Ngành than chủ động hiện đại hóa công nghệ
Công ty CP Than Mông Dương đã đưa hệ thống thiết bị cơ giới hóa hạng nhẹ đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vào thi công, lắp đặt, với quy mô gồm: 96 giàn chống thủy lực, hệ thống máy khấu, máng cào và băng tải vận chuyển than. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ của Than Mông Dương đã vượt công suất thiết kế. Tính từ tháng 6/2020 đến nay, sản lượng than nguyên khai của lò chợ đạt 304.000 tấn/năm; năng suất lao động trực tiếp đạt từ 18,8-25,6 tấn/công, trung bình đạt 22,2 tấn/công.
Ngành than không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ trong khai thác |
Công ty Than Nam Mẫu - TKV đã đưa xe khoan ZCY-60 hai choòng, sử dụng khí nén vào đào lò. Đây là thiết bị đào lò cải tiến từ máy xúc cũ đã hết khấu hao hoạt động. Xe được thiết kế 2 choòng khoan, mỗi mũi khoan đạt năng suất 0,72m/phút, chiều sâu mũi khoan 1.900mm, góc quay 45 độ, tiến độ đào lò trung bình đạt 3,2m/ngày. Với những tính năng như vậy, thiết bị này phù hợp làm việc ở những gương lò có tiết diện lớn…
Hai hệ thống cơ giới hóa đào lò bằng máy combai EBH-45 của Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin vẫn đang tiếp tục phát huy hiệu quả. Đây là máy đào lò thế hệ mới, được thiết kế đa chức năng, phù hợp với sản xuất của mỏ hầm lò và tiết giảm được nhiều chi phí. Tính toán trên giá thành 1m lò đào mới, Than Vàng Danh tiết kiệm được 1,5 triệu đồng. Chi phí này được tái đầu tư sản xuất, tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Đây là các ví dụ cho thấy, hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất ngành than. Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, TKV đã chủ động nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến, đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các đơn vị trong tập đoàn. Đến nay, tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu về phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Phần lớn các đơn vị hầm lò đã thực hiện đồng bộ thiết bị cơ giới hóa trong khai thác như các công ty: Hà Lầm, Khe Chàm, Vàng Danh, Nam Mẫu,
Mạo Khê, Hồng Thái, Dương Huy, Thống Nhất, Hạ Long, Mông Dương.
Trong lĩnh vực khai thác lộ thiên, đã ứng dụng các công nghệ mới trong việc khai thác xuống sâu dưới mức thoát nước tự chảy, áp dụng các thiết bị làm tơi đất đá bằng phương pháp không cần nổ mìn; công nghệ khoan, nổ mìn trong điều kiện lỗ khoan ngập nước; công nghệ sử dụng thiết bị đào lò vận tải liên hợp…
Hay trong lĩnh vực sàng tuyển than, đã áp dụng các công nghệ sàng tuyển tiên tiến để nâng cao chất lượng thành phẩm, tận thu than bã sàng và than chất lượng xấu bằng công nghệ huyền phù tang quay và huyền phù tự sinh…
Đặc biệt, ngành than đã chủ động thiết kế, chế tạo công nghệ, thiết bị để tránh lệ thuộc vào nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đáng chú ý, là việc chế tạo thành công thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo đã góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật cho đội ngũ các cán bộ nghiên cứu, kỹ sư, công nhân trong việc làm chủ các vấn đề từ khâu thiết kế, lập quy trình công nghệ, chế tạo thiết bị và thi công các công trình khai thác mỏ sâu…
Việc đầu tư đổi mới công nghệ trong ngành khai thác than và khoáng sản đã góp phần tăng sản lượng khai thác bình quân 14%/năm. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc từ 10% lên 80% trong những năm qua. |