Thứ ba 26/11/2024 10:59

Ngành Công Thương làm theo lời Bác: “Để Xuân sau hơn Xuân này”

Thấm nhuần những lời dạy của Bác, ngành Công Thương đã và luôn nỗ lực phấn đấu để “Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này”.

Tết đến, Xuân về, chúng ta xúc động nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và những căn dặn của Người về phát triển kinh tế, công nghiệp thương mại nhằm phục vụ, nâng cao đời sống của nhân dân. Thấm nhuần những lời dạy của Người, ngành Công Thương đã và luôn nỗ lực phấn đấu để “Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này”.

Bác Hồ luôn quan tâm đến hoạt động của ngành Công Thương (Ảnh tư liệu)

Để cho dân có Xuân, có Tết Xuân Bính Tuất năm 1946, Tết độc lập đầu tiên, Hồ Chủ tịch gửi thư chúc Tết nhân dân cả nước: “Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui xuân mừng Tết với những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận, những gia quyến các chiến sĩ, những đồng bào nghèo nàn. Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết, Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”. Khi đi chúc Tết đồng bào nghèo, Người đã rơi nước mắt, mong sao ai cũng có Tết.

Mùa Xuân Canh Tý 1960, nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân, Hồ Chủ tịch đã viết bài báo “Mừng Xuân vĩ đại”, đăng trên Báo Nhân Dân: “Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí. Chúng ta ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này”.

Cũng trong mùa Xuân Canh Tý 1960, để cho dân có Xuân, có Tết, có cuộc sống ấm no vững chắc thì Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ những việc cụ thể Đảng đã và cần thực hiện: “Đảng đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà, mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”.

93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lãnh đạo đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhất là trong nhiệm vụ to lớn và vẻ vang: chăm lo cho nhân dân. Chỉ tính trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng: “Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên.

Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Con đường phía trước

Trong thành tựu chung ấy có đóng góp rất tích cực của ngành Công Thương. Ngày 14/5/1951, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 21 SL đổi tên Bộ Kinh tế (được thành lập ngày 28/8/1945) thành Bộ Công Thương. Trong quá trình trưởng thành phát triển, ngành Công Thương luôn thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy. Với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm, ngành Công Thương đã nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. Xin nêu một ví dụ: Những năm gần đây, ngành công nghiệp là lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, công nghiệp chiếm tỷ trọng 30% GDP…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp cũng như mối quan hệ hữu cơ giữa hai mũi nhọn kinh tế này.

Người nêu rõ: Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế, “phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai cái chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh, và nhanh chóng đi đến mục đích”.

Tết Canh Tý 1960, trong bài viết Con đường phía trước đăng trên Báo Nhân Dân ngày 20/1, Bác Hồ khẳng định con đường công nghiệp hóa chính là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta. Đến ngày 22/1, dự Hội nghị tổng kết công tác năm của Bộ Công nghiệp, Hồ Chủ tịch yêu cầu công nghiệp phải thực hiện phương châm “nhiều - nhanh - tốt - rẻ”, đồng thời phải bảo đảm sự vững chắc, sự liên tục, công nghiệp trung ương phải giúp đỡ công nghiệp địa phương, cần tránh làm ẩu… Những tư tưởng trên của Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã được ngành Công Thương thường xuyên chú trọng triển khai với kết quả ngày càng tích cực. Riêng trong năm 2022, nhiều kết quả tốt đẹp của ngành Công Thương đã được thể hiện rõ, tích cực góp phần cùng cả nước vững bước đi lên. Như khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2022 khép lại với nhiều khó khăn và thách thức nhưng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước đã đạt và vượt mức đề ra. Ngành Công Thương, với vai trò nòng cốt của nền kinh tế ở lĩnh vực công nghiệp và thương mại đã khẳng định được vị thế trụ cột, đóng góp quan trọng vào chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô của đất nước. Trong đó nổi lên là công nghiệp tăng trưởng ấn tượng.

Ngày 3/1/2023, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá năm 2022 chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu “năm 2022 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021” và tiếp tục yêu cầu “Năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022”. Toàn ngành Công Thương phấn khởi tự hào vì đã có những đóng góp vào thành tích chung của năm 2022, đồng thời cũng thấy rõ trách nhiệm của mình với nhiệm vụ mới của năm 2023.

Cùng với những vấn đề chiến lược, thì trong từng lĩnh vực, từng công việc, từng thời gian, những tư tưởng, lời dạy cụ thể của Hồ Chủ tịch đều được ngành Công Thương thực hiện tích cực và hiệu quả.

Làm theo lời Bác để dân giàu, nước mạnh

Từ rất sớm, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ giá trị kinh tế biển, yêu cầu phải bảo vệ và khai thác các nguồn lợi từ biển để làm giàu cho dân, cho nước. Mùa Xuân năm 1959, khi đến thăm bà con ngư dân, Hồ Chủ tịch căn dặn nhân dân phải “làm chủ”, tức là phải bảo vệ và khai thác nguồn lợi của biển để xây dựng đất nước. Người yêu cầu: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ… cán bộ phải lo cho đời sống của nhân dân”. Tết Quý Mão năm nay nhiều gia đình ngư dân đón Tết tươi vui, vì xuất khẩu hải sản rất tốt. Ngành Công Thương đã có những biện pháp tích cực, hiệu quả hỗ trợ xuất khẩu hải sản, để góp sức tạo ra con số kỷ lục mới trong xuất khẩu hàng hóa nói chung (đạt hơn 371 tỷ USD) hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch mà Quốc hội và Chính phủ giao.

Hoạt động xúc tiến thương mại luôn được Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm

Cuối năm 1959 nhân dịp thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền Kỷ Hợi, Hồ Chủ tịch đã phát động Tết trồng cây, với ý nghĩa rất thiết thực: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều… Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp” và “Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa về kinh tế, mà còn có ý nghĩa về chính trị to lớn…”. Bộ Công Thương đã nhiều năm tham gia hưởng ứng Tết trồng cây và nâng cao giá trị kinh tế của cây. Đơn cử như tham gia phát triển, tăng giá trị xuất khẩu của cây nhãn. Cho đến nay, nhãn tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 17 nước trên thế giới. Người trồng nhãn tỉnh Hưng yên sẽ nhớ mãi hình ảnh Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về Hưng Yên trực tiếp cùng lãnh đạo địa phương khởi động Chương trình “Đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử 2022”.

Hàng năm, nhất là những dịp Tết Nguyên đán, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu ngành thương nghiệp phải chú ý đưa hàng hóa đến với người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Thực tế năm 2022, ngành Công Thương đã làm rất tốt điều này, góp phần phát triển sản xuất, tăng sức mua của người dân… Chương trình bình ổn thị trường đã được toàn ngành thực hiện hiệu quả, đồng thời bảo đảm hàng hóa có chất lượng tốt. Vai trò quản lý thị trường, nhất là sau khi tổ chức lại lực lượng theo ngành dọc đã có những bước đột phá góp sức tích cực phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng… Chắc chắn Tết Quý Mão năm nay, hàng Tết đến với người tiêu dùng sẽ phong phú hơn, chất lượng hơn…

Xuân Đinh Mùi 1967, Hồ Chủ tịch biểu dương: “Công nhân và cán bộ nhiều xí nghiệp, công trường và cơ quan cũng quyết định làm việc, không nghỉ Tết, để lập thành tích mới trong sản xuất và công tác. Như thế là rất tốt và rất đáng khen”. Những năm qua, cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Công Thương đã thực hiện chu đáo việc này, quên Tết riêng, để lo Tết chung . Tiêu biểu như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tết năm nào cán bộ, công nhân, người lao động cũng miệt mài bám giàn khoan, hăng hái, sáng tạo sản xuất, kinh doanh để dầu khí phát triển vững mạnh. Vừa qua, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam phối hợp với Báo VietNamNet (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức lễ công bố vinh danh Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất năm 2022, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tôn vinh ở vị trí số 1 - là doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. Đây là lần thứ 4 liên tiếp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ vững vị trí hàng đầu này.

Hồ Chủ tịch còn thường xuyên quan tâm đến mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ đặc biệt với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Mùa Xuân 1963, Người xác định: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” và “Giúp bạn là tự giúp mình”. Ngành Công Thương đã cùng cả nước tích cực triển khai quan hệ kinh tế với Lào. Năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Bộ Công thương Việt Nam đã cùng lãnh đạo Bộ Công Thương Lào gặp gỡ, trao đổi, ký kết (mới đây nhất là cuối năm 2022, hai bên đã gặp gỡ tại Quảng Ninh) để phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác ngành Công Thương hai nước, phấn đấu kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam - Lào vượt 2 tỷ USD trong tương lai…

Những kết quả, những việc làm tốt đẹp của ngành Công Thương đã góp phần khẳng định đường lối phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Nhân dân vững tin, đồng lòng tiếp tục đồng thuận đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Dư luận quốc tế đánh giá cao và tin tưởng vào chế độ cũng như nền kinh tế Việt Nam. Hãng tin Sputnik của Liên bang Nga vừa đánh giá: Nhờ sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ, chỉ số lạm phát thấp, xuất nhập khẩu bùng nổ, nền chính trị ổn định và thành công ngoại giao rực rỡ, Việt Nam nổi lên như một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm, suy thoái và khủng hoảng bao trùm toàn cầu. Còn Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đánh giá Việt Nam là điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

Cách đây tròn 60 năm, trong Thư chúc Tết Xuân Quý Mão năm 1963, Hồ Chủ tịch chúc: “Chúng ta cùng nhau mừng năm mới, Cố gắng mới, tiến bộ mới, Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”. Bước vào Xuân mới Quý Mão 2023, ngành Công Thương khẩn trương tiếp tục nỗ lực phấn đấu để cùng cả nước thực hiện thắng lợi kế hoạch năm mới, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: “Để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này”, để “Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”, năm bản lề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hướng đến những mục tiêu đã được đề ra: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Công Minh
Bài viết cùng chủ đề: Ngành Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Đã tìm ra quán quân đại sứ truyền thông Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - HUIT'S Iconic 2024

Cách đăng nhập Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bằng tài khoản VneID

Hà Nội và Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP

Quảng Bình: Xe tải chở 30 con bò lao xuống vực, tài xế tử vong

Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu qua hội thi tàu tốt, huấn luyện tàu hải đội dân quân thường trực

Từ 1/1/2025: Bảo hiểm y tế thanh toán dịch vụ ngày giường bệnh như thế nào?

Lừa đảo trực tuyến diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội

Quảng Nam: Sạt lở đất làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng chính thức khởi công

Lễ phát động cuộc thi ‘Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến’

Hà Nội: Cháy quán bar Titan tại quận Hoàn Kiếm, nhiều người chạy lên sân thượng lánh nạn

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cân nhắc tác động từ nhiều yếu tố

Bài 1: Vị thế người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định

Nhân sự Trung ương: Bộ Chính trị, Bộ Công Thương bổ nhiệm cán bộ chủ chốt; Quốc hội phê chuẩn nhân sự

Dự báo thời tiết biển hôm nay 25/11/2024: Có mưa dông và gió mạnh trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 25/11/2024: Mưa lớn cục bộ, lốc, sét gió giật mạnh từ Quảng Trị đến Phú Yên

Tối 24/11, xuất hiện khách hàng trúng độc đắc Vietlott có giá trị 'khủng'

Bắc Giang: Triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025

Công đoàn tham gia giám sát trả lương, thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người lao động

Hà Nội: Phấn đấu 100% siêu thị không sử dụng túi nilon khó phân hủy vào năm 2025