệu đồng/tấn. Như vậy, sau 6 đợt điều chỉnh tăng liên tiếp từ đầu năm, mặt bằng giá thép hiện được đưa về giai đoạn tháng 7-8 năm ngoái, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 12,5 triệu đồng/tấn trước đợt tăng nóng kéo dài từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2022”.
Giá thép tăng chủ yếu là do giá nguyên liệu thô neo ở mức cao, khiến nhà sản xuất cần tăng giá bán nhằm bảo vệ biên lợi nhuận. Trong khi đó, nhu cầu đầu ra cũng đang là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong bối cảnh bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.
Bất động sản gặp khó, tiêu thụ sắt thép còn nhiều trở ngại
Tại Việt Nam, các đơn vị khảo sát đánh giá bất động sản trực tiếp đóng góp 15% tỷ trọng vào GDP của quốc gia, cùng với sức lan tỏa tới 40 ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng.
Khoảng 60% sản lượng thép được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng dân dụng tại Việt Nam, và điều này liên quan mật thiết tới thị trường bất động sản. Kể từ giữa năm 2022, chính sách kiểm soát tín dụng thận trọng trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản, khiến cho nhu cầu thép xây dựng có phần chững lại. Trong năm 2022, cả nước có 126 dự án phát triển nhà ở thương mại, với quy mô 55.732 căn hộ được cấp phép đầu tư, chỉ bằng 52,7% so với năm 2021.
“Sức ép đối với các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiềm ẩn trong năm 2023, với áp lực đáo hạn trái phiếu, hay những lo ngại từ điều kiện vĩ mô chung của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Điều này khiến cho các doanh nghiệp sản xuất thép rơi vào thế “gọng kìm”, một mặt là bài toán chi phí đầu vào, mặt khác là năng lực tiêu thụ đầu ra”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.
Sản xuất và tiêu thụ thép Việt Nam theo tháng |
Theo báo cáo từ Hiệp hội thép Việt Nam, mặc dù sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 2 có sự khởi sắc hơn so với tháng 1, nhưng xét trong 2 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 4,2 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,8 triệu tấn, cũng giảm 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng nhiều điểm sáng đang thắp lửa cho lĩnh vực xây dựng và bất động sản hơn trong giai đoạn tới. Các doanh nghiệp sản xuất thép do đó cũng được kỳ vọng có thể dần lấy lại đà khởi sắc, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm nay.
Nhiều “cú huých” trong chính sách sẽ là điểm tựa cho ngành thép
Nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Xây dựng đã đặt ra đối với thị trường bất động sản năm 2023 chính là thúc đẩy đầu tư, xây dựng và phát triển phân khúc nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Trong 2 năm 2021 và 2022 vừa qua, đã có tổng cộng 18 dự án nhà ở xã hội được cấp phép với quy mô hơn 11,000 căn. Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" sau khi Thủ tướng phê duyệt cũng sẽ được tập trung để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.
Dự án nhà ở xã hội được cấp phép theo quý |
Ông Phạm Quang Anh cho biết: “Để đảm bảo nhiệm vụ này, Chính phủ cũng đã quyết định giao cho Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Điều này sẽ “tiếp lửa” cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, trong đó có ngành thép, là cơ hội hóa giải bài toán nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh còn nhiều thách thức bủa vây.”
Ngoài ra, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành hồi đầu tháng 3 với điểm nhấn sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết nhằm xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này cũng mở ra các cơ hội nhất định giúp doanh nghiệp bất động sản có thêm thời gian tái cấu trúc sản phẩm, giải quyết một số khó khăn về nguồn vốn.
Bên cạnh đó, đầu tư công vẫn sẽ là điểm sáng tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong năm nay. Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được Chính phủ giao giải ngân đầu tư công với số vốn lên tới 94.161 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022. Mặc dù các áp lực vẫn sẽ còn hiện hữu đối với lĩnh vực sản xuất thép, nhưng với hàng loạt các chính sách phát triển kinh tế, ngành thép được kỳ vọng sẽ nỗ lực vượt khó và dần khởi sắc trong giai đoạn tới.