Ngành Công Thương Tuyên Quang: Chung sức đưa địa phương hội nhập
7 thập kỷ qua, cùng với sự thăng trầm của nền kinh tế đất nước, ngành Công Thương Tuyên Quang đã trải qua vô vàn khó khăn, thách thức từ thời kỳ bao cấp, đến đổi mới và thời kỳ hội nhập quốc tế. Đến hôm nay, Công Thương Tuyên Quang không những hòa nhịp với cả nước mà còn đang chủ động "đi tắt, đón đầu", tận dụng thời cơ hướng đến phát triển bền vững.
Ông Hoàng Anh Cương - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang - cho biết, trong những năm qua, đặc biệt giai đoạn 2015 - 2020, ngành Công Thương đã phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao về phát triển công nghiệp, thương mại, trong đó lĩnh vực công nghiệp có vai trò then chốt, được coi là một trong ba khâu đột phá của địa phương này. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng bình quân 16,3%/năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 10,8%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 12,3%/năm.
Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang |
Nhấn mạnh thêm về công nghiệp, đại diện Sở cho biết, thời gian qua, Tuyên Quang đã thát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về các ngành như công nghiệp chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp luyện kim, công nghiệp hỗ trợ. Cũng trong giai đoạn 2015 - 2020, địa phương này đã thu hút được 37 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Mặt khác, tỉnh thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu thuộc công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản phẩm may mặc, giấy..., thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á...
Ngoài ra, Tuyên Quang còn tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu lập tờ khai ngay trên địa bàn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Một số doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín", góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang. "Đây là những yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế - xã hội của Tuyên Quang, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng từng bước tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực" - ông Cương đánh giá.
Đồng thời, các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh tăng khá trong những năm qua đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của ngành Công Thương cả nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Những kết quả đó đã tạo tiền đề vững chắc cho địa phương bước sang thời kỳ mới. Theo ông Hoàng Anh Cương, thời gian tới, Sở sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phát huy tối đa năng lực sản xuất, phấn đấu đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch. Đồng thời, chủ động phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực lợi thế, thu hút có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu.
Tỉnh Tuyên Quang sẽ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm truyền thống để duy trì ổn định mặt hàng xuất khẩu. Hơn nữa, tỉnh sẽ khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ gắn với quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển thương hiệu sản phẩm. |